'Nhất định phải chính thức hóa ve chai, đồng nát'
Sự phức tạp của hệ thống xử lý chất thải khiến người đồng nát, ve chai trở thành lực lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhà báo Đinh Đức Hoàng ví việc quản lý rác thải của Việt Nam là “60 năm trông chờ tiếng chổi tre”. Bởi lẽ, đã hơn 60 năm kể từ khi nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Tiếng chổi tre để ca ngợi người lao công quét rác, đến cả thời đại cách mạng công nghệ, việc thu gom, phân loại rác vẫn chủ yếu dựa vào sức người.
Điều tưởng chừng như nghịch lý đó lại không phải là khó hiểu. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, tính riêng rác thải nhựa có thể lên đến khoảng 6 triệu tấn mỗi năm. Con số khổng lồ ấy là thách thức lớn đối với hệ thống quản lý chất thải vẫn còn tương đối lạc hậu.
Điều “may mắn”, theo ông Vượng, là Việt Nam mới đang ở mức thu nhập trung bình thấp, do đó “sẽ không bỏ đi những phế liệu đáng tiền”. Hệ thống thu gom đồng nát, ve chai được hình thành như vậy, suốt hàng chục năm nay đã mở rộng ra với quy mô hàng triệu người, cần mẫn “nhặt rác cho đời” trên khắp mọi miền đất nước.
Không chỉ thu gom, hệ thống phi chính thức ấy còn đảm nhiệm việc phân loại phế liệu để đưa vào tái chế. Công đoạn ấy cũng là một thách thức rất lớn, bởi đơn cử như cùng là một loại nhựa PP nhưng nếu là bàn ghế thì tái chế kiểu khác, ống nước, dây diện lại cũng phải dùng các công nghệ khác.
Sự phức tạp ấy khiến người đồng nát, ve chai trở thành lực lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. “Nếu không có họ, rác đã ngập đến cổ chứ chẳng phải đến chân như bây giờ”, Chủ tịch VietCycle từng nhiều lần khẳng định.
Tuy nhiên, lực lượng ấy chủ yếu là chị em phụ nữ yếu thế, ít có điều kiện học hành, suốt hàng chục năm nay vẫn luôn tủi nhục, luôn phải cắn răng chịu đựng đủ loại ấm ức của nghề nhặt rác.
Hơn 20 năm làm nghề tái chế, hơn ai hết, ông Vượng và những cộng sự ở VietCycle thấu hiểu rõ vai trò của đồng nát, ve chai, càng thấu hiểu hơn những vất vả, khó nhọc những “người phụ nữ thầm lặng” này đang phải gánh chịu.
Đó cũng là lý do VietCycle bắt tay vào việc xây dựng mạng lưới những người đồng nát, ve chai, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho chị em hành nghề nhặt rác. Tính đến nay, mạng lưới của VietCycle đã lên đến con số hơn 3 nghìn thành viên, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc.
Cùng sự chung tay của một số đối tác, VietCycle tổ chức thường xuyên các buổi thăm hỏi, tặng quà hay đào tạo về an toàn lao động cho người ve chai, đồng nát. Hầu hết trong số họ cũng được đóng bảo hiểm y tế, giá khoảng hơn 800 nghìn đồng mỗi năm, VietCycle hỗ trợ một nửa, để có thể an tâm hơn khi trái gió trở giời, ốm đau bệnh tật.
Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ. Ông Vượng chia sẻ, ước mơ của ông cũng như của đội ngũ VietCycle là làm sao giúp những người đồng nát ve chai được đóng bảo hiểm xã hội, được hưởng an sinh xã hội ở mức tối thiểu.
Ông Vượng cho biết, VietCycle đang nghiên cứu thành lập hợp tác xã hoặc hiệp hội riêng cho người đồng nát, ve chai để giúp họ có một tổ chức đại diện đứng ra đảm bảo an sinh, bảo vệ quyền lợi.
“Chúng tôi đang nghiên cứu nhưng chắc chắn sẽ phải chính thức hóa hệ thống ve chai, đồng nát, chắc chắn đảm bảo cho họ được hưởng an sinh xã hội”, Chủ tịch VietCycle khẳng định.