Nhật hoàng Naruhito đăng quang: Khi truyền thống thay đổi theo thời gian
13h ngày 22-10, Nhật hoàng Naruhito đã chính thức lên ngôi trước sự chứng kiến của 2.000 khách mời gồm hoàng tộc, nguyên thủ của nhiều quốc gia và hàng triệu người dân Nhật Bản, mở ra một triều đại mới mang tên Lệnh Hòa.
Buổi lễ đăng quang Sokuirei Seiden no Gi của Nhật hoàng Naruhito được thực hiện theo những nghi thức truyền thống đã có từ 1.000 năm trước và được cả thế giới dõi theo. Nó mở ra một kỷ nguyên mới tại Nhật Bản, một thời đại mới được dẫn dắt bởi gia đình hoàng tộc hiện đại.
Nghi thức thay đổi theo thời gian
Nhật hoàng Naruhito đã trở thành Hoàng đế Nhật Bản từ ngày 1-5, sau khi vua cha của ông là Thượng hoàng Akihito tuyên bố thoái vị. Trong triều đại của mình, Thượng hoàng Akihito luôn xem trọng hòa bình và được người dân Nhật Bản vô cùng yêu mến. Bởi vậy, về cơ bản, sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Naruhito sẽ tiếp tục đi theo con đường của cha, song song với đó ông cũng sẽ có những thay đổi phù hợp với thời kỳ hiện đại.
Theo Giáo sư sử học Nikoleth Ruoff, Nhật hoàng Naruhito sẽ không sao chép lại hoàn toàn những gì Thượng hoàng Akihito từng làm mà cần phải thay đổi để Hoàng tộc Nhật Bản vẫn theo kịp xu thế. Theo truyền thống của Nhật, Hoàng đế khi đăng quang cần tổ chức 3 nghi lễ chính. Đầu tiên là nghi lễ Sokui go Choken no Gi - nghi thức ra mắt đầu tiên của Nhật hoàng sau khi kế vị (được tổ chức vào tháng 5 vừa qua). Nghi lễ thứ 2 và quan trọng nhất là Lễ đăng quang Sokuirei Seiden no Gi (đã diễn ra vào trưa 22-10) tuyên bố sự lên ngôi của Nhật hoàng trước tổ tiên và người dân. Và cuối cùng là Daijosai - nghi thức sau lễ đăng quang (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11). Trong nghi lễ Daijosai này, Nhật hoàng sẽ tới thăm các ngôi đền trên khắp Nhật Bản.
Trong buổi lễ quan trọng nhất của chuỗi nghi thức trên, Nhật hoàng đã mặc bộ long bào màu cam sẫm, bộ trang phục truyền thống mà các Hoàng đế thường lựa chọn khi muốn thông báo điều quan trọng đặc biệt, bước lên ngai vàng Hoa Cúc cùng Hoàng hậu Masako. Trước sự chứng kiến của 2.000 khách mời, Nhật hoàng Naruhito đã đọc tuyên bố lên ngôi, cam kết thực hiện nghiêm túc hiến pháp hòa bình Nhật Bản và hoàn thành nghĩa vụ của mình như một biểu tượng của Nhà nước. Mặc dù tuân thủ cơ bản theo phong cách truyền thống cũ, nhưng nghi thức đã được thay đổi để hợp thời đại hơn.
Trước đây, trong nghi lễ, các Hoàng đế thường mặc trang phục Trung Quốc, nhưng sau khi nghiên cứu các phong tục cổ xưa dưới triều đại Minh Trị (1868-1912), trang phục truyền thống Nhật Bản đã được lựa chọn để tiến hành nghi thức quan trọng này. Ngoài ra, nghi thức lên ngôi cho Hoàng đế Taisho năm 1915 và Hoàng đế Showa năm 1928 được tiến hành ở Kyoto và dựa trên Tokyokurei (sắc lệnh của đế quốc liên quan đến việc lên ngôi Hoàng đế) do Hoàng đế Meiji ban hành năm 1909.
Tới khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sửa đổi các nghi thức hoàng tộc sao cho phù hợp với tinh thần của hiến pháp sau chiến tranh. Một trong những thay đổi lớn nhất trong nghi lễ đăng quang của Nhật hoàng Akihito chính là trang phục của Thủ tướng Nhật Bản Toshiki Kaifu khi ấy. Thay vì lựa chọn trang phục kimono truyền thống như những vị Thủ tướng trước đó, ông Toshiki Kaifu đã mặc bộ vest đuôi tôm và bước lên cùng bục với Nhật hoàng Akihito để tránh bị nhầm lẫn với tùy tùng của Hoàng đế. Bởi vậy, lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito đã được thực hiện theo tiền lệ của cha ông: các thành viên hoàng tộc mặc trang phục kimono truyền thống, còn những người tham dự mặc những bộ vest phương Tây.
Cam kết của Nhật hoàng Naruhito
Nhật hoàng Naruhito lên ngôi đã mở ra một triều đại mới tại Nhật Bản mang tên Lệnh Hòa (có nghĩa là hòa hợp) và khép lại thời kỳ Heisen kéo dài suốt 30 năm qua. Trước đó, Nhật hoàng đã cho thấy những thay đổi của ông trong triều đại mới, đó là tận dụng và kế thừa những gì vua cha Akihito từng đạt được, làm tiền đề cho sự phát triển đất nước và thực hiện trọng trách như một biểu tượng của Nhật Bản.
Trong bài phát biểu hôm 1-5, Nhật hoàng đã nói: “Tôi cam kết sẽ làm tròn trách nhiệm của mình với tư cách biểu tượng của đất nước, đồng thời sẽ suy ngẫm, kế thừa những bài học, con đường các hoàng đế trước đây đã lựa chọn và tiếp thu những tư tưởng mới để xây dựng triều đại”. Với tư cách là một hoàng đế, Nhật hoàng Naruhito nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân và đứng bên cạnh hỗ trợ họ. Chỉ có như vậy, Nhật hoàng mới có thể gần gũi với thần dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nhật hoàng Naruhito đã có 2 năm theo học tại Đại học Oxford (Anh) và đã tiếp thu một số nét văn hóa hiện đại của đất nước này. Ông cũng thường xuyên đại diện vua cha tham dự các buổi lễ và sự kiện trong những năm gần đây. Nhờ vậy, Nhật hoàng Naruhito sẽ có những thay đổi đặc biệt để phù hợp với thời đại mà vẫn kế thừa những nét tinh hoa truyền thống dân tộc. Sự kiện Nhật hoàng Naruhito lên ngôi đã được người dân Nhật Bản vô cùng ủng hộ. Dù ngày đăng quang, Tokyo có mưa lớn, song người dân cũng không ngại ngần đứng bên ngoài chào đón tân Hoàng đế.