'Nhặt chữ' ở ốc đảo Thiềng Liềng

Thức dậy từ 3 4 giờ sáng, đi bộ băng qua những cánh rừng ngập mặn để kịp chuyến đò đi học. Đó là hành trình mỗi ngày để tìm con chữ của các bạn học sinh ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An – xã đảo duy nhất của TP.HCM.

Mặt trời còn chưa ló dạng, con gà trống sau nhà vẫn còn chưa tỉnh giấc vậy mà bạn Ngô Kim Thanh (Lớp 7, trường THCS Thạnh An) vội vàng thức dậy để chuẩn bị sách vở đến trường.

Chiếc chòi lá nằm đơn độc nằm heo hút ở nơi sâu nhất của Thiềng Liềng chính là nơi mà gia đình 4 người của Kim Thanh sinh sống.

Ở đây, điện nước thiếu thốn, chỉ sài năng lượng mặt trời. Tối đến vì không đủ điện, các thiết bị trong nhà đều tắt, Thanh phải thắp đèn dầu để học bài.

Trong màn đêm tĩnh lặng, chút ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc đèn pin trên tay chính là người bạn đồng hành với Thanh trong suốt 7 năm qua.

Thanh chia sẻ: “Từ nhà ra đến bến đò khoảng 5km phải băng qua 3 ruộng muối mênh mông, những cánh rừng còn tối đen. Những ngày đầu tiên chưa quen mình cũng sợ lắm, nhưng để được đi học, được gặp thầy cô bạn bè mình tự nhủ với bản thân phải cố gắng vượt qua, riết rồi thành quen, mình đã đi được 6 năm rồi”.

Những hôm mưa dầm, Thanh mang áo mưa lội nước, sình văng lên tận đầu. Vậy mà bạn vẫn không bỏ cuộc, ra đến đường lớn, Thanh lội xuống rạch để rửa chân tay cho sạch rồi tiếp tục đến trường.

Kim Thanh, cô bạn 7 năm liền băng rừng vượt biển.

Kim Thanh, cô bạn 7 năm liền băng rừng vượt biển.

Kim Thanh chỉ là một trong số 34 học sinh ở “ốc đảo” xa xôi này phải dắt díu nhau băng rừng mỗi sáng. 5 giờ sáng, bác chủ đò gọi lớn: “Học sinh lên đò, tàu chuẩn bị chạy”.

Như một động tác quen thuộc, cô Xuân – vợ chủ đò bê tấm ván gỗ bắc cầu làm đường cho các bạn đi qua. Học sinh lần lượt bước xuống, cô giơ tay đỡ lấy từng bạn vì sợ các bạn té ngã.

Mỗi ngày, chỉ duy nhất 2 chuyến đò sáng và chiều nối từ ấp đảo qua xã đảo, nếu ra trễ đò chạy mất, học sinh chỉ đành ngồi khóc, nhà bạn nào khá hơn thì thuê vỏ lãi với giá 200k/1 chiều để đi học.

Ngồi chờ tại bến đò.

Ngồi chờ tại bến đò.

Chiếc đò cũ kĩ chạy lạch tạch gần một tiếng mới sang đến trường. Mấy chục con người chui rúc trên thuyền. Nhiều bạn chọn ngồi bên ngoài hóng gió cho tỉnh táo, nhóm khác nằm ngủ còng queo trong lồng thuyền. Đò vừa đến nơi, ai nấy vội vàng chồm dậy ôm cặp, dụi mắt để vào lớp.

Từ bến đò phải đi bộ hơn 1km nữa mới đến trường. Bạn Cẩm Tú (lớp 8) cho biết: “Mùa gió chướng, sóng lớn đập mạnh vào khoang thuyền nghiêng ngả, nhiều bạn say sóng, mặt xanh như tàu lá, nằm bẹp dí. Có khi sóng đánh cao ướt hết cả quần áo, tập vở. Lúc ấy, chỉ mong được về nhà sớm để thay đồ vì lạnh lắm”.

Ban ngày đi học, về đến nhà thì trời cũng sập tối nên các bạn chỉ kịp tắm rửa, ăn uống, học bài rồi đi ngủ. Cuối tuần, trẻ con nơi đây đi cào muối, đi biển phụ giúp ba mẹ. Niềm vui của các bạn chỉ đơn giản là chạy nhảy tung tăng bên những ruộng muối trắng xóa, cười nói vui vẻ bên những bờ kênh rậm rì rễ cây.

Dù thuộc TP.HCM nhưng xã đảo Thạnh An là nơi xa xôi nhất các bạn từng đặt chân đến. Bởi vì đi lại rất khó khăn, phải di chuyển 3 lần đò từ đảo này sang đảo kia, mất 4 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm thành phố. Các bạn chỉ nhìn thấy hình ảnh rạp chiếu phim, những tòa nhà cao tầng, hay xe cộ đông đúc… qua ti vi, qua màn hình điện thoại và gọi các quận huyện trung tâm là thành phố, là Sài Gòn.

Có bạn dựa vào nhau để ngủ, bạn khác tranh thủ ôn lại bài trước giờ vào lớp.

Có bạn dựa vào nhau để ngủ, bạn khác tranh thủ ôn lại bài trước giờ vào lớp.

Dù đoạn đường đi lại có khó khăn, học sinh ở Thiềng Liềng vẫn chăm chỉ đến lớp.

Dù đoạn đường đi lại có khó khăn, học sinh ở Thiềng Liềng vẫn chăm chỉ đến lớp.

Thầy Nguyễn Minh Phước (Phó hiệu trưởng) chia sẻ: “Dù đoạn đường đi lại khó khăn thế nhưng các bạn học sinh xã đảo Thiềng Liềng rất chăm chỉ đến lớp.

Nhà trường cũng thường xuyên trò chuyện để các em hiểu rằng chỉ có học mới thay đổi được tương lai của mình. Bên cạnh đó, đồn biên phòng Thạnh An cũng đã đỡ đầu và hỗ trợ các em ăn và nghỉ trưa tại đơn vị trước khi bước vào buổi học chiều. Điều đó cũng chính là động lực lớn nhất để các bạn đỡ yên tâm hơn trên hành trình tìm con chữ của mình”.

Thiên Di

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/nhat-chu-o-oc-dao-thieng-lieng-202411200857114809.html