Nhật Bản thiếu gạo

Một loạt siêu thị và cửa hàng ở Nhật Bản đang 'cháy' hàng gạo do người dân đổ xô mua tích trữ gạo trước cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất đang tăng lên.

(KTSG Online) – Một loạt siêu thị và cửa hàng ở Nhật Bản đang “cháy” hàng gạo do người dân đổ xô mua tích trữ gạo trước cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất đang tăng lên.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thiếu hụt gạo chưa có tiền lệ ở Nhật Bản là do chính sách khuyến khích giảm diện tích trồng lúa để kích thích giá tăng lên.

Nhân viên của một siêu thị ở Tokyo dán tấm biển với nội dung đề nghị khách hàng chỉ mua một bao gạo một lần. Ảnh: Jiji Press/ AFP

Nhân viên của một siêu thị ở Tokyo dán tấm biển với nội dung đề nghị khách hàng chỉ mua một bao gạo một lần. Ảnh: Jiji Press/ AFP

Trong những tuần gần đây, người dân Nhật Bản cuống cuồng mua gạo dự trữ để đề phòng rủi ro xảy ra siêu động đất cũng như các cơn bão lớn. Ngoài ra, nhu cầu gạo cũng tăng lên trước thềm kỳ nghỉ lễ Obon (lễ tưởng nhớ cha mẹ đã khuất và tổ tiên) kéo dài bốn ngày kể từ ngày 13-8.

Hôm 8-8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo, nguy cơ xảy ra “siêu động đất” ở rãnh Nankai nằm ngoài khơi Thái Bình Dương gần Nhật Bản đang tăng lên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử JMA đưa ra cảnh báo như vậy. Cảnh báo duy trì trong một tuần nhưng các quan chức JMA yêu cầu người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác sau đó.

Lịch sử cho thấy, các trận động đất có cường độ 8 Richter đã xảy ra dọc theo rãnh Nankai cứ 100 đến 150 năm một lần. Trận động đất gần đây nhất ở rãnh Nankai có cường độ 8 Richter xảy ra vào năm 1946, gây ra thiệt hại lớn khắp vùng miền tây của Nhật Bản.

Nhu cầu mua gạo tích trữ đã đến tình trạng thiếu hụt gạo chưa có tiền lệ ở Nhật Bản.

Hãng tin AFP hôm 28-8 dẫn lời một nhân viên của một chi nhánh của chuỗi siêu thị Fresco nổi tiếng ở Tokyo nói: “Trong mùa hè này, chúng tôi chỉ có thể mua được một nửa lượng gạo so với mức thông thường. Vì vậy, các bao gạo nhanh chóng được bán hết”. Người này cho biết thêm, cứ đến giữa ngày, khách hàng vét sạch gạo trên kệ hàng.

Nhân viên của một cửa hàng tạp hóa khác ở Tokyo cho biết, hiện cửa hàng không thể thu mua được bất kỳ loại gạo nào. Một tấm biển tại một cửa hàng tạp hóa ở Tokyo có nội dung: “Để nhiều khách hàng có thể mua gạo, chúng tôi yêu cầu bạn mua một bao gạo mỗi ngày cho mỗi gia đình”.

Gần đây, Ito-Yokado, một chuỗi siêu thị lớn của Nhật Bản do Seven & i Holdings Co. điều hành cũng hạn chế mỗi khách hàng mua một bao gạo.

Hôm qua (27-8), Thủ tướng Fumio Kishida yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp (MAFF)Tetsushi Sakamoto giải quyết lo ngại về nguồn cung gạo của người tiêu dùng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Sakamoto kêu gọi người dân bình tĩnh và cam kết vấn đề thiếu hụt gạo sẽ được giải quyết sớm. Giới chức Nhật Bản khẳng định lượng gạo dự trữ vẫn đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo một quan chức của MAFF, mùa thu hoạch của vụ lúa mới nhất đã bắt đầu, với 40% sản lượng sẽ được tung ra thị trường vào cuối tháng Chín tới.

Ngoài nhu cầu mua dự trữ tăng đột biến của người dân, có những nguyên nhân sâu xa khác khiến lượng gạo dữ trữ ở Nhật Bản trong tháng 6 rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1999.

Năm ngoái, do thời tiết khô hạn, sản lượng gạo của nước này giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử, 6,16 triệu tấn. Theo MAFF, năm 2023 cũng chứng kiến sản lượng gạo loại một giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 59,6% tổng sản lượng gạo.

Nhu cầu gạo của Nhật Bản đang suy giảm mỗi năm khoảng 100.000 tấn do dân số giảm, thúc đẩy nông dân chuyển sang canh tác các loại cây lương thực khác.

Trong tháng Bảy, giá gạo ở Nhật Bản tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 20 năm. Theo lý giải của MAFF, giá gạo tăng một phần do nhu cầu cao hơn từ du khách nước ngoái. MAFF giả định, nếu mỗi du khách tiêu thụ 78 gram gạo mỗi bữa và có hai phần cơm mỗi ngày, sức tiêu thụ gạo của những người này tăng từ 19.000 tấn trong giai đoạn từ 7-2022 đến tháng 6-2023, lên 51.000 tấn trong giai đoạn từ tháng 7-02023 đến tháng 6-2024. Nhật Bản dự kiến đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục 35 triệu người trong năm 2024.

Trong khi đó, Kazuhito Yamashita, cựu quan chức của MAFF cho rằng, cơn bùng nổ du lịch không phải là yếu tố chính dẫn đến nguồn cung gạo thiệu hụt.

Theo ông, ngay cả khi có khoảng 3 triệu du khách đến Nhật Bản mỗi tháng và giả định mỗi người ăn ba bữa mỗi ngày với các món ăn chế biến từ gạo trong thời gian lưu trú một tuần thì mức tiêu thụ cũng chỉ chiếm khoảng 5% nhu cầu gạo của cả nước.

Theo đó, tình trạng thiếu gạo là do chính sách khuyến khích giảm diện tích đất canh tác dành cho lúa để tăng giá bán trên thị trường. Vì mức tiêu thụ bánh mì, mì ống, mì ăn liền và các thực phẩm thay thế khác ngày càng tăng, nếu nông dân Nhật Bản sản xuất lượng gạo như trước, nguồn cung sẽ dư thừa, khiến giá giảm xuống. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình trợ cấp dành cho nông dân trồng lúa chuyển sang trồng các loại lương thực khác như lúa mì hoặc đậu nành.

AFP, Kyodo News, Mainichi

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-thieu-gao/