Nhật Bản sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững

Với bài học kinh nghiệm của mình, Nhật Bản sẽ giúp đỡ Việt Nam có hướng đi đúng đắn trong công cuộc phát triển kinh tế nói chung, phát triển thị trường chứng khoán nói riêng một cách bền vững, an toàn và minh bạch

Tại hội thảo khởi động dự án hợp tác kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), diễn ra vào ngày 23/9, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (280 tỷ USD), tăng 19,1% so với cuối năm 2023, tương đương 69,2% GDP ước tính năm 2023.

Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1 tỷ USD, tăng 31,3% so với bình quân năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 50 tỷ USD giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 17% vốn hóa thị trường.

 Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: ST)

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: ST)

Trước những thách thức mới của thị trường chứng khoán, UBCKNN đã khởi động dự án hợp tác với JICA nhằm hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển ngành.

Đồng thời, sự hợp tác này có thể giúp UBCKNN tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường.

“Dự án mới này thúc đẩy TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường ASEAN và quốc tế”, Chủ tịch UBCKNN nói.

Dự án bao gồm các cấu phần liên quan đến tăng cường năng lực của UBCKNN và các sở giao dịch trong việc thanh tra giám sát thị trường và quản lý niêm yết, phát hành chứng khoán ra công chúng.

Cùng đó, tăng cường năng lực của UBCKNN trong việc giám sát và phát triển các trung gian thị trường (công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) hướng tới tăng cường bảo vệ nhà đầu tư; đẩy mạnh tính công bằng và minh bạch cũng như hiệu quả của thị trường cổ phiếu Việt Nam.

“Đây là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu giai đoạn phát triển mới của TTCK, hướng tới các mục tiêu theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Các mảng kết quả của dự án phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững”, bà Phương cho biết.

Liên quan tới vấn đề này, ông Satoru Kawasaki, Phó Cao ủy viên Phụ trách các vấn đề Quốc tế cho biết, Nhật Bản đã từng trải qua đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng năm 1990 và mất 15 năm để xử lý nợ xấu, khủng hoảng kinh tế. Sau 30 năm, Nhật Bản đã hoàn toàn thoát khỏi giảm phát và bước vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.

"Với bài học kinh nghiệm của mình, Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam có hướng đi đúng đắn trong công cuộc phát triển kinh tế nói chung, phát triển TTCK nói riêng một cách bền vững, an toàn và minh bạch", ông Satoru Kawasaki khẳng định.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cho biết, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển TTCK của Việt Nam đến năm 2030 là ổn định và bền vững. Đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn chính duy trì tăng trưởng và nâng cao chất lượng; phát triển tài chính xanh và bền vững; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán và tăng cường hội nhập quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm 120% GDP vào năm 2030 và dư nợ trái phiếu chiếm 47% GDP vào năm 2025, 58% GDP vào năm 2030. TTCK phái sinh tăng trưởng 20% - 30%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Việt Nam phấn đấu nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi và hướng tới trình độ nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong năm 2025.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhat-ban-se-ho-tro-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-phat-trien-ben-vung-post313557.html