Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển: IAEA trấn an, Trung Quốc thách thức

Ngày 15/4, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho hay, cơ quan này sẽ đóng vai trò trung tâm và 'thường trực' trong việc giám sát Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị hư hại ra biển.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho hay, cơ quan này sẽ đóng vai trò trung tâm và 'thường trực' trong việc giám sát Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị hư hại ra biển. (Nguồn: Kyodo)

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho hay, cơ quan này sẽ đóng vai trò trung tâm và 'thường trực' trong việc giám sát Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị hư hại ra biển. (Nguồn: Kyodo)

Ông nêu rõ: “IAEA sẽ là trung tâm của hoạt động này”, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giám sát việc thực hiện kế hoạch một cách an toàn.

Ngoài ra, tổ chức sẽ hiện diện "một cách thường xuyên" bằng cách tham gia vào các giai đoạn trước, trong và sau của dự án xả nước thải nhiễm xạ, có thể kéo dài vài năm.

Theo Tổng Giám đốc IAEA, sự tham gia của cơ quan này, bao gồm cả việc cử các chuyên gia, sẽ tạo uy tín và mang lại sự đảm bảo về an toàn môi trường.

Ông Grossi, từng đến thăm Fukushima năm ngoái, cho biết, ông sẽ trở lại tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản này trước khi bắt đầu hoạt động xả thải và bày tỏ hy vọng rằng chuyến đi của ông sẽ giúp trấn an những người có liên quan.

Theo ông Grossi, kế hoạch của Fukushima nhằm xả một lượng nước tích trữ "rất lớn" là một "nhiệm vụ phức tạp", khác với việc xả nước được kiểm soát bằng cách vận hành các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới dựa trên một quy trình đã được thống nhất.

Theo ông, cần phải chắc chắn rằng tất cả nước thải ra đã được xử lý "ở mức tối đa như đã thỏa thuận".

Người đứng đầu IAEA cho hay: "Cơ quan này tất nhiên sẽ quản lý các hoạt động hỗ trợ cùng với các đối tác Nhật Bản" và sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế khác để "nâng cao chất lượng của toàn bộ hoạt động

Ông Grossi nhấn mạnh: “Bằng việc có một cơ quan quốc tế, khách quan như IAEA đồng hành, tham gia vào quá trình chuẩn bị này, các phép đo này và đánh giá các phép đo, thì thành phần của sự tự tin và minh bạch sẽ có. Tôi không thể tưởng tượng một cách tốt hơn, hiệu quả hơn để cung cấp cho cộng đồng quốc tế những thông tin cần thiết, kịp thời, toàn diện về những gì đang diễn ra hơn là để IAEA tham gia".

Trước đó, sau khi Nhật Bản tuyên bố quyết định chính thức xả hơn 1,2 tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển trong vòng 2 năm tới, sau hơn 7 năm thảo luận về cách thức xử lý.

Hàn Quốc và Trung Quốc đã lập tức lên tiếng phản đối, song, Nhật Bản cho rằng, các nước khác có nhà máy điện hạt nhân, gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng đã xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ các lò phản ứng ra môi trường.

Phó Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro thậm chí cho rằng, nước xả từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau khi xử lý đã an toàn để uống.

Ngày 14/4, phản ứng trước phát ngôn này của ông Taro, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Một quan chức Nhật Bản nói uống nước này không sao, vậy thì làm ơn hãy uống đi”, và nói thêm rằng sự thiếu hiểu biết của Nhật Bản về môi trường sinh thái là “hoàn toàn không thể bao biện được”.

Ông Triệu Lập Kiên cũng kêu gọi Nhật Bản không quên các thảm họa lịch sử tương tự do nước xả ô nhiễm gây ra với sức khỏe con người và thúc giục chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide không xả nước nhiễm xạ đã xử lý xuống biển mà “không có sự cho phép” từ các nước khác và IAEA.

(theo Kyodo)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-xa-nuoc-nhiem-xa-ra-bien-iaea-tran-an-trung-quoc-thach-thuc-142358.html