Nhật Bản thu hồi thành công mẫu đá từ tiểu hành tinh Ryugu
Ngày 6-12, Cơ quan Thăm dò Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết đã tìm thấy khoang tàu đựng mẫu bụi và đá từ tiểu hành tinh Ryugu ở vùng hẻo lánh xa xôi của Australia do tàu vũ trụ Hayabusa2 mang về sau một sứ mệnh kéo dài sáu năm.
Ngày 6-12, Cơ quan Thăm dò Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết đã tìm thấy khoang tàu đựng mẫu bụi và đá từ tiểu hành tinh Ryugu ở vùng hẻo lánh xa xôi của Australia do tàu vũ trụ Hayabusa2 mang về sau một sứ mệnh kéo dài sáu năm.
Sứ mệnh của tàu vũ trụ Nhật Bản Hayabusa2 đánh dấu vai trò ngày càng được khẳng định của châu Á trong việc khám phá không gian. Tuần trước, một robot của tàu thăm dò Trung Quốc cũng đã thu thập mẫu đá đầu tiên từ mặt trăng kể từ 40 năm qua.
Khoang tàu chứa mẫu vật đã đi vào khí quyển Trái đất hôm nay và hạ cánh tại các khu vực hạn chế Woomera, cách thủ phủ Adelaide của Nam Australia khoảng 460 km (285 dặm) về phía bắc.
Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa nói trong một cuộc họp báo ngày 6-12: “Tàu thăm dò đã hạ cánh xuống tiểu hành tinh hai lần, và lần thứ hai nó tạo ra một miệng núi lửa nhân tạo và thu thập một số mảnh vỡ”.
"Tôi hy vọng điều này sẽ làm sáng tỏ cách hệ mặt trời được hình thành và cách nước được đưa đến Trái đất", ông cho biết.
Ông Yamakawa còn tiết lộ, khoang tàu này cũng có thể chứa một ít khí, sẽ được thu hồi ngay tại Australia.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 được phóng vào năm 2014 từ trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản, đã hành trình trong bốn năm tới tiểu hành tinh Ryugu, nơi nó thu thập mẫu và hành trình trở về nhà vào tháng 11-2019.
Người dân Nhật Bản tập trung tại một nhà hát gần thủ đô Tokyo để chờ đợi sự trở về của tàu vũ trụ. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã quay cảnh người dân vỗ tay và vẫy các biểu ngữ chào mừng, một phụ nữ đang rơi nước mắt. Họ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách đề phòng virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Thăm dò Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) tổ chức họp báo công bố sự kiện quan trọng này. Ảnh: JAXA.
Các tiểu hành tinh được cho là đã hình thành vào buổi bình minh của hệ mặt trời và các nhà khoa học cho biết mẫu vật này có thể chứa chất hữu cơ có thể góp phần tạo nên sự sống trên Trái đất.
Nhà vật lý thiên văn Lisa Harvey-Smith nói: “Những gì chúng tôi đang thực sự làm ở đây là cố gắng lấy mẫu tảng đá nguyên sơ chưa bị chiếu xạ bởi mặt trời”.
Bà cho biết thêm, các khí bị mắc kẹt trong các mẫu đá có thể tiết lộ thêm về các điều kiện phổ biến cách đây khoảng 4,6 tỷ năm.
Việc thu hồi khoang tàu cũng ghi dấu ấn của sự hợp tác kỹ thuật chặt chẽ giữa Nhật Bản và Australia.
Australia đã hỗ trợ Nhật Bản trong quá trình thu hồi mẫu vật. Ảnh: JAXA.
“Công việc hỗ trợ JAXA của chúng tôi sẽ không hoàn thành cho đến khi chúng tôi thấy mẫu vật an toàn rời Australia và trở về Nhật Bản”, bà Megan Clark, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Australia nói trong cuộc họp báo.
"Và sau đó, mẫu vật này sẽ bắt đầu kể những câu chuyện của nó và tiết lộ cho chúng ta một số dấu hiệu tuyệt vời về cách nước hình thành trên Trái đất và thậm chí có thể biết sự sống của chúng ta gồm các chất hữu cơ, động vật, con người và thực vật đã được hình thành như thế nào", bà nói.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản quay quanh tiểu hành tinh trong vài tháng để lập bản đồ bề mặt của nó trước khi hạ cánh. Tàu sử dụng chất nổ nhỏ để làm nổ một miệng núi lửa và thu thập các mảnh vỡ. Sau khi tàu Hayabusa2 thả khoang chứa mẫu vật vào bầu khí quyển của Trái đất, nó đã thay đổi hướng đi và quay trở lại không gian.