Nhật kí Paris phong tỏa của BTV Mỹ Linh
Giữa lúc tình hình đại dịch COVID-19 đang có những biến chuyển phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước châu Âu, nhật kí những ngày Paris – thủ đô nước Pháp bị phong tỏa của BTV Mỹ Linh nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Theo đó, từ ngày 17/3, Chính quyền Paris bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân không ra đường nếu không có việc cần thiết.
Những ngày đầu bị phong tỏa, nắng đẹp, không ai hoảng loạn
Theo BTV Mỹ Linh, trong mấy ngày đầu Paris bị phong tỏa, thời tiết khá đẹp nên nhiều người ra ngoài chạy bộ, bao gồm cả trẻ em và người già bởi dân châu Âu không ai hoảng loạn. “Phong tỏa ngày thứ 3…Nắng đẹp, con chim không hiểu trú trong khu vườn nào mà hót véo von, hay quá… Bình tĩnh đi các bạn! Cả châu Âu đang giống nhau và không ai hoảng loạn. Tránh dịch dựa trên tâm lý bình tĩnh và cẩn trọng chứ ai dựa trên nỗi sợ. Các bạn mà ở đây sẽ nghe thấy chim hót rất hay. Đã bảo COVID-19 làm ta nhìn lại đời sống mà”, chị viết.
Cũng theo lời nữ BTV, ngày thứ 4 bị phong tỏa, đường phố Paris vắng người, tất nhiên vẫn có người đi làm, người đi mua bánh mì, người chạy. Không phải hoang mạc vắng tanh u ám, chỉ là thanh vắng.
“Cô phỏng vấn ai cũng được. Cô gợi ý nói chuyện với ai cũng thấy tươi cười. Cô nhìn thấy những cụ già đi siêu thị, khi ra có người đi cùng gợi ý xách hộ một đoạn đường. Hôm nay Paris mới có một cụ già 86 tuổi nhiễm COVID-19 ra viện. Nghĩa là không phải cứ già là vô vọng. Tin tốt lành cho một ngày cô thấy thật dễ chịu…dù bệnh viện Paris vẫn quá tải… Đọc tin thấy bệnh viện bên Đức sẽ tiếp nhận bệnh nhân từ Pháp gần biên giới chuyển sang. Bệnh dịch cũng là phép thử cho sự tử tế. Thế kỷ sau sẽ vẫn còn kể cơ mà”, chị viết.
Thời tiết vẫn đẹp nhưng Pháp đóng cửa biên giới và toàn quốc thêm 2 tuần nữa
Sang ngày thứ 5 Paris bị phong tỏa, Mỹ Linh bắt đầu cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Bởi “Tất cả mọi đề nghị phỏng vấn hay làm phóng sự đều bị từ chối, tức là bác sĩ rất bận, bệnh viện quá tải…Sáng mở mạng xem, gặp ngay cảnh một nữ cảnh sát tuần tra khóc tức tưởi, chị bảo đã từ một tuần nay ngày nào chị cũng đi từ sáng sớm, sau 9h tối mới về. Có ngày chị không kịp cả tắm. Ngày nào lúc về nhà chị cũng rất lo lắng, sợ truyền bệnh cho con.
Chị bảo chị khóc khi nhìn thấy những người vẫn đi bộ dạo chơi trên phố vẫy tay chào chị…Chị quá tải, mới một tuần thôi, sẽ còn cả tuần thậm chí có thể cả tháng nữa. Chị xin mọi người ở nhà đi… Người đi chợ vẫn đông như kiến, cảnh sát gào loa yêu cầu đứng cách xa nhau một mét, từng người vào cửa hàng để tránh gần nhau. Điếc. Vẫn lao vào để tranh mua thịt, mua rau, đánh nhau xem ai vào trước ai vào sau”.
Vào ngày kế tiếp, thời tiết vẫn rất đẹp, người Paris vẫn được ra khỏi nhà 1 tiếng mỗi ngày để chợ búa và đi bộ hoặc chạy. “Sao lại nói về cái chết, phải nói về hy vọng mà chiến đấu chứ. Có một điều mà khi sống lâu tại châu Âu, tại Pháp thì sẽ quen là người dân ít hoảng hốt. Có thể vì bản tính, có thể vì sống lâu trong sự thanh bình ổn định, nên mất thói quen cuống cuồng…Trên phố vẫn thấy cụ gia thong dong miệng đeo khẩu trang, tay đeo găng cao su đi chợ”.
“Ngày 8 rưỡi…Số người chết tăng, đi siêu thị hay ra phố bắt đầu thấy người ta đeo khẩu trang, đeo găng, mua hàng hóa nhiều hơn trước, nhưng cô chưa tận mắt thấy cảnh chen lấn giành nhau hàng hóa. Giấy vệ sinh, ơn trời vẫn ê hề. Hôm nay hàng xóm nhà cô bắt đầu thổi acmonica ở đâu đó vào giờ vỗ tay, chào nhau hẹn nhau tối mai gặp lại nhé…Nước Pháp sẽ còn đóng cửa thêm, trường học dự kiến mở lại vào tháng 5...”.
Đến ngày thứ 10, thời tiết vẫn đẹp, nắng vẫn trong xanh nhưng Chính phủ Pháp công bố sẽ đóng cửa biên giới và toàn quốc thêm 2 tuần nữa, tức là đến ngày 15.4 mọi người dân mới được ra ngoài. “Thôi cũng được. 2 tuần rồi thêm 2 tuần, rồi biết đâu thêm 2 tuần nữa, không sao. Như vậy là 2 lần 14, hoặc 3 lần 14, cho chắc. Miễn sao khi hết phong tỏa thì có thể ra đường và ôm hôn nhau, không ai nhìn ai ý nhị khi bị đứng gần. Xung quanh mình số người có biểu hiện nhiễm COVID -19 ngày một nhiều”,BTV Mỹ Linh viết.
Bắt đầu bớt lãng mạn
“Ngày 11 rưỡi. Cô Vy đã lấy đi mạng sống của một em gái 16 tuổi, sống tại ngoại ô Paris. Cô bé được gia đình cho biết không có tiền sử bệnh nền, bắt đầu ho từ thứ 7 tuần trước, thứ 2 đi viện và mất vào thứ 6. Như vậy là lý thuyết cô Vy chỉ lấy đi mạng sống của người già đã không còn đúng.Nghĩa là các bạn trẻ vẫn nghĩ cô không thử mình đâu, cô chỉ gọi người già đi, là sai rồi. Trước là 80, giờ là 50, 60 và hôm qua là 16. Thôi nào, nghiêm túc, đừng đùa. Nếu không thích bảo vệ mạng sống của mình thì bảo vệ mạng sống của người khác, con người khác, tình yêu và hy vọng của người khác. Ở nhà thôi. Ở nhà còn không cần khẩu trang và dành nó cho ngành y tế.
Nhà hàng không mở cửa nhưng nhận đặt hàng online và ship đồ tận cửa ( người ship hàng phải có đăng ký và được phép đi lại ). Siêu thị bán 1 tiếng buối sáng cho người già vào trước rồi cả ngày bán hàng đưa tại nhà đến 5h chiều. Ai đi chợ thì xếp hàng cách nhau ít nhất 1 mét và giới hạn số người vào cửa hàng… Nghĩa là ở nhà nhưng ngành sản xuất nông nghiệp và thương mại không vì thế mà tê liệt”, chị viết.
Và mới đây, BTV Mỹ Linh viết trên trang cá nhân: “Ngày bao nhiêu rồi ý nhỉ ? Chết, giờ không nhớ. Đại khái là 2 tuần Paris ai ở đâu ở đấy rồi. Bắt đầu bớt lãng mạn, hết thấy Violon ai chơi ở đâu…”.