Nhật Bản sẽ tổn thất 6 tỷ USD nếu Olympics 2020 bị hoãn
Theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản có thể thiệt hại 6 tỷ USD nếu Thế vận hội Mùa hè Tokyo (Olympics 2020) không diễn ra theo kế hoạch.
Hôm 23/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lần đầu thừa nhận khả năng hoãn Olympics 2020 vì dịch virus corona chủng mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Nếu Thế vận hội Mùa hè Tokyo bị hoãn, thiệt hại kinh tế của Nhật Bản có thể lên đến 600-700 tỷ yen (5,42-6,32 tỷ USD), theo giới chuyên gia. Con số này tính đến thiệt hại của cả quốc gia và các nhà tài trợ như hãng sản xuất phụ tùng ôtô Bridgestone.
Trả lời Nikkei Asian Review, Bridgestone thừa nhận đã chuẩn bị cho khả năng hoãn sự kiện. “Chúng tôi hiểu rằng Thế vận hội có khả năng bị hoãn, sức khỏe của các vận động viên và người dân là rất quan trọng. Tình hình đang thay đổi từng ngày. Chúng tôi đang xem xét cẩn thận và chuẩn bị cho những khả năng có thể”, công ty tuyên bố.
Tiêu dùng nội địa thiệt hại nặng
Trước đây, giới quan sát cho rằng Olympics 2020 và Paralympics có khả năng giúp phục hồi nền kinh tế Nhật Bản sau đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10/2019. Lợi ích kinh tế được kỳ vọng sẽ lan rộng sang nhiều lĩnh vực từ xây dựng đến dịch vụ.
Goldman Sachs ước tính Nhật Bản sẽ thiệt hại 550 tỷ yen (4,99 tỷ USD) tiêu dùng nội địa nếu Olympics 2020 không diễn ra theo đúng kế hoạch. Một cuộc kiểm toán hồi cuối năm ngoái chỉ ra chính phủ Nhật Bản đã chi hơn 1.000 tỷ yen (9,98 tỷ USD) cho các cơ sở hạ tầng liên quan đến Thế vận hội.
Nhiều công ty trong lĩnh vực du lịch ở Nhật Bản cũng trông đợi kiếm lời từ Olympics 2020, nhất là khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch virus corona chủng mới.
Tuần trước, khách sạn Imperial hạ dự đoán lợi luận năm xuống còn 2,3 tỷ yen (20,8 triệu USD), thấp hơn năm ngoái 37%. Khách sạn đang chứng kiến nhu cầu sụt giảm từ khách nước ngoài, đối tượng khách hàng chiếm 50% lượng đặt phòng. Trong tháng 3, tỷ lệ phòng trống lên đến hơn 50%, cao hơn năm ngoái 30%.
Hôm 22/3, khách sạn tiết lộ “số lượng đặt phòng đáng kể” từ ban tổ chức Olympics và vẫn chưa tính được tổn thất tài chính nếu sự kiện bị hoãn.
Việc hoãn Olympics 2020 cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà tài trợ. Giống như Bridgestone, Toyota Motor và Panasonic là đối tác toàn cầu của IOC. Canon, Asahi Breweries, Mizuho Financial và NEC là các đối tác chính thức có hợp đồng với ban tổ chức Tokyo.
“Chúng tôi không biết liệu Thế vận hội có bị hoãn lại hay không, thời gian hoãn là nhiều tháng hay nhiều năm. Chúng tôi không biết tổn thất kinh tế là bao nhiêu, nhưng chúng tôi sẽ không gia tăng mức đóng góp vào thời điểm này”, một nhà tài trợ khẳng định.
Phải chấp nhận sự trì hoãn
“Chúng tôi không biết làm gì ngoài chờ đợi. IOC sẽ không bao giờ phủ nhận chuyện hoãn hay hủy bỏ. Họ chỉ nói có nhiều khả năng xảy ra”, nhà tài trợ này nói thêm.
Chủ tịch Motokuni Takaoka của Airweave - công ty cung cấp 18.000 bộ chăn gối cho vận động viên Olympics - cho biết ông không được thông báo về việc chi phí và điều khoản tài trợ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu hủy bỏ sự kiện.
“Tuy nhiên, Airweave đã mua địa điểm quảng cáo cho mùa hè này. Vì vậy sẽ rất lãng phí nếu sự kiện bị hoãn lại”, ông Takaoka cho biết.
“Thế vận hội cũng sẽ giúp tiếp thị các sản phẩm mới. Tháng này, Airweave đã giới thiệu một sản phẩm nệm tùy chỉnh được phát triển cho các vận động viên Olympics”, ông nói thêm.
Ngoài ra, các địa điểm tổ chức Thế vận hội như Makuhari Messe hay Tokyo Big Sight cũng chịu ảnh hưởng lớn nếu sự kiện bị hoãn lại.
The Olympic Village sẽ chuyển đổi thành khu chung cư sau khi tổ chức sự kiện. Khu dân cư Mitsui Fudosan và 9 nhà phát triển khác đã bắt đầu bán 4.145 căn hộ với kế hoạch chuyển đến vào tháng 3/2023.
“Chúng tôi phải chấp nhận mọi sự trì hoãn và không nhận được khoản bồi thường nào”, một người mua nói.
Cùng với đó, vấn đề an ninh cũng đặt ra một thách thức lớn. Sự kiện sẽ cần khoảng 14.000 nhân viên bảo vệ cho tất cả địa điểm tổ chức. Việc trì hoãn sẽ gây thiệt hại cho liên doanh bao gồm hàng trăm công ty bảo vệ, bao gồm Secom và Alsok.