Nhật Bản tìm ra công nghệ phát hiện virus SARS-CoV-2 siêu nhanh
Phương pháp SATORI xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của các nhà nghiên cứu Nhật Bản có thể cho kết quả trong vòng chưa đầy 5 phút - kỷ lục nhanh nhất trên thế giới tại thời điểm hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản và các tổ chức nghiên cứu khác vừa phát triển thành công công nghệ mới giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng chưa đầy 5 phút.
Đây là phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh nhất trên thế giới tại thời điểm hiện nay.
Viện nghiên cứu Riken cho biết bước đột phá trong công nghệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có được là nhờ sử dụng một phương pháp có tên gọi SATORI.
Đây là phương pháp kết hợp giữa công nghệ vi mạch siêu nhỏ và CRISPR-Cas13, một phương pháp sử dụng để phát hiện các nucleic acid.
Trong phương pháp này, các mẫu xét nghiệm được đưa vào trong hỗn hợp gồm thuốc thử và một enzyme đặc biệt.
Nếu mẫu xét nghiệm đó chứa virus SARS-CoV-2, các phân tử riêng của chất có trong thuốc thử, bị enzyme được kích hoạt bởi chuỗi RNA của virus tách ra, sẽ phát sáng.
Do ánh sáng phát ra từ các phân tử đó rất yếu nên hỗn hợp này được đặt vào một vi mạch có chứa 1 triệu ống xét nghiệm siêu nhỏ trên 1cm2 để cô lập từng phân tử và xác định các phân tử phát sáng.
Khác với phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phương pháp mới không cần phải lọc sạch và khuyến đại RNA của virus và do vậy, nó có thể xác định các phân tử phát sáng trong vòng chưa đầy 5 phút sau khi các mẫu xét nghiệm được trộn với thuốc thử có chứa enzyme đặc biệt.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp xét nghiệm mới đưa ra kết quả có độ chính xác gần tương đương với PCR – một phương pháp xét nghiệm đang được sử dụng phổ biến và cho kết quả trong khoảng 1 giờ.
Mặc dù có tốc độ xét nghiệm siêu nhanh nhưng chi phí trên mỗi xét nghiệm theo phương pháp mới gần tương đương với phương pháp PCR.
Theo Viện Riken, công nghệ SATORI có thể sử dụng để chỉ thị sinh học trong các bệnh khác như ung thư.
Trong một diễn biến liên quan dịch bệnh COVID-19, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và hai tỉnh phía Tây gồm Osaka và Hyogo.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ tham vấn với các bộ trưởng trong nội các và có thể đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ vào ngày 22/4. Tình trạng khẩn cấp lần này có thể sẽ kéo dài trong 3 tuần.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã hai lần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở ba tỉnh, thành này trong tháng 4/2020 và tháng 1/2021.
Trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại ở Nhật Bản. Ngày 20/4, nước này ghi nhận thêm 4.342 ca nhiễm mới, trong đó riêng Osaka có 1.153 ca và Tokyo 711 ca.
Đáng chú ý, số ca nguy kịch ở Osaka đã tăng cao kỷ lục lên 317 ca, khiến hệ thống y tế tỉnh này trở nên căng thẳng và buộc tỉnh phải huy động 60 giường dành cho các bệnh nhân nhẹ và vừa để chữa trị cho các bệnh nhân nguy kịch.
Ngày 20/4, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cảnh báo về sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở khu vực phía Tây, nhất là tỉnh Osaka.
Theo các chuyên gia này, các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn so với virus gốc. Vì vậy, nhóm chuyên gia đã kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp mạnh mẽ để chống dịch.
Ông Takaji Wakita, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), nói: “Tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới ở Osaka đang chậm lại nhưng tỉnh này vẫn tiếp tục chứng kiến sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để giảm tiếp xúc giữa người với người.”
Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Osaka đã đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp ở đây.
Chính quyền thủ đô Tokyo và tỉnh Hyogo có thể sẽ đưa ra các đề nghị tương tự trong ngày 21/4.
Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền Osaka dự kiến sẽ yêu cầu các trung tâm mua sắm và các công viên chủ đề tạm thời đóng cửa để hạn chế sự di chuyển của người dân.
Trong một diễn biến liên quan khác, các số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tới ngày 16/4, có gần 1,2 triệu người trong tổng số khoảng 4,8 triệu nhân viên y tế ở nước này mới được tiêm mũi đầu tiên của vaccine phòng COVID-19. Số lượng nhân viên y tế đã được tiêm mũi thứ 2 là 718.396 người.
Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19 từ ngày 17/2, với đối tượng ưu tiên trong đợt đầu là các nhân viên y tế. Nước này bắt đầu tiêm vaccine cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) từ ngày 12/4.
Đến nay, tỉnh Aichi - nơi có số người cao tuổi được tiêm vaccine đông nhất - mới tiêm mũi đầu tiên cho 1.190 người (tính đến ngày 18/4), trong khi vẫn còn 9 tỉnh chưa có người cao tuổi nào được tiêm, gồm Tochigi và Saitama ở phía Đông, Shizuoka ở miền Trung, Shiga, Hyogo và Shimane ở phía Tây, và Saga, Kumamoto và Oita ở phía Tây Nam./.