Nhật Bản tưởng niệm 28 năm ngày xảy ra vụ tấn công hóa học sarin
Cách đây 28 năm, vào buổi sáng thứ hai ngày 20-3-1995, tại một ga tàu điện ngầm Tokyo (Nhật Bản) đã xảy ra một vụ khủng bố bằng khí độc sarin khiến 14 người thiệt mạng và hơn 6.000 người trúng độc hoặc bị thương. Dù kẻ thủ ác đã lĩnh án tử hình nhưng nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình họ vẫn phải gánh chịu dai dẳng đến tận ngày hôm nay.
8 giờ sáng 20-3-2023, tại ga Kasumigaseki ở thủ đô Tokyo, các quan chức Nhật Bản đã cử hành một phút mặc niệm nhằm tưởng niệm 28 năm ngày xảy ra vụ tấn công khí độc thần kinh do giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện trên hệ thống tàu điện ngầm. Nhiều người đã đến đặt hoa tưởng niệm ở các ga Kasumigaseki, Kodemmacho, Hatchobori, Nakanosakaue và ga trung tâm Tokyo.
Trở về 28 năm trước, ngày 20-3-1995, 5 nhóm khủng bố đến từ giáo phái Aum Shinrikyo đã đón các chuyến tàu điện ngầm riêng biệt. Họ đựng chất độc sarin dạng lỏng trong túi nilon, mang lên một số chuyến tàu đi qua quận Kasumigaseki và Nagatacho, nơi tập trung nhiều văn phòng Chính phủ Nhật. Sau đó, chúng bí mật thả khí sarin gây chết người vào không khí. Những kẻ khủng bố sau đó đã uống thuốc giải độc sarin và trốn thoát, còn các hành khách bị khói làm cho mù mắt và thiếu không khí, vội vã tìm lối thoát. Trong khi đó, chuông báo động kêu liên hồi, nhân viên tàu cố gắng la hét để sơ tán đám đông hoảng loạn; tiếng còi cấp cứu vang lên khắp mọi nơi, trực thăng khẩn trương đáp xuống giữa con phố đông đúc để đưa người trúng độc đến viện. Tất cả khiến Tokyo chìm trong hỗn loạn.
Sarin là chất độc thần kinh gây tê liệt và làm chết người dã man nhất mà con người từng biết đến. Các triệu chứng điển hình bao gồm mất thị lực, đau mắt, buồn nôn, mê man, tăng urê máu và chảy máu cam.
Theo thống kê, 14 người đã tử vong và hơn 6.000 người bị thương ở các mức độ khác nhau. Các nạn nhân nằm trong độ tuổi từ 21 - 92 và được xác định là nhiễm độc sarin. Đây là loại vũ khí sinh học được phát minh bởi Đức Quốc xã và là một loại hóa chất không màu, không mùi, không vị, có thể giết chết con người chỉ trong vài phút.
Ngay sau đó, cảnh sát đã khoanh vùng và xác định được kẻ thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này là giáo phái Aum Shinrikyo và tiến hành cuộc truy lùng với quy mô toàn quốc. Giáo phái Aum Shinrikyo được thành lập vào năm 1984 với tư cách là một lớp học yoga và thiền. Kẻ sáng lập và đứng đầu giáo phái là dược sĩ Chizuo Matsumoto, sau này được biết đến với tên gọi Shoko Asahara. Họ vốn đang bị điều tra về một vụ tấn công bằng khí sarin khác vào năm 1994, khiến 7 người chết, ngoài ra còn vì tội giết một số đối thủ chính trị.
Để đối phó với khí sarin, Cơ quan Quốc phòng đã cung cấp cho cảnh sát điều tra trang phục chống khí độc và mặt nạ. Các nhà chức trách Nhật Bản đã điều động lực lượng đột kích cơ sở của Aum Shinrikyo trên khắp đất nước nhưng vẫn không thể tìm thấy Asahara. Cuối cùng, Asahara được tìm thấy trong một căn phòng bí mật khác tại cơ sở núi Phú Sĩ và bị bắt. Asahara cùng 12 kẻ sùng đạo khác đã bị kết án tử hình vào năm 2018. Năm 2000, giáo phái Aum Shinrikyo đã đổi tên thành Aleph, và nằm trong sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Có thế nói, 28 năm trôi qua, vụ tấn công bằng khí sarin trên tàu điện ngầm Tokyo vẫn được xem là vụ khủng bố gây thiệt hại về người nhiều nhất tại Nhật Bản. Dường như những di chứng về thể xác cũng như tinh thần luôn hiện hữu trong hơn 6.000 người sống sót và cả người thân của những nạn nhân đã thiệt mạng. Cuộc tấn công cũng giáng đòn chí mạng lên hệ thống an ninh tưởng chừng như an toàn của Nhật. Tuy nhiên, Nhật Bản dường như có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các tình huống thiên tai hơn là một vụ khủng bố.