Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ở Fukushima, 'tạo sóng' ở Trung Quốc
Trung Quốc lo ngại tầm ảnh hưởng do việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện nguyên tử Daiichi ở Fukushima ra Thái Bình Dương, tạo nguồn cơn căng thẳng giữa hai nước.
Nhật Bản đã bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ trong vòng 2 năm, theo kế hoạch được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Mỹ ủng hộ nhưng bị Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan phản đối.
Lượng nước nhiễm phóng xạ trên là từ các lõi phản ứng đã bị tan chảy, tại một trong những nhà máy điện nguyên tử từng bị phá hoại bởi thảm họa kép động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản. Khi thảm họa xảy ra, một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên ngừng hỗ trợ Tokyo trong việc tái xây dựng và khắc phục.
Sự kiện kỷ niệm 10 năm thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản có lẽ sẽ không được người dân Trung Quốc để ý tới, nếu như chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga không đưa ra tuyên bố bất ngờ trong hôm hôm 13/4 rằng họ sẽ xả lượng nước nhiễm Tritium cùng nhiều chất nguy hiểm khác ra biển, do các thùng chứa tới năm 2022 sẽ đầy.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng chỉ trích giới chức và các nhà khoa học Nhật Bản vì không nêu chi tiết về kế hoạch xả thải. Phát ngôn viên của bộ này, ông Triệu Lập Kiên, tuyên bố sẽ có phản ứng nếu như Nhật hành động đơn phương mà không tham vấn các nước láng giềng.
“Nhật Bản hành động vô trách nhiệm, khi họ đã hết sự lựa chọn và quyết định bỏ qua sự phản đối cả trong và ngoài nước để xả lượng nước kia ra biển…Nhật Bản cần phải giữ cam kết và không nên hành động khi chưa tham vấn và nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia có liên quan cũng như IAEA” – ông Triệu Lập Kiên nói.
Tổng thể khu vực trữ nước của nhà máy điện Fukushima Daiichi (Ảnh: Xinhua)
Giáo sư Huo Zhengxin, chuyên gia luật quốc tế thuộc ĐH Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, nói trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã rằng, là một bên ký kết công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS), nhật Bản không thể thoát khỏi hậu quả về mặt pháp lý nếu như những chất ô nhiễm phóng xạ từ Fukushima thấm vào biển Thái Bình Dương và gây ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn của con người.
Zhu Jianzhen, Phó chủ tịch trường ĐH Đại dương Quảng Đông, nói với Asia Times rằng Trung Quốc và nhiều bên khác, trong đó có Hàn Quốc, sẽ chung tay kiện Nhật Bản và yêu cầu nước này bồi thường nếu như chính quyền của ông Suga tiếp tục thực thi kế hoạch này.
Trong khi đó, nhiều hãng tin Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia đại dương học và an toàn hạt nhân Trung Quốc nói rằng, tuy Nhật Bản đã đảm bảo xử lý đúng cách lượng nước thải này và loại bỏ các chất độc hại, nhưng điều đó là chưa đủ.
Liu Xinhua, người đứng đầu Trung tâm An toàn phóng xạ và Hạt nhân của Trung Quốc, nói với tờ China News rằng các vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nếu như toàn bộ khu vực Bắc Thái Bình Dương bị ô nhiễm bởi Tritium và các đồng vị phóng xạ khác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng nước nhiễm phóng xạ từ Fukushima thải ra sẽ ảnh hưởng tới các bờ biển của Trung Quốc, bởi nhà máy Daiichi đặt ở bờ biển thuộc Thái Bình Dương của Nhật Bản và có biển Hoa Đông làm vùng đệm.
Mô hình máy tính cho thấy lượng nước thải từ Fukushima ảnh hưởng tới khu vực trên biển Thái Bình Dương (ảnh: Handout)
Những dòng biển ấm, mạnh ở đảo Honshu của Nhật Bản có thể đẩy lượng nước thải từ nhà máy này tới phía Bắc Thái Bình Dương. Một mô hình giả lập cho thấy lượng nước này rất có khả năng sẽ ảnh hưởng tới Đài Loan, Philippines và các đảo nhỏ thuộc Chuỗi đảo Đầu tiên, hơn là gây ảnh hưởng tới Trung Quốc.
Phía Đài Loan đã thể hiện quan ngại với Nhật Bản, rằng ngư dân của họ có thể không đánh bắt được cá có thể ăn được ở các vùng biển phía Đông của Chuỗi đảo Đầu tiên nếu như các chất ô nhiễm lan tới đó.
Tờ China Daily thì thừa nhận trong một bài viết về tình trạng khẩn cấp hạt nhân ở Fukushima từ năm 2011 rằng, phần lớn các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, bao gồm cả ở Trung Quốc, đều được xây dựng dọc các bờ biển và đều xả nước thải có mức độ nhiễm Tritium khác nhau ra biển.
Theo Asia Times, trước đây có nhiều báo cáo cho rằng xuất hiện nhiều dấu vết của Tritium trong mẫu nước lấy từ các khu vực xả thải của Nhà máy Điện Hạt nhân vịnh Daya của Trung Quốc, gần Hong Kong.
Một chuyên gia hạt nhân thuộc ĐH Fudan, Thượng Hải, Trung Quốc nói rằng Tritium có chu kỳ nửa phân rã chỉ khoảng 12,3 năm.
Ông nói rằng nếu Nhật Bản xả nước đã qua xử lý với liều lượng hợp lý và nếu lượng nước này được xả dần theo thời gian, thì có lẽ tình hình đã không nghiêm trọng và không chịu chỉ trích như vậy. Tuy nhiên, nếu như được lưu trữ tại các cơ sở trong đất liền, lượng nước nhiễm xạ này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, ngấm vào các mạch nước ngầm.