Nhát dao mang tên 'Body shaming'
Body shaming (tức miệt thị ngoại hình) đang trở thành cụm từ quen thuộc với giới trẻ thời mạng xã hội. Ngay trong giới nghệ thuật, nơi tôn vinh và mang đến cái đẹp, hành động xấu xí này vẫn tràn lan như một căn bệnh trầm kha.
Mới đây siêu mẫu Hà Anh cho biết cô phải lên tiếng vì nạn bạo lực ngôn từ, miệt thị ngoại hình đang xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Thời đại mạng xã hội, nó nhan nhản như một thứ đại dịch. Ngay trong giới giải trí, chính các nghệ sĩ không chỉ là nạn nhân mà còn trở thành thủ phạm thường xuyên mang khuyết điểm ngoại hình của người khác ra làm trò cười trên sóng truyền hình. Điều này diễn ra phổ biến trong làng hài.
Khán giả liên tục nghe Trấn Thành, Anh Đức, Việt Hương, Trường Giang… chê bai ngoại hình người chơi gameshow hay cà khịa đồng nghiệp. Trong chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi", Trấn Thành buông lời khiếm nhã khi bảo Hương Giang Idol "người toàn mùi silicon". Hay Trường Giang hùa theo anh châm chọc đôi chân nữ diễn viên Puka: "Hồi xưa em đá cho câu lạc bộ nào vậy?".
Mới đây, ở chương trình "Ca sĩ mặt nạ", ca sĩ Đức Phúc bị Trấn Thành chế giễu: "Nhìn cái răng của Đức Phúc, tôi nghĩ làm con hải ly là hợp". Không dừng lại ở đó, Trấn Thành còn mô tả lại nụ cười của Đức Phúc để gây cười. Điều đáng nói là tập gameshow trước đó, khi nghe Đức Phúc bày tỏ nỗi khổ tâm vì thường xuyên bị body shaming, Trấn Thành đã an ủi đàn em. Biết rõ mười mươi như thế nhưng chính Trấn Thành lại vô tư gây tổn thương Đức Phúc.
Cách đây không lâu, T.P - một nhiếp ảnh gia có tiếng trong giới ảnh khỏa thân, khiến dân mạng nổi đóa khi đăng một bài viết trên Facebook nói về việc chụp ảnh cho khách hàng nữ trên 40 tuổi. Giải thích lý do mình khó xử với những khách hàng trung niên, T.P thẳng thừng nêu ra các khuyết điểm cơ thể của họ với câu chữ có phần cợt nhả, mỉa mai.
Nguyên văn như sau: "Cũng đã có chị tự ngắm mình trong gương rồi gọi điện thoại cho tôi với giọng hối hả, giục giã: "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Chụp cho tôi, cam xưa sắp rụng rồi...". Tôi cũng đã từng cố nhưng khi đứng trước cảnh "Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu..." thì tôi cũng... rầu theo, chẳng biết chọn góc độ nào để tránh đi những "nếp thời gian" và khi nhìn những bức ảnh vừa mới chụp xong thì tôi cũng phải thở dài, đành nhại thơ của Hồ Dzếnh: "Hình chỉ đẹp khi nàng tươi trẻ/ Ảnh nhăn nheo khi mợ đã... Đông Thì". Chưa hết, trên trang cá nhân của nhiếp ảnh gia này còn đăng hình phụ nữ luống tuổi và bình phẩm khiếm nhã vùng nhạy cảm.
Phản hồi bài viết này, Tiến sĩ Hà Thanh Vân tỏ ra gay gắt: "Từ chối khách hàng là chuyện hết sức bình thường của bất cứ ai. Nhưng anh không nên đưa chuyện này lên Facebook để bỉ bôi, chê bai khách hàng của mình, nhất là khi họ lại là phụ nữ". Nhiều người cho rằng nếu có con mắt nghệ thuật và góc nhìn nhân văn, việc chụp ảnh khỏa thân cho phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng mang lại mỹ cảm và thông điệp ý nghĩa. Mỗi độ tuổi đều có những nét đẹp riêng, đáng để tôn vinh, ngay cả những vết rạn chằng chịt ở bụng do mang thai, là bầu vú chảy sệ vì cho con bú. Đồng quan điểm, MC Phan Anh cho rằng: "Mỗi người phụ nữ đều hiểu rằng cơ thể mình nếu được chăm sóc, quan tâm, khỏe mạnh thì lúc nào cũng đẹp, dù có bao nhiêu "nếp thời gian" đi chăng nữa. Cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp của người phụ nữ, tôi nghĩ cần cảm nhận bằng trái tim hơn là bằng ánh mắt bị dẫn dắt bởi một loạt những tiêu chuẩn của người đời".
Chung kết Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 (Miss Grand International) vừa khép lại với vô số ồn ào xoay quanh kết quả chung cuộc. Tranh cãi càng trở nên căng thẳng khi ông Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch cuộc thi đăng đàn giải thích lý do đại diện Việt Nam Thiên Ân không lọt vào top 10 vì cô có "phần lưng dài, chân ngắn, hông to". Fan sắc đẹp một phen phẫn nộ bởi không ngờ người đứng đầu một cuộc thi nhan sắc, vốn mang thông điệp hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực như Hoa hậu Hòa bình Quốc tế lại có phát biểu sặc mùi body shaming như thế. Họ kêu gọi tảy chay cuộc thi.
Hơn ai hết, ông Nawat biết rõ Thiên Ân đã từng khủng hoảng vì bị body shaming như thế nào. Chỉ cách đó một tháng, khi làm khách mời ở chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, chính ông đã đánh giá cao khi nghe Thiên Ân trả lời ứng xử về vấn đề bạo lực ngôn từ. Cô cho biết: "Tôi từng là nạn nhân của bạo lực, body shaming sau khi tôi tăng cân. Chúng ta luôn nghĩ rằng việc nói những câu bông đùa không có hại đến người khác. Nhưng nó là ngọn giáo vô hình xuyên thấu trái tim người nghe. Chúng ta là phiên bản độc nhất, không ai giống ai, không ai hoàn hảo. Không có quy chuẩn nào đặt ra cho chúng ta. Mọi người cần lên tiếng để ngăn chặn bạo lực ngôn từ và rời bỏ thế gian này vì tổn thương từ lời nói của người khác".
Biết rõ như vậy nhưng cuối cùng ông lại làm tổn thương cô bé khi giải thích thẳng thừng lý do cô bị loại. Rất nhiều sao Việt đã đứng ra bảo vệ Thiên Ân. Trong buổi livestream hôm 28/10, siêu mẫu Hà Anh bức xúc đặt câu hỏi cho ông Nawat: "Tại sao lúc Thiên Ân vừa đăng quang ở Việt Nam, ông lại khen cô ấy là ứng cử viên mạnh, khen hình thể gọn gàng, nhan sắc xinh đẹp? Nếu vẻ đẹp của Thiên Ân không phù hợp với tiêu chí cuộc thi, vì sao ở phần thi áo tắm, cô ấy lại được vào top 10? Tại sao ông nhắc đến Thiên Ân trong lúc dự đoán top 5, top 3 những thí sinh tiềm năng, rồi sau khi cuộc thi kết thúc lại chê cô ấy chậm chạp, lưng dài, phần thi phỏng vấn đạt 0 điểm?".
Siêu mẫu kết luận: "Có quan điểm cho rằng đã đi thi nhan sắc thì phải chấp nhận bị đánh giá ngoại hình. Tôi đồng ý một phần nào đó về khía cạnh chuyên môn, giám khảo cuộc thi sẽ chấm thí sinh ở những tiêu chí rõ ràng về hình thể, nên bị nhận xét ngoại hình là có thể hiểu được. Nhưng một vị Chủ tịch lại nhận xét thí sinh bằng lời lẽ thô lỗ, hạ thấp giá trị phụ nữ trên một diễn đàn mà ông ấy biết rất nhiều người trên thế giới đang theo dõi. Đây là hành động thiếu công bằng với Thiên Ân và ông Nawat nên xin lỗi cô ấy".
Nhiều người vẫn nghĩ nhận xét về cơ thể người khác là một kiểu trêu chọc hay có ý tốt quan tâm để người ta thay đổi. Xin thưa, hơn ai hết, chính bản thân người được/ bị góp ý hiểu rõ từng centimet cơ thể mình. Họ biết khuyết điểm của mình ở chỗ nào và làm sao để cải thiện nó. Nhưng không phải ai cũng có đủ sức khỏe, tiền bạc, công sức để cải thiện theo quy chuẩn mà xã hội mong muốn. Chưa kể sự thay đổi đó đôi khi không cần thiết vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của họ.
Với những người tự tin, sẽ không vấn đề gì khi họ nhận những lời nhận xét hay trêu đùa khiếm nhã. Số này rất hiếm vì không phải ai cũng yêu cơ thể mình một cách tuyệt đối. Các bác sĩ tâm lý lưu ý đặc biệt đến những người sống khép mình, tự ti vì ngoại hình. Dù chỉ là một lời nói vô tình, chứ đừng nói là cố ý body shaming, họ đã bị tổn thương nặng nề. Nhẹ thì khó chịu, bực bội hay tức giận. Nặng thì dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực, suy sụp tinh thần hoặc tự tử. Đánh giá người khác thông qua ngoại hình là sai lầm ấu trĩ. Bởi ngoại hình do trời ban, nhưng tính cách, học vấn, tài năng… là do người ta nỗ lực mà thành. Do đó, con người đáng trọng hay không là ở nhân cách, tâm hồn của họ chứ không phải vẻ bề ngoài.
Để ý kỹ các cuộc thi nhan sắc uy tín lâu đời như Miss World, trong vài năm trở lại đây, thông điệp về việc cổ vũ phụ nữ tự tin, tôn trọng vẻ đẹp đa dạng luôn được đề cao. Những hoa hậu đăng quang Miss World tuy có ngoại hình kém nổi bật nhưng họ khiến người khác nghiêng mình vì sự thông minh, tài năng lẫn trái tim nhân hậu. Ngay cả show diễn gợi cảm đình đám của hãng nội y Victoria's Secret cũng bị khai tử từ năm 2019 vì khán giả chỉ trích việc tôn vinh hình thể không chút mỡ thừa của các cô gái. Thay vào đó, hãng thời trang này hướng đến sự văn minh khi sẵn sàng cộng tác với người mẫu ngoại cỡ, vận động viên thể thao lẫn người mẫu chuyển giới… như lời CEO Martin Waters chia sẻ: "Chúng tôi dừng việc quan tâm đến những điều đàn ông muốn, thay vào đó là chú trọng đến điều phụ nữ muốn".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhat-dao-mang-ten-body-shaming-i672950/