Nhật Bản thông qua kế hoạch tổng thể mới phòng chống dịch COVID-19

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yokosuka, Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

* Châu Âu lần đầu tiên phê duyệt phương pháp điều trị kháng thể

Ngày 12/11, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua bản kế hoạch tổng thể về phòng chống COVID-19, với các biện pháp chủ động trong trường hợp làn sóng dịch bệnh lần thứ 6 tại Nhật Bản có thể bùng phát mạnh mẽ, gấp nhiều lần so với đỉnh dịch vừa qua.

Kế hoạch tổng thể về phòng chống COVID-19 của Nhật Bản tập trung vào các biện pháp chính sách cho 4 lĩnh vực là tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo thuốc điều trị và khôi phục cuộc sống thường nhật.

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 5 vào mùa Hè vừa qua, với sự lây lan mạnh của biến thể Delta, Nhật Bản có thời điểm ghi nhận tới 28.000 người có nhu cầu nhập viện điều trị.

Trong kế hoạch mới, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đảm bảo được 37.000 giường bệnh, gấp 3 lần so với nhu cầu tại thời điểm đỉnh dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng quy định chế độ liên lạc với những người bệnh được điều trị tại nhà kể từ ngày xác định dương tính, công bố số liệu về giường điều trị COVID-19 hàng ngày và áp dụng chế độ hạn chế điều trị thông thường trong trường hợp xuất hiện nguy cơ khủng hoảng y tế.

Về việc thúc đẩy tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm chủng liều tăng cường (mũi thứ 3) cho nhân viên y tế kể từ tháng 12 tới và người lao động từ tháng 3/2022.

Việc tiêm chủng vắc xin đối với trẻ em dưới 12 tuổi cũng sẽ được tiến hành khi cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép tiêm chủng cho nhóm đối tượng này. Hiện nay, hãng dược Pfizer đang đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cấp phép tiêm chủng vắc xin của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Về thuốc điều trị COVID-19, Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ tối đa 20 triệu yen (175.039 USD) cho mỗi dự án phát triển thuốc điều trị.

Mục tiêu của chính phủ nước này là phát triển thành công thuốc điều trị COVID-19 trong năm nay, đảm bảo được 1,6 triệu liều điều trị, trong đó riêng trong năm 2021 có thể cung ứng được 600.000 liều cho các cơ sở y tế.

Để khôi phục lại cuộc sống thường nhật, Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy sử dụng chứng nhận tiêm chủng vắc xin, chuyển đổi chứng nhận sang hình thức kỹ thuật số, tiến hành xét nghiệm miễn phí cho các đối tượng có triệu chứng bệnh trong trường hợp dịch lây lan rộng.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho những đối sách mang tính lâu dài, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ xem xét sửa đổi các bộ luật có liên quan nhằm trao quyền cho chính phủ, địa phương có thể ra chỉ thị, các yêu cầu nhằm nhanh chóng đảm bảo giường bệnh, nguồn nhân lực y tế.

Trong khi đó, nhằm khôi phục ngành du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong 2 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng tái khởi động chương trình “GoTo Travel” vào đầu năm sau.

Điều quan trọng nhất hiện nay của việc tái khởi động là phải đảm bảo chương trình này không tiếp tục bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19. Do đó, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ xu hướng diễn biến của dịch bệnh trong thời điểm cuối năm cũng như các điều kiện cần thiết khác như tốc độ tiêm chủng vắc xin và khả năng đảm bảo thuốc điều trị dạng uống.

“GoTo Travel” là một kế hoạch kích cầu du lịch nội địa quy mô lớn, có sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhằm khôi phục ngành dịch vụ, du lịch của nước này trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

“GoTo Travel” được khởi động từ tháng 7/2020, tuy nhiên đã buộc phải tạm dừng vô thời hạn vào tháng 12 cùng năm khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và kéo dài cho đến nay.

Theo thống kê của cơ quan quản lý ngành du lịch Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 4-9 năm nay, đã có thêm 16 doanh nghiệp du lịch nước này tuyên bố phá sản, với khoản nợ trên 10 triệu yen (khoảng 90.000 USD), trong đó có tới 15 doanh nghiệp phá sản vì chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, chiếm 93,7%.

* Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 11/11 cho biết lần đầu tiên phê duyệt việc triển khai tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) hai phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng chống lại virus SARS-CoV-2. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EMA đã chấp thuận việc sử dụng phương pháp điều trị từ công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche, Ronapreve và từ công ty Hàn Quốc Celltrion, regdanvimab (Regkirona).

Ronapreve và Regkirona là những loại thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên nhận được ý kiến tích cực về khả năng chống lại COVID-19.

Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides cho biết việc phê duyệt hai loại thuốc này là một "bước quan trọng" chống lại COVID-19 cùng với 4 loại vaccine mà EU đang sử dụng hiện nay.

Trong một thông cáo, Ủy viên Stella Kyriakides nhấn mạnh với sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 ở hầu hết các quốc gia thành viên, nhiều phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được phát triển như một phần trong chiến lược của EU chống lại đại dịch.

Đây cũng là một bước quan trọng để hướng tới mục tiêu cho phép 5 phương pháp điều trị mới ở EU vào cuối năm nay. Các kháng thể là một trong những nền tảng xây dựng nên hệ thống miễn dịch của con người.

Trước sự hiện diện của một yếu tố nguy hiểm, chẳng hạn như virus, cơ thể sẽ tự sản sinh ra một chất để đối phó.

Ý tưởng về kháng thể tổng hợp là chọn lọc các kháng thể tự nhiên và tái tạo chúng một cách nhân tạo để sau đó sử dụng trong điều trị, chủ yếu bằng cách truyền dịch.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267381/nhat-ban-thong-qua-ke-hoach-tong-the-moi-phong-chong-dich-covid-19.html