Nhát cuốc đầu năm
BTO - Hồi nhỏ, năm nào cũng vậy, cứ mùng 3 Tết, đến nhà bạn chơi, tôi luôn thấy chị của cậu ấy lục đục ngoài bếp. Không phải chị chuẩn bị cho bữa tiệc để tiếp tục cuộc vui xuân mà là sắp xếp những thứ cần thiết cho ngày … lao động đầu năm.
Mặc cho những tiếng pháo đì đùng, âm thanh mời rượu của những nhà xung quanh vào ngày cúng tạ, chị thong thả rút từ trên giàn xuống đôi gióng mây, cặp rổ tre, cây cuốc, cây rựa. Chị lấy nước đổ đầy cái bình nhựa trắng, đặt vào rổ khúc bánh tét, hộc cốm gói giấy hoa đỏ thoảng mùi thơm của gừng, ít hạt dưa rang…
Rạng sáng hôm sau, trên vai đôi quang gánh ấy, bước chân chị nhẹ tênh lướt qua các ngả đường với bao trò “xóc dĩa”, đầy xác pháo và hoa mà sang rẫy.
Tôi hỏi bạn, chị làm gì mà đi sớm vậy. Bạn cười, đi chặt chồi…
Ngày ấy, nơi tôi ở, nhiều gia đình làm nông sống dựa vào những triền đồi cát trọc phía bên kia con sông Lũy. Đó là những cánh rừng thấp đã được khai thác lấy củi từ đời này sang đời khác chỉ còn trơ lại gốc. Sau tết là thời điểm, người làm rẫy dùng rựa chặt chồi non để cây không phát triển, khỏe thì bứng luôn cả gốc mang về phơi khô dành đun nấu. Cốt là làm cho đất sạch, đất trống để trỉa đậu, trỉa mè…
“Đã thành lệ, chị đi để lấy ngày, gửi gấm vào đó một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu”, cậu bạn giải thích…
Giờ đây, nhờ khoa học - công nghệ, những đồi trọc dần được phủ xanh; nước được tỏa ra từ các công trình thủy lợi đã biến những vùng đất chết thành những cánh đồng xanh lúa bạt ngàn; đất cà giang phủ đầy hoa trái thanh long… thì người nông dân ở đó, có nhiều hơn – những người ra đồng từ rất sớm, thậm chí là ngay cả ngày đầu tiên của năm mới. Không phải cái bụng đói giục họ mà thị trường buộc họ. Cuộc sống mới buộc họ…
Ở một huyện có truyền thống rất đẹp, giữ được qua bao năm là “phong trào ra quân làm kênh mương nội đồng”. Nay bước lên bước mới, chúc nhau ly rượu mừng, họ cùng nhau làm giao thông nông thôn. Khi mà việc thâm canh của nhà nông tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng hơn cũng đến lúc họ phải biết, mình cần làm gì để sản phẩm ấy có giá trị hàng hóa hơn. Xắn tay làm giao thông để nông sản ra thị trường thuận lợi là tất yếu…
Ngày tết, bớt đi những bữa tiệc tùng mà ở đó, men say dễ dẫn đến … lửng lơ lơ lửng. Minh mẫn vận hành đôi tay mạnh mẽ hơn trên “mảnh đất” của mình thay vì những lời nguyện cầu vô nghĩa và lố bịch.
Một nhát cuốc mạnh mẽ, thông tuệ ngày đầu năm cắm phập vào đất, có thể chưa mang lại mùa vàng ở cuối vụ nhưng không vì vậy mà mất đi giá trị. Giá trị ấy sẽ tỏa hương khi mười, hai mươi hoặc nhiều năm sau nữa…
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nhat-cuoc-dau-nam-135209.html