Nhật Bản tung ra mũ bảo hiểm Shellmet làm từ vỏ sò và nhựa tái chế
Một nhà máy ở Nhật Bản đã giới thiệu Shellmet, một loại mũ bảo hiểm được sản xuất từ vỏ sò và nhựa tái chế trong bối cảnh xu thế giảm sử dụng vật liệu nhựa đang ngày càng tăng trên thế giới.
Trong bối cảnh xu thế giảm sử dụng vật liệu nhựa đang ngày càng tăng trên thế giới, một nhà máy nhỏ ở Nhật Bản đã giới thiệu Shellmet, một loại mũ bảo hiểm được sản xuất từ vỏ sò và nhựa tái chế.
Shelltec là một loại vật liệu được Công ty công nghiệp hóa chất Koushi phối hợp với Giáo sư Uyama Hiroshi của Trường kỹ thuật sau đại học thuộc Đại học Osaka phát triển bằng cách kết hợp vỏ sò với nhựa.
Canxi cacbonat có trong vỏ sò được được sử dụng làm nguyên liệu cho vật liệu xây dựng như ximăng và nhựa.
Theo công ty Koushi, hàng năm có gần 500.000 tấn vỏ sò bị bỏ đi sau khi bị tách phần thịt bên trong. Đánh giá tiềm năng của những chiếc vỏ sò bị bỏ đi này là một nguồn tài nguyên mới chứ không phải là rác thải, Công ty công nghiệp hóa chất Koushi đã tạo ra vật liệu Shelltec bằng cách kết hợp vỏ sò, có thành phần chủ yếu là canxi cacbonat, với nhựa tái chế.
Năm 2022, Koushi đã sử dụng vật liệu Shelltec để tạo ra Shellmet, một loại mũ bảo hiểm được đánh giá thân thiện với môi trường.
Đại diện công ty Koushi, người phụ trách phát triển dự án Shellmet, ông Nambara Tetsuya, cho biết khi tìm kiếm cách thức sử dụng vật liệu nhựa theo xu hướng thân thiện nhất với môi trường, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng có thể tận dụng hiệu quả những rác thải bị vứt đi, vì vậy nhóm đã bắt đầu thực hiện thử thách tận dụng vật liệu phế thải.
Đề cập đến quy trình sản xuất ra Shellmet, ông Nambara Tetsuya, cho biết vỏ sò sẽ được nghiền mịn thành bột, sau đó được trộn với các loại nhựa tái chế để tạo thành viên nén Shelltec. Các viên nén này sẽ được nung chảy và được đưa vào khuôn để tạo ra mũ bảo hiểm Shellmet.
Theo công ty Koushi, nếu so sánh với loại mũ bảo hiểm được tạo ra hoàn toàn từ nhựa, Shellmet có tính thân thiện với môi trường cao hơn, giảm lượng khí thải CO2 tới 36%. Thậm chí so với nhựa sinh thái làm từ đá vôi, Shelltec tiết kiệm năng lượng hơn tới 20%. Không chỉ có tính chất thân thiện với môi trường, Shellmet, với vật liệu là vỏ sò trộn với nhựa, được cho là có độ bền cao hơn khoảng 33%. Cùng với đó, thiết kế độc đáo mô phỏng cấu trúc của vỏ sò cũng giúp làm tăng độ bền của Shellmet.
Một lợi thế nữa của Shelltec là tính chất có thể tái sử dụng liên tục. Mũ bảo hiểm Shellmet cũ sẽ được nghiền nát và tái chế để tạo ra một Shellmet mới.
Koushi khẳng định mục tiêu của mình là đóng góp cho một xã hội bền vững bằng cách tạo ra một chu trình sản xuất và sử dụng khép kín với việc sản phẩm có thể được tái chế nhiều lần./.