Nhật hoan nghênh cam kết của Đức, Pháp đối với khu vực AĐD-TBD
Trong các cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã hoan nghênh cam kết của Đức, Pháp đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo hãng thông tấn Kyodo News, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ngày 12-6 đã hoan nghênh cam kết của Đức, Pháp đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Động thái trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Nhật có các cuộc hội đàm song phương riêng biệt với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 12-6.
Trao đổi với ông Suga, Thủ tướng Merkel cho biết bà coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng đối với Berlin và muốn tăng cường phối hợp song phương trong lĩnh vực an ninh và các lĩnh vực khác, theo Bộ Ngoại giao Nhật.
Đức đang có kế hoạch cử một tàu hải quân đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào mùa hè này.
Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự hợp tác trong giải quyết đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật, ông Suga đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức trong việc chấm dứt các hạn chế nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật, đặc biệt trong bối cảnh năm nay sẽ đánh dấu 10 năm thảm họa động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân xảy ra ở đông bắc Nhật.
Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình khu vực Đông Á và Nga, trong bối cảnh Nhật tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác, trong đó có Đức, trước sự tăng cường quân sự và yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông, vốn dấy lên lo ngại về sự ổn định của khu vực.
Những mối lo ngại như trên càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Bắc Kinh hồi tháng 2 ban hành luật hải cảnh mới, theo đó cho phép các tàu hải cảnh tấn công tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên yêu sách chủ quyền.
Hồi tháng 9-2020, Đức đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, động thái báo hiệu nước này đang hướng tới khu vực châu Á, trong đó tập trung nhiều vào Trung Quốc.
Kế hoạch gửi một tàu khu trục đến khu vực này là một phần của chiến lược này.
Liên quan hợp tác quốc phòng song phương, Tokyo và Berlin hồi tháng 3 đã ký kết một thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo về tình hình an ninh giữa hai bên.
Trong hội nghị an ninh “2+2” đầu tiên giữa Nhật và Đức được tổ chức trực tuyến hồi tháng 4, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước đã cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, đồng thời nhấn mạnh cam kết đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Theo Kyodo News, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Macron, ông Suga cũng đã ca ngợi sự hiện diện ngày càng tăng của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điển hình là việc triển khai các tàu hải quân đến khu vực này.
Hai bên đã nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khu vực, Bộ Ngoại giao Nhật thông báo.
Về phía ông Pháp, ông Macron hôm 12-6 đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thế vận hội Tokyo, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7, nói thêm rằng ông rất mong được tham dự lễ khai mạc dự kiến diễn ra vào ngày 23-7.