Nhật Bản: Tranh cãi khi trường học thành điểm tiêm chủng
Các trường đại học tại Nhật Bản đang chuẩn bị cơ sở vật chất để chuyển thành điểm tiêm chủng Covid-19. Kế hoạch này nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai tiêm chủng của đất nước, vốn đang ở mức chậm.
Ông Katsunobu Kato, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết từ ngày 21/6, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tổ chức tại bảy trường đại học trên toàn quốc. Chính phủ hy vọng kế hoạch này giúp hoàn thành tiêm chủng cho người dân từ 65 tuổi trở lên trước tháng 8.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản vào tháng 5, 497 cơ sở của 350 trường đại học công lập, tư thục trên toàn quốc có thể được sử dụng làm điểm tiêm chủng. Một số cơ sở đã được chính quyền địa phương sử dụng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, một số quan chức trường học bày tỏ lo ngại khi đông đảo người dân đến tiêm vắc-xin, việc học tập, sinh hoạt câu lạc bộ của sinh viên nhà trường sẽ bị gián đoạn.
Trường Đại học Tohoku, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Miyagi, một trong bảy trường sẽ được sử dụng từ ngày 21/6, cho biết chưa sẵn sàng. Nhà trường không thể ước tính số sinh viên trong khuôn viên trường trong thời gian tới và liệu người dân có làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em hay không.
Đại diện Trường ĐH Tohoku cho biết: “Nhà trường vẫn chưa tham vấn với Bộ Giáo dục và chính quyền địa phương. Chúng tôi không chắc có thể tổ chức tiêm chủng đúng lịch trình hay không. Cho đến nay, chúng tôi chưa thể đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho công tác tiêm chủng”.
Kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được chính phủ Nhật Bản công bố từ tháng 2/2021. Ban đầu, đối tượng được tiêm vắc-xin là nhân viên y tế, người cao tuổi. Hiện tại, chỉ khoảng 8% trong tổng số 126 triệu dân Nhật Bản đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Con số này thấp, thua xa nhiều quốc gia phát triển khác.
Trường ĐH Chiba, trụ sở chính tại thành phố Chiba, phía Đông thủ đô Tokyo, là một trong những trường đại học đầu tiên tham gia chiến dịch tiêm chủng của địa phương. Từ ngày 10/5, chi nhánh của trường tại thủ đô Tokyo là nơi tiêm vắc-xin cho hơn 150 người dân địa phương trên 65 tuổi.
Trong khi Trường ĐH Fukuoka, đảo Kyushu, dự định chuyển phòng tập thể dục thành phòng tiêm chủng từ tuần sau, theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Đại diện nhà trường cho biết cố gắng hạn chế ảnh hưởng bằng cách tách người tiêm vắc-xin và sinh viên. Nhà trường đang chuẩn bị cơ sở vật chất thay thế cho phòng thể dục để đảm bảo hoạt động học tập, ngoại khóa của sinh viên.
Dự kiến, phần đông sinh viên sẽ trở lại trường học tập từ ngày 20/6, sau khi tỉnh Fukuoka dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Trong thời gian này, nhà trường sẽ song song tổ chức tiêm chủng và đảm bảo cơ sở vật chất đón sinh viên trở lại.
Đại diện Trường ĐH Fukuoka bày tỏ: “Chúng tôi lo ngại tổ chức tiêm chủng sẽ ảnh hưởng tới việc học tập của sinh viên. Nhưng chúng tôi nhận thấy các trường đại học phải có nghĩa vụ đóng góp cho xã hội”.
Trước kế hoạch tổ chức điểm tiêm chủng tại trường học, sinh viên có nhiều ý kiến trái chiều. Một số em hoan nghênh chương trình này vì giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Những người lớn tuổi cũng sẽ cảm thấy an toàn hơn trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, số khác cảm thấy không thoải mái, lo sợ có thể bị lây nhiễm virus nếu tiếp xúc với đông người dân địa phương trong khuôn viên trường.
Bất chấp những tranh cãi trên, chính phủ Nhật Bản và chính quyền nhiều địa phương đang đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vắc-xin để kiểm soát làn sóng Covid-19 đồng thời chuẩn bị an toàn, chu đáo cho Thế vận hội Olympic, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2021.