Nhật Bản tăng phụ thuộc vào các đồng minh nhằm đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn
Nhật Bản, quốc gia khan hiếm tài nguyên, đang tăng cường nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn từ các đồng minh thân cận Australia và Mỹ khi các hợp đồng quan trọng từ các nhà cung cấp trong đó có Nga sắp hết hạn vào đầu những năm 2030.
Nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản JERA tháng trước đã đồng ý mua 15,1% cổ phần trong dự án Scarborough của Woodside Energy ở Australia. Đây là thỏa thuận mới nhất mà nước này ký kết sau chiến sự Nga – Ukraine.
LNG chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện của Nhật Bản và là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
LNG vẫn là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản mặc dù nhập khẩu đã giảm 8% trong năm ngoái xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 do nước này đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và khởi động lại một số lò phản ứng hạt nhân sau khi ngừng hoạt động hoàn toàn sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Kể từ năm 2022, những người mua LNG Nhật Bản đã đạt được các thỏa thuận cổ phần trong 5 dự án ở Australia và Mỹ, bao gồm cả một lô thăm dò. Theo tính toán của Reuters, họ đã đảm bảo các hợp đồng bao tiêu 10 đến 20 năm từ các quốc gia đó với hơn 5 triệu tấn hàng năm, tương đương 8% lượng tiêu thụ năm 2023 của Nhật Bản, làm lu mờ các giao dịch ở những nơi khác trên thế giới.
Các vấn đề chính trị bao gồm các quy tắc phát thải carbon mới mà Australia đưa ra vào giữa năm 2023 và việc Tổng thống Joe Biden đình chỉ cấp phép xuất khẩu LNG mới của Mỹ vào tháng 1 đã không làm giảm nhu cầu của Nhật Bản đối với nguồn cung dài hạn từ các quốc gia đó.
Kyushu Electric Power, một trong năm công ty điện lực hàng đầu của Nhật Bản, cho biết họ đang xem xét mua cổ phần trong dự án Lake Charles LNG của Energy Transfer (Mỹ), mặc dù dự án này hiện đang bị xứ cờ hoa đóng băng giấy phép.
Điệp Nguyễn (Theo CNA)