Nhật Bản: Tỷ lệ sinh giảm tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội
Cùng với tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ dân số cao tuổi tại Nhật Bản đã tăng tương đối, khiến tình trạng già hóa xã hội diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Theo "Liên hợp buổi sáng" ngày 5/12, xu hướng tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, tỷ suất sinh trong giai đoạn năm 1950 là 2,22. Sau năm 1975, tỷ suất giảm xuống dưới ngưỡng 2. Số liệu mới nhất cho thấy tổng tỷ suất sinh năm 2022 của Nhật Bản là 1,26. Trên bình diện quốc tế đây là tỷ lệ rất thấp.
Cùng với tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ dân số cao tuổi tại Nhật Bản đã tăng tương đối, khiến tình trạng già hóa xã hội diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Nếu số người sinh ít hơn số người mất, dân số sẽ bắt đầu giảm.
Nhật Bản đã phát triển theo xu hướng này và dân số đã liên tục giảm kể từ năm 2008. Tỷ lệ sinh thấp chắc chắn sẽ dẫn đến biến động dân số. Tuy nhiên, do tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản bắt đầu diễn ra với tốc độ khá nhanh, nên xét về bình diện quốc tế, tính biến động của dân số nước này cũng đứng hàng đầu.
Hiện tượng tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản diễn ra nhanh hơn do tác động của dịch COVID-19. Đặc trưng lớn nhất chính là số lượng sinh giảm. Sau năm 2020, số lượng sinh giảm với tốc độ nhanh hơn. Năm 2022, con số này đạt 771.000 người, ghi nhận mức thấp nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo dự báo dân số năm 2017 (trước khi dịch bệnh bùng phát), số người sinh năm 2022 sẽ ở mức khoảng 774.000.
Hiện nay, điều này đồng nghĩa với tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản đã đến sớm hơn ít nhất 10 năm so với dự kiến. Số lượng người kết hôn cũng suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Số cặp đôi kết hôn trong năm 2021 ghi nhận 501.000 cặp (năm 2022 tăng lên 505.000 cặp), mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ giới trẻ muốn kết hôn cũng đang suy giảm. Ở Nhật Bản, trẻ em đều được sinh ra trong các gia đình có quan hệ hôn nhân, do đó số lượng kết hôn giảm đồng nghĩa với dân số sinh trong tương lai sẽ tiếp tục giảm.
Tính đến nay, sự biến động của dân số dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài. Cuối tháng 4/2023, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề an sinh xã hội và dân số đã công bố báo cáo “Dự báo dân số tương lai của Nhật Bản” mới, đánh giá những thay đổi của kết cấu dân số trong thời gian tới. Theo đó, các xu hướng dân số như tổng dân số giảm, tỷ lệ sinh giảm, lực lượng lao động giảm, già hóa dân số… vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Đến nay, biến động dân số đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và xã hội của Nhật Bản. Tuy nhiên, ảnh hưởng trong tương lai sẽ nghiêm trọng hơn. Có ba ảnh hưởng chủ yếu dưới đây.
Trước hết, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Mặc dù lực lượng lao động trước đó cũng không đủ, nhưng trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, mức độ thiếu hụt ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp ứng phó bằng việc nâng cao tỷ lệ tham gia của lao động nữ và người cao tuổi, nhưng điều này cũng nhanh chóng đạt đến giới hạn.
Thứ hai, tính bền vững của chế độ an sinh xã hội suy yếu. Chế độ an sinh xã hội như lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe… cơ bản là một “phương thức trưng thu” được thế hệ lao động hiện hành sử dụng để hỗ trợ người cao tuổi. Do đó, cùng với sự thay đổi của dân số, tỷ lệ dân số thuộc thế hệ lao động hiện hành giảm xuống, nền tảng của chế độ an sinh xã hội sẽ bị lung lay.
Thứ ba, kinh tế địa phương suy yếu. Trong bối cảnh dân số tổng thể giảm, mức độ suy giảm của dân số địa phương tăng lên, dân số giảm dẫn đến dịch vụ công, dịch vụ tư nhân xuống cấp, cuộc sống ở địa phương ngày càng khó khăn.
Để đối phó với xu hướng tỷ lệ sinh giảm nghiêm trọng này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đưa ra các đối sách khác nhau. Tháng 6/2023, ông đã công bố “Phương châm chiến lược tương lai của trẻ em”.
Phương châm đề xuất: Thứ nhất, tăng cường mức độ hỗ trợ kinh tế gắn liền với nâng cao tiền lương mang tính kết cấu để cải thiện thu nhập của giới trẻ; Thứ hai, thay đổi kết cấu và ý thức chung của xã hội; Thứ ba, đối với các trẻ em và gia đình nuôi dạy con cái ở các giai đoạn khác nhau, hỗ trợ liên tục ba khái niệm cơ bản. Trong tương lai, các đối sách như làm thế nào để huy động nguồn lực tài chính sẽ quyết định cụ thể.
Tuy nhiên, các đối sách ứng phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm thiếu căn cứ chứng thực, tính hiệu quả bị nghi ngờ. Cho dù thế nào, để ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm, ngăn chặn dân số giảm, thì cần phải nâng tỷ lệ sinh lên mức 2,07, tuy nhiên điều này dường như không khả thi.
Do đó, không nên nghĩ đến việc chi những khoản kinh phí lớn để ngăn chặn dân số giảm, thay vào đó nên nỗ lực thực hiện xã hội dân số giảm nhưng không gây tổn hại đến phúc lợi của mọi người.
Xét đến việc nhiều quốc gia sẽ đạt đến giai đoạn biến động dân số tương tự như Nhật Bản trong thời gian tới, nước này nên “chung sống thông minh với tình trạng suy giảm dân số” và làm gương cho thế giới.