Nhật Bản tăng cường sản xuất thuốc cho kết quả hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Dựa trên một hợp chất được phát hiện từ năm 1998, thuốc cảm cúm Favipiravir nay cho thấy cho thấy hiệu quả trong điều trị những bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình.
Cuối tháng 2 vừa qua, lãnh đạo Fujifilm tại trụ sở ở Tokyo tích cực chỉ đạo nhóm gồm 100 nhân viên được giao nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 86 năm của họ: Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato đưa tên hãng chuyên sản xuất film và máy ảnh này vào danh sách các công ty, tổ chức tham gia chống dịch COVID-19.
Vào thời điểm đó mới, Nhật Bản mới có khoảng 130 người mắc bệnh. Nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát là có thật.
Khi dịch COVID-19 đang lan nhanh và chưa có loại vắc-xin hay thuốc đặc trị nào, ông Kato hy vọng tìm ra loại thuốc sẵn có để chữa trị cho làn sóng bệnh nhân sắp tới. Một ứng viên trong đó là thuốc cảm cúm Avigan, được điều chế bởi Toyama Chemical, một công ty con của tập đoàn Fujifilm từ mấy chục năm trước.
Trong những tuần tiếp đó, nhóm chuyên trách của Fujifilm đã tích cực điều phối các văn phòng và nhà máy, lên kế hoạch khẩn cấp để tăng cường sản xuất, cố vấn cho các nhà nghiên cứu lâm sàng trên khắp Nhật Bản, và giúp cung cấp thuốc cho những bệnh viện đã được chính phủ cho phép sử dụng để điều trị cho hàng chục bệnh nhân COVID-19.
Ngày 28/3 vừa qua, Thủ tướng Abe Shinzo nói với báo giới rằng Chính phủ Nhật đã bắt đầu quá trình chính thức xác định Avigan là thuốc chuẩn của nước này để điều trị cho người mắc COVID-19.
Một bước đi quan trọng trong quá trình đó liên quan đến các thử nghiệm lâm sàng. Một thử nghiệm sẽ kết thúc vào tháng 6 tới. Nhưng dù chưa có dữ liệu chính thức nào để khẳng định hiệu quả của thuốc Avigan trong điều trị COVID-19, đã có một số lý do để lạc quan.
Ngày 17/3, ông Zhang Xinmin, một quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nói rằng Faviparavir, một phiên bản của thuốc Avigan, đã chứng minh hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện tại Vũ Hán và Thâm Quyến.
Ông Zhang khẳng định thuốc này “rất an toàn và hiệu quả” khi điều trị cho người mắc COVID-19. Và dù số liệu cũng như phương pháp luận đằng sau khẳng định của ông Zhang chưa được công bố, quan chức này đã thông báo một số kết luận mà các bác sĩ cung cấp: Tại một bệnh viện ở Thâm Quyến, ông Zhang nói rằng các bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng thuốc Favipiravir đã âm tính sau trung bình 4 ngày, thay vì thời gian 11 ngày như nhóm đối chiếu.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở Vũ Hán, các bệnh nhân uống Favipiravir đã hết sốt sớm hơn 2 ngày so với những người không uống thuốc này.
Những kết quả đó vẫn còn là sơ bộ, nhưng cũng cho thấy hiệu quả của Favipiravir. Hầu hết các loại thuốc cảm cúm khác ức chế virus phát tán khắp các tế bào bằng cách chặn enzyme neuraminidase, thuốc Favipiravir hoạt động bằng cách ức chế sự sao chép gien của virus trong các tế bào bị nhiễm bệnh, từ đó làm giảm khả năng phát tán của virus từ tế bào này sang tế bào khác.
Điều đó có nghĩa là các bệnh nhân uống thuốc này khi họ có lượng virus trong người ở mức thấp hoặc trung bình thì có thể không bị ốm thêm. Đã có một số bằng chứng cho thấy Favipiravir hiệu quả cả với những virus khác ngoài cảm cúm.
Nhiều nước muốn có
Thủ tướng Abe có vẻ là một trong những người tin như vậy. Cuối tuần trước, ông thông báo Nhật Bản “sẽ tăng cường sản xuất và thúc đẩy thử nghiệm lâm sàng và hợp tác với các nước muốn tham gia”. Ông cho biết nhiều quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến thuốc này.
Dù ông Abe không nêu tên nước nào nhưng có vẻ trong số đó có Mỹ. Theo bài báo gần đây của Politico, Fujifilm đã bàn bạc với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế và dịch vụ con người của Mỹ về khả năng thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan ở Mỹ, cũng như tìm kiếm tài trợ từ chính phủ Mỹ.
Theo bài viết, sau khi ông Abe có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump qua điện thoại về Avigan, Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng bắt đầu thúc ép chính phủ tiếp nhận thuốc Avigan Nhật Bản tặng, và đề nghị FDA chấp nhận cho sử dụng thuốc này trong tình huống khẩn cấp hiện nay.
Cuối năm 2014, Avigan được dùng làm thuốc điều trị khẩn cấp ở Tây Phi, nơi dịch Ebola xảy ra với thời gian và quy mô lớn chưa từng thấy, khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức Bác sĩ không biên giới cung cấp loại thuốc này để sử dụng đối với những bệnh nhân không mang thai, vì Avigan có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Một nghiên cứu về Avigan ở Guinea cũng cho kết quả hứa hẹn, dù chưa phải cuối cùng: Khi theo dõi các bệnh nhân có lượng virus ở mức thấp và trung bình, Avigan giảm một nửa tỷ lệ tử vong, từ 30% xuống 15%.
Năm năm sau, chính phủ Nhật giờ đang hy vọng thuốc này có kết quả tương tự đối với COVID-19, khi bệnh này đã khiến 61 trong số 2.617 người mắc ở Nhật Bản thiệt mạng, tính đến này 3/4.
Fujifilm từ chối bình luận về phát biểu từ Trung Quốc về Favipiravir vì họ không tham gia các thử nghiệm lâm sàng ở đó. Một đối tác cũ của Fujifilm ở Trung Quốc là hãng dược Hisun Chiết Giang đang sản xuất loại thuốc này từ khi bằng sáng chế của Fujifilm hết hiệu lực ở Trung Quốc từ năm ngoái.
Công ty Hisun Chiết Giang đã được chính phủ Trung Quốc cấp phép sản xuất thuốc Favipiravir từ giữa tháng 2 và cho phép công ty này thử nghiệm lâm sàng. Trung Quốc cũng đã bắt đầu xuất khẩu thuốc này. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết nước này đã nhận được một “lô thuốc đặc biệt” từ Trung Quốc và đang sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại 40 thành phố.
Nhật Bản dường như cũng đã nhận thấy Avigan là công cụ để mở rộng sức mạnh mềm.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cung cấp thuốc Avigan miễn phí cho khoảng 30 quốc gia, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói hôm 3/4.
“Có khoảng 30 nước đã đề xuất với Nhật Bản qua kênh ngoại giao. Chúng tôi đang điều phối để cung cấp lượng thuốc cần thiết miễn phí cho các nước đang cần” ông Suga nói.
Sáng ngày 3/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm lần thứ ba với lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand về tình hình dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc điện đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị chính phủ các nước tiếp tục có các cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc-xin và thuốc chữa trị COVID-19 nếu nghiên cứu thành công; đồng thời đề nghị chính phủ các nước khuyến khích các doanh nghiệp của mình duy trì hoạt động đầu tư sản xuất ở nước ngoài; khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam ccho biết.