Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Fukushima lần thứ 6
Ngày 17-5, Kyodo dẫn nguồn tin từ nhà điều hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho biết, nhà máy này bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý lần thứ 6 ra biển, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) có kế hoạch xả 7.800 tấn nước cho đến ngày 4-6, sau khi xác nhận rằng mức độ phóng xạ đáp ứng đủ tiêu chuẩn của TEPCO và Chính phủ Nhật Bản.
Kể từ khi hoạt động này bắt đầu vào ngày 24-8 năm ngoái, khoảng 39.000 tấn nước phóng xạ qua xử lý đã được xả ra trong 5 đợt trước đó. TEPCO có kế hoạch xả tổng cộng khoảng 54.600 tấn với 7 đợt trong năm nay, bắt đầu vào tháng 4. Trong 5 lần xả trước đó, TEPCO cho biết, đã phát hiện 29 becquerel tritium phóng xạ trên mỗi lít nước biển trong mẫu lấy từ các khu vực gần tổ hợp điện, thấp hơn nhiều so với giới hạn 10.000 becquerel đối với tiêu chuẩn nước uống Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép.
Trung Quốc và Nga, vốn phản đối việc xả nước do lo ngại về an toàn, đã cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản để đáp trả việc xả thải.
TEPCO coi việc xả thải là một bước quan trọng trong quá trình ngừng hoạt động liên tục của Nhà máy Fukushima, nơi đã xảy ra sự cố nóng chảy nhiên liệu ở 3 lò phản ứng sau trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011. Nước thải, được tạo ra trong quá trình làm mát nhiên liệu lò phản ứng nóng chảy, đã đi qua hệ thống xử lý chất lỏng để loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ, ngoại trừ tritium, được coi là ít độc hại hơn các vật liệu phóng xạ khác.