Nhật Bản trấn an về công tác an ninh sau vụ Thủ tướng Kishida bị tấn công
Chưa đầy 1 năm sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị sát hại tại một cuộc vận động chính trị, các tiêu chuẩn an ninh của Nhật Bản một lần nữa bị chỉ trích do tuần trước Thủ tướng Fumio Kishida bị một kẻ tấn công tiếp cận. Liệu các sự cố liên tiếp này có khiến các nhà lãnh đạo G7 lo ngại khi nhóm họp tại Hiroshima trong tháng 5 tới?
Hôm 15-4, Thủ tướng Fumio Kishida đã được các nhân viên an ninh sơ tán an toàn khi bị một kẻ ném vật lạ giống như bom khói đúng lúc ông chuẩn bị có bài phát biểu vận động bầu cử ở quận trung tâm thành phố Wakayama, tỉnh Wakayama. Cảnh sát cho biết, kẻ tấn công còn một thiết bị tương tự trong ba lô cùng với con dao dài 13cm. “Nếu quả bom tự chế đó phát nổ thì ông Kishida có thể bị thương nặng hoặc tử vong. Một lần nữa, đây lại là sai lầm nghiêm trọng của cảnh sát. Rõ ràng là những bài học về vụ ám sát ông Abe vẫn chưa được rút ra. Việc kiểm tra an ninh đối với những người tham dự sự kiện quá lỏng lẻo và có quá nhiều điểm tương đồng với vụ sát hại cố Thủ tướng Abe” - Giáo sư Yoichi Shimada tại Đại học Fukui nhận định.
Ông Shinzo Abe đã bị một người đàn ông dùng súng tự chế sát hại khi vận động tranh cử ở thành phố Nara vào tháng 7 năm ngoái. Cảnh sát Nhật Bản bị chỉ trích gay gắt sau vụ ám sát và chính quyền đã hứa sẽ xem xét các quy trình an ninh đối với tất cả các nhân vật nổi tiếng của công chúng. Nhưng có thể nhận thấy, trong cả 2 sự việc xảy ra với 2 chính trị gia hàng đầu này, những kẻ tấn công đã tiếp cận mục tiêu chỉ trong vòng vài mét. “Thật không thể giải thích nổi tại sao cảnh sát lại không yêu cầu mọi người cách xa Thủ tướng và phải bị kiểm tra hành lý khi tham dự sự kiện. Công tác an ninh vẫn chưa đủ tốt và cần phải cải thiện hệ thống bảo vệ yếu nhân khi các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ đến Hiroshima”.
Vụ tấn công xảy ra khi các Bộ trưởng Môi trường của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang tham dự hội nghị ở Sapporo, còn Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại thị trấn Karuizawa ở Nagano, phía Tây Bắc Tokyo. Trong khi đó, Hiroshima - khu vực bầu cử quê hương của ông Kishida đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về mức độ đảm bảo an toàn cho các nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự các sự kiện G7 trên khắp Nhật Bản. “Chúng tôi phải nỗ lực hết sức để đảm bảo an ninh khi các quan chức từ khắp thế giới tụ hội về đây” - Thủ tướng Nhật Bản Kishida khẳng định hôm 16-4.
Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào lãnh đạo Nhật Bản dường như đều do “những kẻ cô độc” gây ra, thường vì lý do cá nhân chứ không phải các nhóm có tổ chức. Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn nguồn tài liệu của tòa án công bố hôm 18-4 cho thấy, Ryuji Kimura (24 tuổi), nam nghi phạm ném thiết bị nổ vào Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng đệ đơn kiện chính phủ nước này năm 2022 do anh ta không thể tham gia tranh cử vào Thượng viện. Bên cạnh đó, luật sở hữu và sử dụng súng của Nhật Bản rất nghiêm ngặt khiến bất kỳ kẻ ám sát tiềm năng nào cũng phải nản chí, bởi chúng phải tự chế tạo súng hoặc bom, những thứ luôn không chính xác và thô sơ. Điều này đúng với sự cố mới nhất. Chính việc quả bom đầu tiên không phát nổ và ngay sau đó là đám đông dân chúng tóm được nghi phạm đã giúp ngăn chặn đối tượng sử dụng thiết bị nổ thứ hai hoặc con dao anh ta mang theo.
Ông Robert Dujarric - Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple (Tokyo) cũng đánh giá, an ninh không phải là điều đáng lo đối với các nhà lãnh đạo G7 khi họ đến Nhật Bản. “Họ sẽ không gặp gỡ công chúng và ở trong những không gian được kiểm soát chặt chẽ từ sân bay, đoàn xe hộ tống, khách sạn, địa điểm tổ chức hội nghị. Ngoài ra, họ sẽ có các thông tin chi tiết về an ninh của riêng mình” - ông Dujarric lý giải.
Theo (Theo SCMP)