Nhật Bản: Văn hóa quán rượu truyền thống Izakaya phai nhạt do lạm phát
Khác với Việt Nam đang chứng kiến Izakaya trở thành mốt mới được các chuỗi nhà hàng Nhật Bản thúc đẩy, mô hình truyền thống này lại phai nhạt ngay tại quê nhà đảo quốc Mặt trời mọc do áp lực lạm phát.
Theo hãng thông tấn Kyodo, các quán rượu kiểu Nhật, được gọi là Izakaya, nổi tiếng là nơi dừng chân quen thuộc sau giờ làm việc của người dân Nhật Bản nhiều thế hệ. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh theo mô hình này đang phá sản với tốc độ nhanh hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành.
Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng Nhật Bản cắt giảm chi phí hằng ngày trong bối cảnh giá cả tăng do lạm phát.
Nghiên cứu của Teikoku Databank (Nhật Bản) cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11-2024, đã có 203 doanh nghiệp khai thác các chuỗi cửa hàng Izakaya thông báo ngừng kinh doanh, vượt quá con số 189 được ghi nhận trong cả năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan ở Nhật Bản.
Lạm phát giáng một đòn nặng nề vào ngành kinh doanh Izakaya truyền thống của Nhật Bản, vốn đã phải vật lộn với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, trong đó nhiều người đã quen với lối sống mới không ra ngoài vào ban đêm.
Người tiêu dùng Nhật Bản giờ đây cũng mua ít đồ uống hơn do thu nhập khả dụng giảm. Trong khi đó, lạm phát cũng buộc các nhà điều hành quán rượu Izakaya phải chi nhiều tiền hơn cho nguyên liệu, năng lượng và thù lao... tất cả đều khiến lợi nhuận suy giảm mạnh.
Trong năm tài chính 2023, khoảng 40% các nhà khai thác Izakaya được khảo sát đã báo cáo thua lỗ. Số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm chiếm tới 60% tổng số đơn vị tham gia khảo sát của Teikoku Databank.
Đối mặt với tình trạng khó khăn, một số công ty trong lĩnh vực Izakaya đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn doanh thu bằng cách lấn sân sang lĩnh vực quán cà phê và đồ ăn nhanh. Một điển hình là nhà điều hành Izakaya hàng đầu Nhật Bản là Watami Co. cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng bánh mì Subway tại Nhật Bản và cho biết sẽ mở rộng số lượng cửa hàng nội địa từ hơn 200 lên hơn 3.000 như một hướng cải tổ hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, diễn biến lạm phát tại Nhật Bản vẫn có xu hướng phức tạp trong bối cảnh đồng yên mất giá. Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của xứ sở Hoa anh đào đang cao hơn năm ngoái khoảng 3%.
Trong phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ - Ngân hàng trung ương) Kazuo Ueda để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát mạnh và đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội nước này khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ người dân ứng phó với lạm phát, qua đó kích thích nền kinh tế.