Nhật Bản tăng biện pháp trừng phạt Nga hậu thượng đỉnh G7
Nhật Bản tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Động thái này được đưa ra sau khi Tokyo và các lãnh đạo G7 nhất trí quan điểm tăng cường trừng phạt Moscow tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Hiroshima hồi tuần trước.
Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong một hành động phối hợp với các nước G7, Tokyo sẽ đóng băng tài sản của 78 nhóm và 17 cá nhân, bao gồm các sĩ quan quân đội ở Nga và cấm xuất khẩu đối với 80 công ty Nga.
Trong số các công ty Nga bị Nhật Bản trừng phạt lần này có nhà điều hành mạng điện thoại di động MegaFon, Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự, Quỹ nghiên cứu các dự án công nghiệp quốc phòng tiên tiến, Văn phòng thiết kế NPO Lavochkin, nhà sản xuất xe tải Kamaz, Quỹ Skolkovo và Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, theo TASS.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ sớm cấm xuất khẩu một số mặt hàng “giúp thúc đẩy nền tảng công nghiệp của Nga”, cũng như cấm cung cấp các dịch vụ xây dựng và kỹ thuật cho Nga. Danh sách các biện pháp trừng phạt sẽ được Bộ Thương mại nước này tổng hợp và công bố vào một ngày sau đó.
Cũng trong ngày 26/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố chỉ trích động thái Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, nói rằng điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng xung quanh cuộc xung đột tại Ukraine.
“Là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong thời chiến, Nhật Bản không bao giờ chấp nhận mối đe dọa hạt nhân của Nga, chứ đừng nói đến việc sử dụng nó", ông Matsuno nhấn mạnh.
Giới chức Nga chưa bình luận về các tuyên bố của giới chức Nhật Bản.
Phản ứng của chính phủ Nhật Bản được đưa ra sau khi truyền thông đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin ngày 25/5 đã ký thỏa thuận về việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trên lãnh thổ Belarus.
Ông Shoigu khẳng định: "Toàn bộ các biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế hiện có và không vi phạm Hiệp ước về Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Việc kiểm soát và quyết định sử dụng vũ khí sẽ vẫn là đặc quyền của Nga".
Nhà Trắng sau đó bình luận việc Nga ký thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus là “vô trách nhiệm và khiêu khích”. Tuy nhiên, Washington khẳng định hiện chưa thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân và không có dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí này.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2/2022, quan hệ Nga – Nhật đã xấu đi nhanh chóng và rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nước này đã tham gia áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm đóng băng tài sản của Tổng thống Vladimir Putin và Ngân hàng Trung ương Nga.
Mặt khác, Nhật Bản đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng khoảng 7 tỷ USD, chủ yếu là các vũ khí phi sát thương, áo chống đạn, mũ bảo hiểm và các khoản viện trợ không hoàn lại để khôi phục ngành năng lượng và các ngành công nghiệp khác của Kiev.
Nước này cũng tiếp nhận hơn 2.000 công dân Ukraine sơ tán và hỗ trợ họ có nhà ở, việc làm và giáo dục – một động thái hiếm hoi tại một quốc gia nổi tiếng với chính sách nhập cư nghiêm ngặt.
Mới đây nhất, Nhật Bản hôm 24/5 công bố viện trợ 100 xe quân sự cho Ukraine, bao gồm xe chở hàng trọng tải nửa tấn, phương tiện tốc độ cao và phương tiện xử lý vật liệu và khoảng 30.000 khẩu phần ăn.