Nhật Bản và Trung Quốc kích cầu du lịch ra nước ngoài

Để khắc phục tình trạng du lịch ra nước ngoài của Nhật Bản phục hồi chậm, dịp hè 2024 hãng lữ hành JTB có kế hoạch triển khai chiến dịch mới kích thích tăng lĩnh vực này. Trong khi thị trường du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc được dự báo 'bùng nổ'.

Chiến dịch thúc đẩy du lịch ra nước ngoài của Nhật Bản mùa hè 2024 cung cấp cho du khách đặc quyền cùng sự hỗ trợ tài chính. Trong ảnh là cảnh du khách Nhật Bản check-in một điểm đến ở Singapore. Ảnh: TTGAsia

Chiến dịch thúc đẩy du lịch ra nước ngoài của Nhật Bản mùa hè 2024 cung cấp cho du khách đặc quyền cùng sự hỗ trợ tài chính. Trong ảnh là cảnh du khách Nhật Bản check-in một điểm đến ở Singapore. Ảnh: TTGAsia

Du lịch ra nước ngoài của Nhật Bản hè 2024 hứa hẹn sôi động

TTGAsia (ấn phẩm chuyên về hoạt động kinh doanh lữ hành, hàng không nổi tiếng trên thị trường du lịch châu Á - Thái Bình Dương) ngày 4/6 đưa tin: Hãng du lịch JTB lớn nhất của Nhật Bản đang đặt mục tiêu kích cầu du lịch ra nước ngoài (outbound) trong mùa hè 2024.

Theo đó JTB sẽ thực hiện một loạt ưu đãi và khuyến mãi quảng cáo, nhằm hỗ trợ thị trường du lịch ra nước ngoài vẫn đang phục hồi chậm thời hậu COVID-19.

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) ghi nhận: Trong quý 1/2024 Nhật Bản có 3,01 triệu du khách ra nước ngoài - thấp hơn khá nhiều so với con số 4,92 triệu du khách lĩnh vực này cùng kỳ năm 2019.

Số du khách ra nước ngoài của Nhật Bản trong tháng 4/2024 đạt 888.800 lượt người - tăng so với 560.200 du khách so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn 46,7% so với dịp tháng 4/2019.

Theo chiến dịch du lịch mùa hè 2024 của JTB, những du khách đủ điều kiện khởi hành theo các hành trình du lịch ra nước ngoài của JTB trong khoảng thời gian từ ngày 1/7-30/9, có thể đăng ký hỗ trợ tài chính về hộ chiếu, bữa sáng miễn phí tại khách sạn họ chọn ở đảo Hawaii, cũng như thuê wifi miễn phí ở nước ngoài với dữ liệu không giới hạn ở đảo Hawaii và vùng lãnh thổ Guam (Mỹ), Australia, Singapore, đảo Bali (Indonesia) và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy thị trường du lịch nước ngoài của Nhật Bản hiện đang phục hồi chậm, nhưng được dự báo sẽ tiến triển mạnh mẽ hơn từ nay tới cuối năm 2025. Ảnh: renub

Tuy thị trường du lịch nước ngoài của Nhật Bản hiện đang phục hồi chậm, nhưng được dự báo sẽ tiến triển mạnh mẽ hơn từ nay tới cuối năm 2025. Ảnh: renub

Vịnh Hanauma trên đảo Oahu, Hawaii (Mỹ) là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách Nhật Bản tới vào mùa hè. Ảnh: H.I.S. Co.

Vịnh Hanauma trên đảo Oahu, Hawaii (Mỹ) là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách Nhật Bản tới vào mùa hè. Ảnh: H.I.S. Co.

JTB cũng triển khai một loạt chương trình phát sóng trực tiếp để cung cấp thông tin du lịch theo mùa. Đồng thời tư vấn về các điểm đến du lịch khác nhau để truyền cảm hứng cho du khách.

Mặc dù thị trường du lịch nước ngoài của Nhật Bản phục hồi chậm, nhưng theo kết quả nghiên cứu của nhóm chính sách thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Mitsubishi, có khoảng 23 triệu du khách Nhật Bản (trên tổng dân số 122.676.500 người) dự kiến sẽ du lịch ra nước ngoài trong thời gian ngắn.

Trước đó, website Hotelmanagement-network.com ngày 30/5 dẫn báo cáo "Du lịch và lữ hành tại Nhật Bản" của Global Data (hãng tư vấn và phân tích dữ liệu của Vương quốc Anh) cho thấy: Năm 2023 số chuyến du lịch nước ngoài khởi hành từ Nhật Bản đã tăng 326%. Đặc biệt du lịch nội vùng là một xu hướng gây chú ý, thể hiện qua thực tế 8 trong Top 10 điểm đến phổ biến nhất đều ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, Việt Nam cũng góp mặt ở vị trí thứ 6 trong Top 10 điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến nhất với du khách Nhật Bản cùng với: Hàn Quốc (xếp thứ nhất); Mỹ (thứ 2); vùng lãnh thổ Đài Loan (thứ 3); Thái Lan (thứ 4): Tây Ban Nha (thứ 5); vùng lãnh thổ Guam (thứ 7); Singapore (thứ 8); Philippines (thứ 9) và Australia (thứ 10).

Du khách Nhật Bản rất yêu thích điểm đến Hội An của Việt Nam. Ảnh: Vietnam.vn

Du khách Nhật Bản rất yêu thích điểm đến Hội An của Việt Nam. Ảnh: Vietnam.vn

Mới đây nhất hãng tin Nhật Bản Kyodo cho biết, do đồng tiền Yen "yếu" nên dịp kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng 2024 (từ 27/4-5/5), số du khách Nhật Bản đặt hành trình du lịch nước ngoài tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với năm 2019.

Các điểm đến lân cận ở châu Á tiếp tục phổ biến với du khách Nhật Bản. Trong đó Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chiếm vị trí số 1, tiếp theo là Đài Bắc (Đài Loan) xếp thứ 2, Thủ phủ Honolulu của Hawaii (Mỹ) xếp thứ 3…

Du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc mùa hè 2024 được dự báo "bùng nổ"

Về thị trường du lịch nước ngoài của Trung Quốc, báo Global Times ngày 4/6 ghi nhận sự gia tăng đột biến trước thềm Lễ hội thuyền rồng (Dragon Boat Festival, còn gọi là Lễ hội Duanwu) và kỳ nghỉ hè 2024. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy thị trường du lịch thế giới phát triển mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.

Du khách mặc trang phục thời nhà Hán tham quan một khu thắng cảnh ở cố đô Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc dịp Lễ hội thuyền rồng 2023. Ảnh: IC

Du khách mặc trang phục thời nhà Hán tham quan một khu thắng cảnh ở cố đô Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc dịp Lễ hội thuyền rồng 2023. Ảnh: IC

Sự gia tăng đột biến số du khách outbound Trung Quốc trước thềm Lễ hội thuyền rồng và kỳ nghỉ hè 2024, được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy thị trường du lịch thế giới phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Skift

Sự gia tăng đột biến số du khách outbound Trung Quốc trước thềm Lễ hội thuyền rồng và kỳ nghỉ hè 2024, được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy thị trường du lịch thế giới phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Skift

Trung Quốc có tập tục đua thuyền rồng vào ngày Tết Đoan ngọ hằng năm, tạo nên một hoạt động náo nhiệt nhất của người dân. Lễ hội thuyền rồng 2024 kéo dài thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần, do Tết Đoan ngọ mùng 5/5 âm lịch rơi vào thứ Hai 10/6 dương lịch.

Theo ghi nhận của hãng du lịch Trung Quốc CYTS, tính đến ngày 3/6 số lượng khách đặt tour ra nước ngoài của Trung Quốc dịp Lễ hội thuyền rồng 2024 đã tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023. Du lịch ra nước ngoài cho các kỳ nghỉ hè (từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 9) cũng đã bước vào giai đoạn đặt chỗ cao điểm, với số lượng yêu cầu tăng 200% và hơn 80% sản phẩm du lịch đi tour theo đoàn đã được đặt trước.

Dữ liệu của nền tảng du lịch trực tuyến Mafengwo cho thấy: Thái Lan, Malaysia, Singapore và đảo Jeju của Hàn Quốc (gần Trung Quốc và áp dụng chính sách miễn thị thực) nằm trong các điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc dịp Lễ hội thuyền rồng.

Lặn với ống thở tại Semporna đem lại cho du khách trải nghiệm ấn tượng khi tới Malaysia. Ảnh: Amazing Borneo Tours

Lặn với ống thở tại Semporna đem lại cho du khách trải nghiệm ấn tượng khi tới Malaysia. Ảnh: Amazing Borneo Tours

Hãng du lịch trực tuyến Trip cho biết: Số đơn xin thị thực du lịch ra nước ngoài trong quý 2/2024 không chỉ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, mà còn tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trên cơ sở đó, thị trường du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc mùa hè 2024 được dự báo sẽ "bùng nổ".

Fliggy - một nền tảng du lịch trực tuyến khác của Trung Quốc chia sẻ thêm rằng, sự đa dạng trong hoạt động và chiều sâu trải nghiệm trở thành yếu tố quan trọng thu hút du khách Trung Quốc.

Ví dụ các hoạt động như lặn với ống thở (snorkeling) tại khu vực biển sâu ở Semporna (Malaysia), thưởng thức thịt bò Wagyu ở Nhật Bản và chèo bè phao vượt thác trên sông (river rafting) ở Bali (Indonesia) rất được du khách outbound Trung Quốc săn đón dịp Lễ hội thuyền rồng 2024.

Nguồn: TTGAsia, Global Times, Global Data

Thanh Nguyễn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhat-ban-va-trung-quoc-kich-cau-du-lich-ra-nuoc-ngoai-179240606202840676.htm