Nhật Bản với tham vọng vũ khí bội siêu thanh

Nếu thành công, Nhật Bản sẽ là nước thứ tư trên thế giới gia nhập 'câu lạc bộ' sở hữu công nghệ vũ khí bội siêu thanh, hiện gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Khái niệm về tên lửa bội siêu thanh xuất hiện từ hàng thập kỷ trước. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự tạo ra một cuộc đua phát triển trong vài năm trở lại đây. Ưu điểm lớn nhất và tạo nên khác biệt của các dòng vũ khí bội siêu thanh là tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5) trở lên cùng quỹ đạo bay phức tạp giúp tên lửa dễ dàng vượt qua lá chắn phòng thủ tên lửa đối phương và tấn công mục tiêu một cách nhanh nhất. Tạp chí Defense News nhận định, trên thế giới hiện chưa có hệ thống phòng thủ tên lửa nào bảo đảm khả năng phát hiện và đánh chặn hiệu quả với các dòng vũ khí bội siêu thanh tương lai.

Vào giữa tháng 3-2020, Cơ quan quản lý trang bị, công nghệ và hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu công bố kế hoạch phát triển tên lửa hành trình bội siêu thanh (Hypersonic Cruise Missile-HCM). Là dự án hợp tác giữa ATLA và Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), công tác nghiên cứu tên lửa HCM có thể đã được bắt đầu từ năm 2019, dự kiến hoàn thành sớm nhất là năm 2024 trước khi được đưa vào biên chế chính thức từ đầu những năm 2030. Nhật Bản đã chi 18,5 tỷ yên (khoảng 172 triệu USD) để nghiên cứu phát triển vũ khí bội siêu thanh trong giai đoạn 2018-2019 và con số này sẽ là 25 tỷ yên (233 triệu USD) trong năm nay.

 Hình đồ họa mô tả quá trình bay của tên lửa Hypersonic Cruise Missile. Ảnh: ATLA.

Hình đồ họa mô tả quá trình bay của tên lửa Hypersonic Cruise Missile. Ảnh: ATLA.

Có rất ít thông tin về quá trình phát triển tên lửa HCM. Ngày 10-7 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yamamoto Tomohiro đã vô tình để lộ mô hình thiết kế của một mẫu tên lửa hiện đại sau khi chia sẻ hình ảnh buổi tham quan Trung tâm Nghiên cứu công nghệ hàng không và tên lửa ở ngoại ô Tokyo. Khí tài này được cho là tên lửa HCM. Nếu đúng, Nhật Bản đã hoàn thành bước thiết kế tên lửa, mở đường cho các giai đoạn tiếp theo. Theo các nguồn công khai, tên lửa mới của Nhật Bản sẽ trang bị động cơ kết hợp giữa công nghệ phản lực dòng khí thẳng (Ramjet) và công nghệ phản lực luồng tĩnh siêu âm (Scramjet). Nhờ vậy, tên lửa sẽ đạt tốc độ bay tối đa Mach 5 nhưng chỉ giới hạn tầm bắn dưới 500km để bảo đảm không vượt ngoài khuôn khổ chính sách phòng thủ của nước này. Nó có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và mang đầu đạn xuyên phá để tấn công tàu sân bay hoặc đầu đạn nổ mật độ cao (EFP) để tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận việc phát triển vũ khí bội siêu thanh là nhằm “tăng cường đều đặn khả năng phòng thủ” được đề cập trong Sách trắng Quốc phòng công bố vào tháng 8-2018.

Nhiều khả năng, tên lửa HCM sẽ là vũ khí diệt hạm tiêu chuẩn được trang bị trên F-3 (tiêm kích thế hệ thứ 6 tương lai của Nhật Bản), khi nó thay thế tiêm kích F-2 (phiên bản được thiết kế lại từ tiêm kích F-16 của Mỹ). Hiện tại, phi đội F-2 là lực lượng tấn công đột kích với các dòng tên lửa hành trình tầm xa. Nhà phân tích David Axe nhận định trên Tạp chí The National Interest rằng tên lửa HCM sẽ đối trọng với nhiều dòng vũ khí bội siêu thanh đã và đang được Nga, Mỹ và Trung Quốc phát triển. Nó đáp ứng khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại để tạo ưu thế trên bộ, trên biển cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia cho biết, tên lửa HCM sẽ trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ lực lượng hải quân nào, đồng thời có thể tác động đến cân bằng chiến lược trong khu vực.

ATLA không tiết lộ thông số kỹ thuật chi tiết tên lửa HCM, nhưng nó sẽ là một phần trong chiến lược phát triển vũ khí bội siêu thanh thế hệ mới cùng với chương trình phát triển thiết bị lượn bội siêu thanh (Hyper Velocity Gliding Projectiles-HVGP) của Nhật Bản. Cả hai vũ khí này chia sẻ nhiều công nghệ của nhau. Nhật Bản đang hoàn thiện công nghệ dẫn đường vệ tinh kết hợp quán tính, tự dẫn chủ động pha cuối để giúp chúng có độ chính xác cao và hoạt động tốt trong môi trường đối kháng điện tử. Nhật Bản cũng dự định đưa vào quỹ đạo 7 vệ tinh đặc biệt để tạo kênh kết nối cho hoạt động của hai loại vũ khí bội siêu thanh trên. Trong tương lai, chúng có thể được nâng cấp để tiếp tục tăng tốc độ bay, tầm bắn, trọng lượng đầu đạn mang theo hay hệ thống dẫn đường phức tạp hơn.

Đến nay, mới có Nga và Trung Quốc đưa vũ khí bội siêu thanh vào biên chế. Theo đó, Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố triển khai tên lửa DF-17 được ra mắt trong cuộc duyệt binh chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (ngày 1-10-2019), còn Nga bổ sung siêu tên lửa Avangard vào kho vũ khí từ tháng 12-2019. Tháng 3-2020, Mỹ cũng thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh phổ thông (C-HGB) và kỳ vọng đến năm 2022 sẽ hoàn tất giai đoạn phát triển.

Tuy nhiên, công nghệ vũ khí bội siêu thanh còn rất mới và nhạy cảm nên khó có trường hợp các nước sẵn sàng chia sẻ cho Nhật Bản nhằm rút ngắn thời gian phát triển. Để làm chủ được công nghệ này là thách thức không hề nhỏ cho các nhà khoa học Nhật Bản. Trong một bài phân tích trên trang Flight Global, tác giả Garrett Reim khẳng định, vấn đề chính trong chế tạo vũ khí bội siêu thanh là công nghệ vật liệu. Những khó khăn về việc tạo ra vật liệu siêu chịu nhiệt, nhẹ và chịu ăn mòn là bài toán kỹ thuật nan giải. Ngoài ra, việc di chuyển ở vận tốc cực cao sẽ hình thành một “kén” plasma xung quanh tên lửa khiến việc điều khiển và dẫn đường thông qua kênh vô tuyến là bất khả thi.

PHẠM HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhat-ban-voi-tham-vong-vu-khi-boi-sieu-thanh-627523