Nhật Bản và chủ trương nới lỏng định lượng
Vào ngày cuối cùng của tháng 10 vừa qua, BOJ (Ngân hàng Nhật Bản) đã chấp nhận áp dụng chính sách thực dụng tài chính bằng cách cho phép tăng lãi suất trái phiếu vượt 1%. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cố gắng duy trì mức độ 'phi thực tế' nhất định trong chính sách, điều mà sẽ chắc chắn khiến đồng yên phải chịu sức ép giảm giá mạnh.
Bước đi của ông Ueda là động thái nhỏ nhất mà BOJ có thể thực hiện được mà không cần thận trọng thăm dò thị trường toàn cầu. Động thái này khác xa những gì các nhà giao dịch tiền tệ suy đoán về thời điểm và cách thức Nhật Bản từ bỏ chính sách nới lỏng định lượng đã kéo dài 23 năm. Gary Dugan, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý tài sản Dalma Capital cho biết cuộc họp của BOJ “kết thúc có phần khó hiểu nhưng phần lớn mang tính ôn hòa, khiến đồng yên vẫn dễ bị bán tháo hơn nữa so với đồng USD”.
Kể từ khi đảm nhiệm vị trí vào tháng 4, ông Kazuo Ueda đã thử nghiệm mức độ sẵn sàng của thị trường khi BOJ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Cho đến nay, kế hoạch này đã diễn ra không mấy tốt đẹp. Ví dụ, một động thái vào cuối tháng 7 nhằm tăng lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm từ 0,5% lên 1% đã khiến đồng yên tăng cao hơn so với dự kiến của Tokyo.
Trong những tuần tiếp theo, BOJ thực hiện vô số giao dịch mua trái phiếu lớn và đột xuất. Điều đó báo hiệu cho các nhà giao dịch rằng sự điều chỉnh trong tháng 7 là không thể tránh khỏi do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 17 năm và chính sách lãi suất tổng thể của BOJ không thay đổi. Nó tương tự như chiến lược “tiến một bước, lùi hai bước” mà BOJ đã thực hiện vào tháng 12/2022.
Lần điều chỉnh hôm 31/10 cũng giống như vậy. Khi lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng lên khiến tỷ giá đồng yên tụt dốc so với đồng USD, BOJ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải điều chỉnh. Rốt cuộc, vẫn còn phải xem Mỹ có thể áp đặt thêm bao nhiêu động thái thắt chặt đối với thị trường toàn cầu. Tin tức về việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Mỹ tăng 4,9% (tính theo cơ sở năm) đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất.
Tuy nhiên, thách thức đối với ông Kazue Ueda ở thời điểm đó cũng lớn hơn rõ rệt vì nhiều lý do. Một là tình hình bạo lực bất ngờ bùng nổ ở Trung Đông. Cuộc chiến Hamas - Israel có nguy cơ đẩy giá dầu tăng nhanh, làm tăng thêm rủi ro lạm phát vốn đã xuất hiện từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Lạm phát của Nhật Bản đang ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua, gần 3% mỗi năm. Điều đáng chú ý là BOJ đã nâng dự báo lạm phát từ mức 2,5% lên 2,8% cho năm tài chính 2023. Đối với năm 2024, dự báo về giá cả cũng đã tăng lên 2,8%.
Nhưng ngay cả khi giá hàng hóa tăng đòi hỏi phải có các chính sách thắt chặt hơn nữa, tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang kéo các ưu tiên của BOJ theo hướng khác. Chỉ số nhà quản trị mua hàng trong lĩnh vực chế tạo giảm từ mức 50,2 xuống 49,5 trong tháng 9, còn trong lĩnh vực phi chế tạo giảm từ mức 51,7 xuống còn 50,6.
Khi đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản vấp phải nhiều thách thức, các nhà xuất khẩu đang chuẩn bị cho một năm 2024 đầy khó khăn. Điều đó làm mờ đi hy vọng rằng lương có thể tăng, khởi động một chu kỳ tích cực về tăng thu nhập và tiêu dùng.
Khi những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida đang gấp rút tung ra các biện pháp kích thích mới. Gói biện pháp này bao gồm các đề xuất cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giảm thuế doanh nghiệp và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình đang phải đối mặt với lạm phát cao hơn. Phí tổn ngày càng lớn và ngày càng tăng dành cho các sáng kiến tài chính có thể làm gia tăng sức ép đối với BOJ, buộc ngân hàng này phải bổ sung chứ không phải giảm thanh khoản. Nếu không, lãi suất trái phiếu chính phủ có thể tăng vọt, gây thêm sức ép tài chính cho các ngân hàng và hộ gia đình.
Tỷ giá hối đoái yếu được cho là đã khiến nền kinh tế Nhật Bản dễ bị tổn thương trước làn sóng tăng giá năng lượng và lương thực. Động lực này xung đột với một nền kinh tế trong nước chưa sẵn sàng thoát khỏi chính sách cực kỳ nới lỏng tiền tệ. Một mối lo lớn là nguy cơ sụp đổ giống như kịch bản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đối với hơn 100 tổ chức cho vay của Nhật Bản trong khu vực.
Đồng USD mạnh cũng làm tăng rủi ro vỡ nợ ở châu Á. Nhà phân tích Adam Button của ForexLive cho biết việc Bộ Tài chính Nhật Bản có thể can thiệp để hỗ trợ đồng yên vẫn là mối đe dọa thường trực gây hạn chế tăng của đồng USD - ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Nhưng Button lưu ý rằng đồng USD “sẽ mạnh lên và chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi điều đó thành hiện thực”.
Mạng lưới mong manh các ngân hàng địa phương rộng lớn của Nhật Bản vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á. Nhiều trong số các bên cho vay phục vụ các cộng đồng đang già đi nhanh chóng ở những khu vực dân cư thưa thớt của đất nước. Điều đó đã làm giảm lợi nhuận thậm chí trước cả khi các cú sốc ngân hàng diễn ra trong 15 năm qua, bao gồm cả “cú sốc Lehman” năm 2008. Cuộc khủng hoảng đó, cùng với lượng khách hàng trung thành đang già đi nhanh chóng và việc ngày càng nhiều công ty đổ xô chuyển trụ sở đến Tokyo đã khiến các ngân hàng địa phương trong 15 năm qua tích trữ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thay vì cho vay khoản tín dụng mà BOJ cung cấp. Chính động thái tương tự đã khiến SVB và Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York sụp đổ.