Nhật Bản tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động
Nhật Bản có kế hoạch tăng hơn gấp hai lần số lao động nước ngoài đủ điều kiện cấp thị thực lao động có tay nghề trong giai đoạn 5 năm bắt đầu từ năm tài chính 2024 lên hơn 800.000 người.
Nhật Bản có kế hoạch tăng hơn gấp hai lần số lao động nước ngoài đủ điều kiện cấp thị thực lao động có tay nghề trong giai đoạn 5 năm bắt đầu từ năm tài chính 2024 lên hơn 800.000 người, trong bối cảnh chính phủ tìm cách giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong các ngành như sản xuất, xây dựng và nông nghiệp.
Kế hoạch mở rộng trên được áp dụng cho những người tham gia chương trình Lao động đặc biệt được chỉ định, được triển khai từ năm 2019 dành cho người lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên môn và khả năng tiếng Nhật. Tính đến tháng 11/2023, có khoảng 200.000 người đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này.
Con số 800.000 lao động trên được tính toán dựa trên tình trạng thiếu lao động trong một số ngành nhất định ngay cả khi người sử dụng lao động tăng lương và thực hiện nhiều thay đổi để thu hút nhân tài.
Trước đó, Nhật Bản đã giới hạn số lượng lao động theo chương trình vào khoảng 345.000 người trong 5 năm cho đến tháng 3/2024. Những lao động đặc biệt được chỉ định hiện có thể làm việc ở một trong 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có tiêu chuẩn riêng. Hầu hết các lao động đều đạt chứng nhận "Loại 1", cho phép họ làm việc tại Nhật Bản tới 5 năm.
Một số lao động vượt qua các bài kiểm tra phù hợp và các bằng cấp khác có thể đủ điều kiện đạt chứng nhận "Loại 2" dành cho những người có kỹ năng chuyên môn. Lao động "Loại 2" có thể gia hạn thời gian lưu trú vô thời hạn, có thể đưa các thành viên trong gia đình đến, hay thậm chí có thể nộp đơn xin thường trú. Tính đến cuối tháng 11/2023, chỉ có 29 lao động lành nghề được cấp chứng nhận "Loại 2" tại Nhật Bản.
Trong tháng 2/2024, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất mở rộng chương trình Công nhân đặc biệt được chỉ định để bao trùm thêm bốn lĩnh vực gồm vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ, nâng tổng số lên 16. Chính phủ có kế hoạch tuyển dụng 25.000 tài xế taxi, xe buýt và xe tải.
Nhật Bản cũng đang nghiên cứu giải pháp thay thế chương trình thực tập sinh kỹ thuật gây tranh cãi dành cho người lao động phổ thông, vốn bị chỉ trích vì lương thấp và lạm dụng lao động.
Chương trình mới này, dự kiến được thực hiện vào năm 2027, nhằm bổ sung thị thực lao động có tay nghề cụ thể bằng cách bồi dưỡng nhân tài nước ngoài, đồng thời củng cố lực lượng lao động của đất nước.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, có khoảng 2 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản tính đến tháng 10/2023. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Một số ước tính dự đoán rằng khoảng 10% dân số Nhật Bản sẽ là người nước ngoài vào năm 2100.
Trước đó, các công ty lớn của Nhật Bản hôm 21/2 đã đồng ý đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tăng lương của phía công đoàn trong các cuộc đàm phán mùa Xuân năm nay, khi họ tìm cách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh lạm phát cao cũng như duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động hạn chế.
Nhà sản xuất xe gắn máy Honda đã đồng ý yêu cầu mức tăng lương hàng tháng 20.000 yen (133 USD), bao gồm lương cơ bản và tăng lương dựa trên thâm niên. Công ty cũng sẽ phân bổ lại nguồn tiền từ các thỏa thuận trước đây để nâng tổng số tiền trên lên mức 21.500 yen, tương đương mức tăng 5,6%.
Chuỗi bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công đoàn đối với sáu công ty con của họ, đạt được thỏa thuận sớm hơn khoảng một tuần so với năm 2023. Tiền lương cho người lao động toàn thời gian tại đơn vị bán lẻ cốt lõi Aeon Retail sẽ tăng 6,4% (cao hơn mức 5% của năm ngoái), trong khi lao động bán thời gian sẽ nhận được mức tăng lương theo giờ đã được cam kết trước đó là 7% - tương tự như năm 2023.
Các công ty khác đã cũng đáp ứng yêu đầu của phía công đoàn gồm nhà sản xuất ô tô Mazda Motor và chuỗi nhà hàng Matsuya Foods Holdings. Trong đó, Matsuya Foods Holdings đồng ý mức tăng lương tới 10,9% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2001 tới nay của công ty.
Theo giới quan sát, việc các công ty nhanh chóng đồng ý yêu cầu của người lao động một phần nhờ vào thu nhập doanh nghiệp cao. Theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, 23 trong số 36 ngành công nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hoặc hòa vốn trong quý kết thúc vào tháng 12/2023. Điều này giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Các cuộc đàm phán về lương mùa Xuân dự kiến sẽ được đẩy mạnh đối với các ngành công nghiệp như điện tử và thép. Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ theo sau đó. Các cuộc đàm phán năm nay thậm chí còn thu hút nhiều sự chú ý hơn so với năm ngoái vì mức tăng lương hiện vẫn không theo kịp lạm phát.
Trong khi động lực tăng lương đang lớn dần ở các doanh nghiệp và công ty quy mô lớn, giới quan sát vẫn lo ngại liệu điều tương tự có xảy ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động của Nhật Bản hay không.
Theo Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (còn gọi là Rengo), các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng lương trung bình ở mức 3,58% trong cuộc đàm phán lương năm ngoái. Nhưng những doanh nghiệp có 300 công đoàn viên trở xuống lại tụt lại phía sau và chỉ ở mức 3,23%.
Một số nhà quan sát ước tính rằng việc nâng mức tăng lương thực tế sẽ yêu cầu các công ty lớn phải tăng lương khoảng 4% và các doanh nghiệp nhỏ hơn khoảng 3% trong năm tài chính 2024 (kết thúc vào ngày 31/3/2025). Tuy nhiên, việc tăng lương lại là gánh nặng đối với các công ty nhỏ có năng lực tài chính yếu.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cuối tháng 2/2024 lần đầu tiên hạ mức đánh giá về sức khỏe nền kinh tế trong bối cảnh nước này trở nên thận trọng hơn về sức tiêu dùng và sản xuất tư nhân.
Những thông tin được tiết lộ gần đây cho thấy Nhật Bản đã rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023, dẫn đến chính phủ nước này hạ thấp quan điểm về tiêu dùng tư nhân lần đầu tiên sau hai năm. Điều này cũng cho thấy sự đóng góp của lĩnh vực dịch vụ, vốn bị tích tụ trong giai đoạn dịch COVID-19, đã giảm dần. Trước đây, dịch vụ vốn được coi là lĩnh vực hỗ trợ nền kinh tế dù cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-tim-cach-giai-quyet-tinh-trang-thieu-lao-dong/325606.html