Nhật bỏ lệnh cấm đánh bắt, nhưng ngành công nghiệp cá voi đang hấp hối
Theo các chuyên gia, săn bắt cá voi là một ngành công nghiệp đang chết dần và chỉ sống sót nhờ được chính phủ trợ cấp, bất chấp việc Nhật Bản gỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt sau 30 năm.
Đối với những người săn cá voi, cuộc đi săn mở màn là một thành công lớn.
Vài giờ sau khi ra biển, những chiếc tàu của họ quay trở lại với xác của hai con cá voi minke mới được đánh bắt, phần mõm khổng lồ, há hốc của chúng phủ lên đuôi tàu.
"Sản lượng khai thác lớn hơn nhiều so với dự kiến. Tôi rất hạnh phúc", Yoshifumi Kai, chủ tịch Hiệp hội Cá voi ven biển Nhật Bản, cho biết.
Trong buổi lễ trước khi đội tàu ra khơi vào ngày 1/7, ông Kai đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc với một nhóm thợ săn cá voi, các nhà làm luật và thị trưởng của thành phố cảng Kushiro phía bắc Nhật Bản.
"Tôi cảm động đến nỗi trái tim tôi đang run rẩy", ông nói.
Đây là một ngày quan trọng. Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm 30 năm đối với đánh bắt cá voi thương mại trong vùng biển của mình.
Năm 1986, Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) công bố lệnh cấm trên toàn thế giới về đánh bắt cá voi thương mại. Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Nhật Bản đã quyết định rút khỏi IWC - một động thái được ngành công nghiệp cá voi hoan nghênh nhưng bị các nhà hoạt động môi trường lên án vì cho rằng nó sẽ đe dọa các loài cá voi đang suy giảm.
Các chuyên gia cá voi
Anh em Maeda đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong việc săn bắt cá voi.
Những ngày này, họ lênh đênh trên biển để phát hiện cá voi trên vùng biển lạnh lẽo Okhotsk. Trước đó từ lâu, họ đã quen săn bắt chúng.
Mitsuhiko Maeda, 73 tuổi và em trai Saburo, 71 tuổi, làm việc trong một đội tám người, phóng lao và giết chết khoảng 40 con cá voi mỗi năm.
"Tìm cá voi là một phần cuộc sống của tôi", ông Maeda nói với CNN khi lái chiếc thuyền của mình về phía một con cá voi minke để cung cấp cho hàng chục khách du lịch Nhật Bản trên tàu cái nhìn gần hơn.
Khi được hỏi về việc nối lại đánh bắt cá voi thương mại, không ai trong số khách du lịch phản đối.
"Tất nhiên, nó nên khởi động lại. Nhật Bản có văn hóa ẩm thực cá voi", ông Maeda nói.
Tuy nhiên, ông không có kế hoạch để hồi sinh sự nghiệp trước đây của mình. Ông thích cho du khách xem cá voi vây, còn gọi là cá voi lưng xám, loài lớn thứ hai trong số các loài cá voi trên thế giới.
"Tôi sẽ tiếp tục dẫn dắt các chuyến hải trình và những người săn cá voi có thể bắt được cá voi. Tôi muốn cả hai cùng tồn tại", ông nói.
Trong khi lệnh cấm năm 1986 khiến sự nghiệp săn bắt cá voi của anh em Maeda bị dừng đột ngột, các thợ săn Nhật Bản khác vẫn tiếp tục giết hàng trăm con cá voi mỗi năm trong nhiều thập kỷ, sử dụng giấy phép đặc biệt được IWC cấp cho "nghiên cứu khoa học".
Theo IWC, Nhật Bản đã giết 596 con cá voi trong mùa săn bắn 2017 và 2018. Hầu hết cá voi bị đánh bắt ở Nam Cực.
Tokyo đã bảo vệ quyền săn cá voi của mình, cho rằng đây là một phần quan trọng của văn hóa và truyền thống hàng hải Nhật Bản.
"Nhật Bản là một quốc đảo được bao quanh bởi đại dương và chúng tôi đã sử dụng cá voi làm thức ăn từ thời cổ đại", Kiyoshi Ejima, một nhà lập pháp từ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản và là người ủng hộ trung thành của ngành đánh bắt cá voi, nói.
Giờ đây, Nhật Bản đã rút khỏi IWC, những người săn cá voi sẽ không còn săn bắt trong vùng biển quốc tế mà sẽ hành nghề trong khu vực đặc quyền kinh tế, kéo dài 200 hải lý từ bờ biển Nhật Bản.
Theo Cơ quan Thủy sản Nhật Bản, một hạn ngạch săn bắt đã được thiết lập ở mức 227 từ nay đến cuối năm. Hạn ngạch này được chia cho 150 con cá voi bryde, 52 con cá voi minke và 25 con cá voi sei.
Trong số ba loài, chỉ có cá voi sei được liệt kê là có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, theo những người ủng hộ ngành đánh bắt cá voi, kế hoạch giết 227 con cá voi trong sáu tháng chỉ là khởi đầu. Điều đó khiến một số chuyên gia lo lắng.
"Có những quần thể cá voi mỏng manh trên khắp Nhật Bản không thể duy trì hoạt động săn bắt thương mại", Patrick Ramage, giám đốc bảo tồn biển tại Quỹ Bảo vệ Động vật quốc tế, cho biết.
"Những quần thể này không thể nuôi sống một thị trường ở Nhật Bản - ngay cả khi có một thị trường cho thịt cá voi", ông nói.
Ngành công nghiệp đang chết dần?
Ngành công nghiệp đánh bắt cá voi Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi đang giảm dần.
Sau sự tàn phá của Thế chiến II, thịt cá voi đã trở thành một nguồn protein quan trọng ở Nhật Bản. Theo thống kê của chính phủ, năm 1964, Nhật Bản tiêu thụ 154.000 tấn thịt cá voi. Những năm 1970 và 1980, cá voi chiên là món ăn phổ biến được phục vụ bữa trưa cho học sinh.
Tuy nhiên, vào năm 2017, người Nhật chỉ ăn 3.000 tấn thịt cá voi. Tính theo đầu người, khối lượng này tương đương với khoảng hai muỗng canh thịt cá voi mỗi năm.
"Vấn đề trước mắt của chúng tôi là làm thế nào để thúc đẩy lợi nhuận của ngành đánh bắt cá voi", ông Kai nói.
Các nhà phê bình cho rằng đó là một ngành công nghiệp đang chết dần và chỉ sống sót nhờ được chính phủ trợ cấp. Cơ quan Thủy sản Nhật Bản đã phân bổ số tiền tương đương khoảng 463 triệu USD để hỗ trợ đánh bắt cá voi cho năm tài chính 2019.
"Nếu đánh bắt cá voi buộc phải chìm hoặc bơi, ngành công nghiệp này sẽ chết đuối rất nhanh", Ramage, từ Quỹ Bảo vệ Động vật Quốc tế, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà hàng bao gồm Taruichi ở Tokyo vẫn trang trí lối vào của họ bằng những bức tranh về cá voi trên biển và tự hào tôn vinh truyền thống ẩm thực phục vụ món thịt đặc biệt này.
Chủ sở hữu của Taruichi, Shintaro Sato, đã in tờ rơi kỷ niệm việc nối lại hoạt động săn bắt cá voi thương mại. "Đó là một điều ước ý nghĩa nhất đối với chúng tôi", Sato, người thừa kế nhà hàng từ cha mình, nói. Gia đình ông đã phục vụ thịt cá voi trong nửa thế kỷ.
Trong bếp, các đầu bếp cẩn thận bày ra các món ăn được trang trí bằng sashimi tim cá voi. Nồi chiên sủi bọt với những miếng thịt cá voi tẩm bột. Những người phục vụ bày ra những đĩa bít tết cá voi ướp trong miso.
Sato cho biết ông hy vọng việc khởi động lại việc săn bắt cá voi thương mại ở Nhật Bản sẽ giúp người trẻ tìm đến loại thịt này.
Đối với những lời chỉ trích, ông nói: "Hãy tôn trọng văn hóa của nhau và ăn những gì mỗi người muốn ăn".