Sửa Luật Thuế GTGT: Giải quyết một số vướng mắc nhiều năm

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 trong năm nay.

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 trong năm nay. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, dự thảo Luật lần này đưa ra nhiều điểm mới quan trọng, bám sát các yêu cầu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết được một số vướng mắc của thuế GTGT trong các năm gần đây.

"Dự thảo Luật lần này có một nôi dung rất quan trọng, xử lý tồn tại từ trước đến giờ. Tức là có những doanh nghiệp chuyên môn sản xuất mặt hàng chịu thuế 5% nhưng đầu vào của họ là 10%. Tôi nêu ví dụ ngành dược, thuốc chữa bệnh thuế suất 5%, nhưng đầu vào là vật tư nguyên liệu có cái không chịu thuế, có cái chịu thuế 10%, đặc biệt là thiết bị nhập khẩu. Cho nên lần này, Luật có quy định đối với mặt hàng đầu ra chịu thuế suất 5% mà đầu vào thực tế đang 10%, dẫn đến thuế đầu ra thấp hơn thuế đầu vào thì nhà nước còn hoàn lại cho chúng ta, trả lại cho chúng ta, tránh việc doanh nghiệp bị mất vốn".

Ông Nguyễn Văn Phụng: "Việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% sẽ giúp tăng thêm thu ngân sách nhà nước từ phân bón nhập khẩu".

Ông Nguyễn Văn Phụng: "Việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% sẽ giúp tăng thêm thu ngân sách nhà nước từ phân bón nhập khẩu".

Một trong những điểm quan trọng nữa của dự thảo Luật lần này là việc vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa khấu trừ thuế nhưng có 12 hàng hóa và dịch vụ được đưa sang diện chịu thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng điều này sẽ tạo tính chất liên hoàn của thuế được tốt hơn và đưa ra dẫn chứng. Trước đây, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế, nên các doanh nghiệp trong nước có phát sinh số thuế GTGT đầu vào lớn không được khấu trừ, hoàn thuế, dẫn đến khó khăn về tài chính, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Trong khi phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định FTA. Việc đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế GTGT 5% ngoài giải quyết được vấn đề trên còn tăng thêm thu ngân sách nhà nước từ phân bón nhập khẩu.

"Còn đối với bà con nông dân, chúng ta có cơ hội yêu cầu các doanh nghiệp phân bón trong nước giảm giá bán bởi vì đầu ra 5%, đầu vào anh được khấu trừ thì không có lý do gì anh giữ giá bán như cũ cả. Chúng ta phải yêu cầu các doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật và chủ trương của Quốc hội là khi đưa vào diện áp dụng thuế suất 5% được khấu trừ đầu vào, anh được lợi thì phải hạ giá bán xuống; cần thiết thì đưa mặt bằng này vào mặt bằng nhà nước quan lý giá theo quy định của Luật Giá".

Ngoài các điểm trên, dự thảo Luật cũng quy định một số điểm mới như: Nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế hàng năm của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng; loại trừ trách nhiệm hình sự đối với công chức thuế khi người nộp thuế cung cấp thông tin tài liệu không chính xác, không trung thực mà công chức thuế không thể biết hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết khi thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT….

Theo các chuyên gia, thuế GTGT là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu ngân sách nhà nước của Việt Nam; việc điều chỉnh các quy định trong Luật cần thận trọng, bảo đảm hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/sua-luat-thue-gtgt-giai-quyet-mot-so-vuong-mac-nhieu-nam-102240615000815894.htm