Nhát cuốc định mệnh tan giấc mộng giàu của chàng trai nghèo

Tìm đến bãi vàng với dự định biết đâu sẽ là cơ hội để rũ bỏ được cuộc sống nghèo khó, Đinh Viết Luận, SN 1985, ở xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng không ngờ bước ngoặt cuộc đời anh ta xảy ra chính tại nơi đây. 8 năm tù không phải là dài nhưng với Luận, hình ảnh nạn nhân xấu số luôn ẩn hiện, khiến tâm trí lúc nào cũng cảm thấy nặng nề.

Nhát cuốc định mệnh

Chuyện xảy ra cách đây 3 năm, khi đó Luận đang làm thuê cho một bưởng vàng ở Pắc Ta, Lai Châu. Trong lúc nhảy vào can đánh nhau, Luận đã cầm cuốc đánh lại nhóm thanh niên trong bản lên cướp đồ, khiến một người thiệt mạng. Chính vì thế mà giờ đây, mỗi khi ra đồng lao động, cầm vào cán cuốc là Luận lại cảm thấy xây xẩm mặt mày bởi ký ức đen tối ngày nào ùa về. Không biết bao nhiêu lần nam phạm nhân này khóc trong đêm, một hai cho rằng mình không chủ ý giết người.

Theo lời Luận kể thì anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên chỉ được cha mẹ cho học hết cấp hai thì nghỉ. Ở nhà phụ cha mẹ ruộng vườn một thời gian thì Luận theo bạn bè xuống thị xã kiếm việc làm. Anh ta bảo ngày đó rất ngoan và luôn “biết thân biết phận” nên chẳng dám chơi bời mà kiếm được bao nhiêu tiền đều dành dụm gửi về cho gia đình. Năm 23 tuổi, Luận lấy vợ-một cô gái cùng xã. Cùng năm đó, mẹ anh ta mất sau một cơn bạo bệnh.

Liền một năm xảy ra 2 việc lớn phải lo đến tiền đã khiến kinh tế gia đình Luận vốn đã không dư dật, lâm vào túng bấn. Gia cảnh nhà vợ cũng chẳng khá gì hơn nên Luận bàn với vợ để anh ta đi bãi vàng làm thuê, vợ ở nhà chăn nuôi làm ruộng, chăm sóc bố chồng. Vậy là theo bạn bè và cả người làng, Luận đi khắp các tỉnh phía Bắc, đâu có việc cho anh làm là Luận có mặt. Một năm vài lần về thăm quê, thăm vợ. Những lần gặp gỡ vợ chồng tuy hiếm hoi song vẫn cho Luận 2 đứa con khỏe mạnh. “Năm 2016, em mới đi bãi vàng, tưởng sẽ kiếm được chút ít mang về rồi ở nhà cùng vợ chăn nuôi, ai ngờ đời em lại có ngày phải vào đây”, Luận than thở.

Theo lý giải của Luận thì khi quyết định đi làm thuê ở bãi vàng, anh ta xác định sẽ có nhiều may rủi. Tiền có thể sẽ kiếm được nhiều hơn nhưng rủi ro cũng vì thế mà không ít. Nhưng Luận vẫn muốn đến đó bởi chân phụ hồ, cửu vạn dù có chăm chỉ đến đâu cũng khó đủ tiền gửi về cho gia đình khi mà sau đợt sinh nở 2 đứa con liền tù tì, vợ anh ta không còn sức để làm việc nặng. Hai vợ chồng bàn nhau để Luận đi làm thuê một thời gian nữa, có chút vốn về nhà cùng vợ phát triển chăn nuôi. “Nếu một mình thì em cũng không dám lên đó đâu vì đó là nơi heo hút rừng rú nhưng ông chủ là người trong xã, ở làng lại có mấy người cùng đi nên em mới quyết”, Luận kể.

Theo lời Luận tâm sự thì một phần vì tiền công hấp dẫn (10 triệu đồng/tháng), phần vì chưa biết bãi vàng thế nào nên anh ta cũng tò mò muốn biết. Sau mấy ngày Tết năm 2016, Luận khăn gói lên đường, trong đầu sắp sẵn kế hoạch gom tiền công vài tháng gửi về gia đình cho ra tấm, ra món.

Một buổi sáng, Luận đang cào đất thì thấy trong lán xôn xao tiếng người liền chạy vào nghe ngóng. Thấy hai thanh niên người Mông đang sấn sổ đánh cậu thanh niên cùng quê với mình, Luận liền nhảy vào can và bị phang liền mấy gậy tối tăm mặt mũi. Hoảng sợ, Luận bỏ chạy ra ngoài. Hai thanh niên trong đó có một người tên là Trèo A Phủ, người Lai Châu, hùng hổ đuổi theo. Trên đường tháo chạy, Luận vô tình nhìn thấy chiếc cuốc dựng ven đường liền vội vàng cầm lấy và chiếc cuốc ấy đã trở thành vũ khí để Luận kháng cự song cũng là công cụ khiến một người thiệt mạng. Mặc dù là phòng vệ chính đáng song Luận vẫn bị kết án 8 năm tù về tội giết người. Đầu năm 2017, Luận về trại giam Thanh Phong cải tạo.

Công việc của phạm nhân Đinh Viết Luận là hàng ngày quét dọn và nhổ cỏ khuôn viên nhà làm việc của cán bộ phân trại. Ảnh: Hà My

Công việc của phạm nhân Đinh Viết Luận là hàng ngày quét dọn và nhổ cỏ khuôn viên nhà làm việc của cán bộ phân trại. Ảnh: Hà My

Những đêm dài ám ảnh

Nhớ lại thời gian lên bãi vàng Pắc Ta, Lai Châu làm thuê, Luận bảo thời gian đầu không quen còn bị ngã nước. Rồi những cơn sốt rét rừng hành hạ nhưng sức trai tráng, lao động từ nhỏ nên chỉ vài tuần sau, Luận đã có thể vác búa chim xuống hầm. “Dân làm thuê ở bãi vàng, muốn có tiền thì ngày nào cũng phải xuống hang”, Luận kể. Theo lời anh ta thì công việc của những thợ đào vàng vô cùng cực nhọc và nguy hiểm rình rập, bất kể lúc nào cũng có thể mất mạng nhưng vì tiền công hấp dẫn nên vẫn có những kẻ như Luận lao vào. Luận kể rằng dưới hầm thì nguy cơ thiếu oxy, rồi sập hầm còn ở trên mặt đất thì nạn trấn cướp lúc nào cũng rình rập. Những kẻ cướp ngày ấy chính là những thanh niên bản địa, là những đối tượng có tiền án tiền sự và cả nghiện hút… Chúng có mặt ở bãi vàng để nghe ngóng và sẵn sàng ra tay sát hại người lao động chỉ vì tiền và vàng.

Nói về cuộc sống trong trại giam, Luận thủ thỉ: “Em vào đây được bốn năm rồi nhưng vợ chưa thăm lần nào vì xa quá, nhà lại không có điều kiện nữa”.

Không đến được với chồng nhưng tháng nào vợ Luận cũng viết thư động viên, khuyên chồng cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về. Trong thư chị khoe con trai lớn đã vào lớp 4, đã biết giúp mẹ, đi học về là nấu cơm, cho gà ăn; đứa em cũng rất ngoan, hay thủ thỉ với ông nội nên ông cũng đỡ buồn hơn. Luận có hai em gái thì cả hai đều lấy chồng xa, chỉ dịp giỗ mẹ mới về thăm nhà, thăm bố. Người em trai sau Luận thì vào Tây Nguyên lập nghiệp, đợt vừa rồi sơ sẩy thế nào trong lúc chở gỗ bị cây rừng đè chết. Luận biết được những chuyện xảy ra ở nhà qua thư vợ kể.

Luận bảo thời gian đầu vợ cũng giấu không cho biết nhưng sau này đành phải nói thật để “chồng biết được mà xác định tư tưởng”. Luận bảo cũng trăn trở rất nhiều khi biết tin về gia đình nhưng không vì thế mà bi quan tiêu cực. Luận bảo anh ta không giấu giếm tội lỗi của mình mà mỗi khi viết thư về cho gia đình đã thẳng thắn trò chuyện với hai con và khuyên các con hãy nhìn gương của bố mà yêu thương ông nội và đỡ đần mẹ. “May cho em là được hai đứa con ngoan. Chúng không bao giờ mè nheo đòi hỏi cái gì, thậm chí còn rất ít khi nhắc tới bố mỗi khi ngồi chơi với ông nội”, Luận kể.

Dường như muốn giải tỏa những chất chứa trong lòng, nam phạm nhân này bộc bạch rằng kể từ ngày khiến một người thiệt mạng, trong lòng anh ta lúc nào cũng cảm giác nặng trĩu hai vai, chưa khi nào có được một chút thanh thản. Luận dự định ngày mãn hạn tù, trước khi trở về quê nhà sẽ tìm đến gia đình nạn nhân, thắp một nén nhang tạ lỗi cho người vắn số. “Dự định của em là thế nhưng không biết có thực hiện được không vì không phải điều gì mình muốn là được bởi còn phụ thuộc vào gia đình nhà người ta nữa”, Luận nói.

Nam phạm nhân này kể rằng nhiều đêm không ngủ được vì mơ thấy Phủ đứng bên kia cầu vẫy mình. Luận muốn nói lời xin lỗi mà không sao thốt lên được. Rồi khi được đưa về đội trồng rau cải tạo lao động, mỗi khi cầm cán cuốc, hình ảnh của quá khứ lại hiện về khiến Luận thấy mồ hôi chảy dọc sống lưng. Mất một thời gian Luận mới có can đảm xin được chuyển nơi lao động. Từ ngày về đội làm trực sinh, không còn phải đụng tay tới cái cuốc, Luận thấy tinh thần cũng khuây khỏa được phần nào. “Trong cuộc đời này, sai lầm lớn nhất của em là lên bãi vàng. Cứ nghĩ đó là cơ hội kiếm tiền, để gia đình thoát nghèo, ai ngờ…”, Luận bỏ lửng câu nói.

8 năm tù không phải là dài với một người đàn ông còn trẻ như Luận nhưng ký ức tội lỗi cứ đeo bám anh ta từng đêm khiến anh ta lo sợ ngày trở về, không biết còn đủ can đảm cầm cuốc, xẻng để lao động nữa hay không. “Thư trước vợ em khoe đã làm thêm cái chuồng lợn, đợi em về sẽ đầu tư nuôi theo đàn chứ không nuôi con một như hiện nay. Ruộng vườn thì sẽ thuê người làm. Em mừng lắm vì đúng với tâm nguyện của em”, Luận hồ hởi.

Mái tóc dựng đứng, khuôn mặt hiền lành chất phác, gần bốn năm rồi nhưng Luận vẫn chưa quên được ám ảnh ngày nào. Thế mới biết, thời gian sẽ là liều thuốc để xóa bỏ hận thù song thời gian cũng sẽ làm cho những tội lỗi ngược chiều hiện tại, không dễ ngủ yên.

Nguyễn Vũ - Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhat-cuoc-dinh-menh-tan-giac-mong-giau-cua-chang-trai-ngheo-193216.html