Nhật Bản tăng cường phản ứng chủ động trước thách thức lương thực

Để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng do dân số giảm nhanh và tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện bước đi quan trọng nhằm củng cố an ninh lương thực quốc gia vào cuối năm ngoái, giúp bảo đảm nguồn cung cấp lương thực ổn định và an toàn cho người dân.

Nguồn: Bloomberg

Nguồn: Bloomberg

Hiện đại hóa bản "Hiến pháp" về chính sách nông nghiệp

Tại cuộc họp cuối năm 2023, Chính phủ Nhật Bản xem xét lại một loạt chính sách quan trọng nhằm giải quyết các thách thức xã hội và thúc đẩy tăng trưởng thông qua đánh giá toàn diện các chiến lược nông nghiệp.

Một trong những quyết định quan trọng được đưa ra trong cuộc họp là việc nhất trí sẽ sửa đổi Luật Cơ bản về lương thực, nông nghiệp và nông thôn, được ví như “Hiến pháp về chính sách nông nghiệp”, đánh dấu lần sửa đổi đầu tiên kể từ khi luật được ban hành vào năm 1999. Quyết định này đồng thời cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện đại hóa phương pháp tiếp cận nông nghiệp. Liên minh cầm quyền đang chuẩn bị đệ trình dự luật sửa đổi cho phiên họp Hạ viện Nhật Bản sẽ diễn ra trong tháng 1.2024.

Luật Cơ bản về lương thực, nông nghiệp và nông thôn hiện hành vốn được xây dựng dựa trên giả định rằng Nhật Bản có thể nhập khẩu số lượng thực phẩm cần thiết trên cơ sở sức mạnh kinh tế của nước này vào thời điểm năm 1999. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng mất mùa ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, chiến sự Nga - Ukraine… đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Có thể nói, việc thu mua lương thực bước đứng trước nhiều thách thức. Mặc dù luật hiện hành có đưa ra những quy định nhằm đặt trọng tâm vào cải thiện khả năng tự cung, tự cấp lương thực, coi đó là trung tâm của chính sách nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài thực phẩm, Nhật Bản còn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất phân bón, như urê hay axit photphoric, những chất cần thiết cho nông nghiệp. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu phân bón. Điều này tuy không ảnh hưởng đến khả năng tự cung, tự cấp lương thực, nhưng lại cản trở một số mặt của sản xuất nông nghiệp.

Sau khi sửa đổi luật, Chính phủ dự định đặt ra các mục tiêu cho phân bón. Bùn từ nước thải đã xử lý có chứa nguyên liệu làm phân bón, nên nguồn tài nguyên này sẽ được tận dụng; đồng thời mở rộng sản xuất phân bón trong nước sẽ rất hiệu quả. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, trong việc nhập khẩu phân bón. Do đó, tìm kiếm các nguồn cung đa dạng thực sự cần thiết.

Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các thách thức xã hội, đặc biệt là tình trạng suy giảm nhanh chóng về dân số và thiếu hụt lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, nông dân Nhật Bản đang già đi và dựa trên cơ cấu độ tuổi hiện nay, số người có công việc chính là làm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm từ khoảng 1,2 triệu người vào năm 2022 xuống còn khoảng 300.000 người trong 20 năm tới.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản tuyên bố: “Chính phủ sẽ xem xét quyết liệt các chính sách nông nghiệp của mình để đạt được tăng trưởng trong khu vực bằng cách vượt qua các thách thức này”, báo hiệu cam kết của xứ sở Phù Tang nhằm thích ứng với các động lực đang thay đổi trong nước.

Đưa nông nghiệp thành ngành có lợi nhuận, thu hút lao động

Loạt chính sách quan trọng nói trên, được biên soạn lần đầu vào tháng 12.2022, nhằm mục đích hỗ trợ mở rộng sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu đối với các mặt hàng quan trọng như lúa mì và đậu nành. Lộ trình bao gồm việc xây dựng các chính sách liên quan, đề xuất một chiến lược toàn diện nhằm tăng cường an ninh lương thực của Nhật Bản. Trên thực tế, Nhật Bản dựa vào nhập khẩu hơn 60% thực phẩm được tiêu thụ tính theo calo, nên những áp lực gần đây về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch hay xung đột toàn cầu buộc Nhật Bản phải xem xét lại an ninh lương thực. Các chính sách cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải định giá nông sản phù hợp để phản ánh chi phí sản xuất thực sự, đồng thời giúp hoạt động nông nghiệp trở nên bền vững. Mục tiêu là biến nông nghiệp trở thành ngành có lợi nhuận và hấp dẫn người lao động.

Thủ tướng Kishida cũng bày tỏ, Chính phủ sẵn sàng xây dựng luật nhằm bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm liên tục trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, nhiều biện pháp khác sẽ được thực hiện để sử dụng đất nông nghiệp an toàn và hiệu quả, thu mua nguyên liệu ổn định và thúc đẩy nông nghiệp thông minh thông qua công nghệ. Những sáng kiến đó nêu bật cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các khía cạnh khác nhau của chuỗi cung ứng thực phẩm.

Nói chung, cam kết của Nhật Bản trong việc sửa đổi các chính sách nông nghiệp phản ánh nhận thức về sự cần thiết phải thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học và bất ổn toàn cầu. Bằng cách ưu tiên sản xuất trong nước và tăng cường khả năng phục hồi khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp, Chính phủ đặt mục tiêu tạo ra hệ thống lương thực mạnh mẽ và tự chủ hơn, cho thấy phản ứng chủ động trước những thách thức của thế kỷ XXI.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/nhat-ban-tang-cuong-phan-ung-chu-dong-truoc-thach-thuc-luong-thuc-i356921/