Nhật Bản: Xe sang trang bị công nghệ chống trộm vẫn bị trộm
Một thiết bị nhỏ gọn trong bàn tay cho phép trộm có trình độ 'lão làng' vô hiệu hóa được công nghệ chống trộm đời mới nhất ở những chiếc xe sang.
Ở Nhật, thiết bị này có tên là CAN Invader, theo tên của Controller Area Network (CAN bus) vốn là một công nghệ nối tiếp dành cho các phương tiện giao thông. CAN được thiết kế để đấu nối các vi điều khiển và các thiết bị trên xe mà không cần thông qua máy tính.
Trộm có thể bẻ mạnh khóa cửa xe và khởi động máy xe sau khi đấu nối CAN Invader với hệ thống dây điện của xe, và tiếp cận mạng lưới kiểm soát hệ thống điện toán của động cơ, bộ phận đánh lửa, đèn và các phụ tùng khác.
Trộm thường dùng thiết bị này để vô hiệu hóa hệ thống chống trộm xe điện tử và bắt đầu “tấn công tiếp sức”, làm gián đoạn sóng vô tuyến phát ra từ chìa khóa thông minh rồi sau đó mở khóa cửa và khởi động động cơ. Với thiết bị và cách làm này, chỉ khoảng 10 phút là tên trộm có thể lái chiếc xe vừa trộm và chạy mất.
CAN Invader dường như không được bán trên thị trường ở Nhật, Pro-Tecta, một công ty an ninh xe hơi có trụ sở tại Okazaki, tỉnh Aichi, cho biết nó được bán ở Nga. Danh tính của nhà sản xuất không được tiết lộ.
“Ngay cả khi một chiếc xe được trang bị công nghệ mới nhất để khởi động động cơ bằng nhận dạng vân tay, rất khó để bị trộm nếu sử dụng CAN Invader tương thích với mẫu xe cụ thể thì vẫn có thể bị trộm”, đại diện công ty cho biết.
Người ta tin rằng thiết bị CAN Invader đã được phát triển đặc biệt để xâm nhập vào các mẫu xe phổ biến, chẳng hạn như xe thể thao đa dụng Lexus LX.
Một biện pháp đối phó là yêu cầu kỹ thuật viên bổ sung các sửa đổi để ngăn chặn việc giả mạo hệ thống dây điện của xe.
Rất khó đối phó với thiết bị CAN Invader. Cảnh sát Saitama đã chia sẻ vài “bí kíp” để chống trộm xe và tạo dễ dàng cho việc sớm phát hiện xe bị trộm.
Chẳng hạn họ khuyến khích lái xe đậu xe sát vào một bức tường trong bãi đậu xe, để cửa xe bên trái áp sát vào tường. Cách đậu này sẽ gây khó khăn cho thủ phạm trong việc can thiệp vào hệ thống dây điện của xe, vì CAN Invader phải được đấu nối với hệ thống dây điện tại một điểm gần bánh trước bên trái.
Cảnh sát cũng đề nghị sử dụng các công cụ chống trộm như khóa vô lăng và khóa lốp, lắp thiết bị báo động chống trộm phát hiện chấn động và rung lắc cho xe, và lắp thiết bị định vị GPS gửi thông tin vị trí và lắp đặt camera an ninh, đèn cảm biến chuyển động trong bãi đậu xe.
Thiết bị CAN Invader từng khiến cảnh sát Nhật chú ý lần đầu tiên vào khoảng năm 2019, hiện rất phổ biến ở Nhật. Một quan chức cảnh sát tỉnh Saitama nói nhiều khả năng CAN Invader đã được sử dụng để trộm nhiều xe sang trong những năm gần đây.
Hồi tháng 7.2021, báo giới Nhật đưa tin một người đàn ông bị bắt, do lái một xe Lexus đã trộm được để đi trộm một chiếc Lexus khác. Vụ này làm dấy lên những tranh luận về những vụ trộm xe sang ở Nhật.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nạn trộm xe sang tràn lan ở tỉnh Saitama phía bắc thủ đô Tokyo, với 99 xe sang Lexus của hãng Toyota và 92 chiếc Land Cruiser của Toyota bị trộm vào cuối tháng 8.
Hồi tháng 5, cảnh sát tỉnh tịch thu được một thiết bị CAN Invader từ một người đàn ông 35 tuổi sống ở thành phố Ichihara thuộc tỉnh Chiba.
Người này bị bắt trong một vụ việc khác không liên quan trộm xe. Nhưng có thông tin ông ta từng trộm một chiếc Lexus ở Chiba hồi tháng 4. Đến tháng 10, ông ta lại bị bắt, bị nghi tham gia một vụ trộm xe.
Hồi đầu năm 2022, cảnh sát tỉnh Kanagawa và Aichi cũng bắt một số nghi phạm sử dụng CAN Invader để trộm xe.
Theo Cảnh sát quốc gia Nhật, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay có 457 vụ trộm xe tại tỉnh Saitama và 567 vụ trộm xe ở tỉnh Aichi.