'Nhất hô, bá ứng' đưa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự thông suốt
Ngày 2/6, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định gồm 4 chương, 18 điều, là cơ sở để Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả, trách nhiệm, đáp ứng nhiệm vụ quan trọng.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy định là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực tế thời gian vừa qua, ngay khi chủ trương này còn được Trung ương thảo luận, có một sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương, và khi Quy định số 67-QĐ/TW chính thức được ban hành, một tinh thần “nhất hô, bá ứng” thực sự lan tỏa rộng rãi trên khắp cả nước; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt từ Trung ương tới từng địa phương, “trên nóng dưới cũng phải nóng”.
Mạnh tay với tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở
Tại phiên họp ngày 21/5 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng làm Trưởng ban. Như vậy, Đà Nẵng trở thành một trong những tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước khi Quy định số 67-QĐ/TW được ban hành.
Ngay sau khi Đà Nẵng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố, nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên tại Đà Nẵng đã bị xử lý. Như ông Đàm Quang Hưng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu bị khai trừ khỏi Đảng và sau đó bị bắt vì tội nhận hối lộ. Về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thể hiện nỗ lực xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Thực tế cho thấy địa phương nào nỗ lực xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì địa phương ấy sẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, thực chất. Và ngược lại địa phương nào coi nhẹ công tác xây dựng Đảng, thậm chí người đứng đầu cấp ủy địa phương thiếu gương mẫu, vi phạm những điều đảng viên không được làm thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở đó sẽ thiếu hiệu quả, không thực chất.
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng việc Đà Nẵng “mạnh tay” đối với một số trường hợp tham nhũng, tiêu cực gần đây là minh chứng, kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sau Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đến nay.
Nhiều đảng viên Đà Nẵng bày tỏ rất tin tưởng, ủng hộ Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp thành phố sẽ có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng Đảng bộ Đà Nẵng trong sạch, vững mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Lụa, Bí thư Chi bộ Khu dân cư 13 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) cho biết, trong cuộc họp Chi bộ đầu tháng 6 vừa qua, ông đã phổ biến đến các đảng viên về việc thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố.
“Sau khi nghe phổ biến, quán triệt, các đảng viên trong Chi bộ đều rất đồng tình và kỳ vọng vào các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Theo tôi đây là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng, củng cố Đảng trong sạch, vững mạnh mà Tổng Bí thư và Trung ương Đảng đã đề ra”, ông Lê Lụa cho biết.
Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng
Theo ông Bùi Văn Tiếng, việc Trung ương có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố và nhất là việc Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Điều này vừa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không để trên nóng dưới lạnh”, vừa thể hiện sự tuân thủ nguyên tắc phân cấp trong quản lý cán bộ, khoản 5 Điều 6 của Quy định số 67-QĐ/TW cũng thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp này.
Cùng ý kiến với ông Bùi Văn Tiếng, ông Hồ Chí Đức, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng việc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII thống nhất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Bí thư Trung ương ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng ta. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. “Tôi tin tưởng thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ phát huy vai trò, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn các tỉnh, thành phố”, ông Hồ Chí Đức chia sẻ.
Cùng với Đà Nẵng, Hà Nội là một trong những thành phố sớm có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bày tỏ sự tin tưởng trước chủ trương và quyết định lớn của Đảng khi đưa không khí chống tham nhũng, tiêu cực lan tỏa mạnh mẽ xuống địa phương, cơ sở, ông Phạm Kim Nghĩa, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 6, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho rằng điều này đáp ứng sự mong mỏi từ lâu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
“Việc thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố thể hiện sự bám sát thực tế, phát hiện và xử lý kịp thời những “mầm mống” tham nhũng, tiêu cực ngay ở cơ sở, đồng thời quy trách nhiệm, ràng buộc, đưa cấp ủy, cơ quan chức năng địa phương vốn còn đa phần đứng ngoài cuộc, nay thực sự vào cuộc, đồng tâm hiệp lực với Trung ương”, ông Phạm Kim Nghĩa nói.
Chung ý kiến với ông Phạm Kim Nghĩa, ông Nguyễn Thanh Hà (76 tuổi, đảng viên, cựu chiến binh, sinh sống ở phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đón nhận việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố như một “làn gió mới”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Ông Nguyễn Thanh Hà bày tỏ mong muốn những cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo sẽ được chọn lọc, chịu sự giám sát chặt chẽ của đảng viên, nhân dân, thực sự “vì nước, vì dân”, lắng nghe tiếng nói, phản ánh của nhân dân; kiên quyết xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, quy định chặt chẽ của Trung ương, cùng niềm tin, kỳ vọng lớn lao, sự giám sát chặt chẽ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố sẽ thực hiện tốt sứ mệnh, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".