Nhật ký bác sỹ: Những ngày 'khói lửa' từ tâm dịch COVID-19

Ở tuyến đầu chống dịch, đối diện với muôn vàn khó khăn, thậm chí chứng kiến cả ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng nhiều y bác sỹ vẫn không chùn bước, nản chí...

Những y bác sỹ "Nam tiến" hỗ trợ chống lại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những y bác sỹ "Nam tiến" hỗ trợ chống lại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 tại các tỉnh “điểm nóng,” đã có trên 17.000 nhân lực y tế chi viện cho phía Nam chống dịch. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh được chi viện phần lớn số lượng, ước tính khoảng 10.000 người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện mỗi bác sỹ, điều dưỡng phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, mỗi người làm việc theo tua kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày, trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Các bác sỹ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường và với số lượng người bệnh quá lớn, trực nhiều giờ cũng là lý do chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh bị giảm sút.

Mặc dù ở tuyến đầu chống dịch, đối diện với muôn vàn khó khăn, thậm chí chứng kiến cả ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng nhiều y bác sỹ vẫn không chùn bước, nản chí. Tất cả mọi người đều đồng lòng, quyết tâm vượt qua đại dịch và hứa hẹn một ngày chiến thắng sẽ không còn xa.

Trải qua gần 3 tháng vào chiến trường chống giặc “COVID-19,” các bác sỹ tại Bệnh viện Dã chiến số 3 vẫn đang cố gắng từng ngày để chữa trị, cứu sống những bệnh nhân mắc COVID-19.

Những dòng nhật ký của bác sỹ Lê Đức Thành Nhân (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện) chia sẻ về hành trình vượt qua khó khăn cũng như sự triển của Bệnh viện dã chiến số 3 (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, thành phố Thủ Đức) trong những ngày tháng “đặc biệt” của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khiến nhiều người không khỏi xúc động, bồi hồi.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu tới độc giả những dòng nhật ký xúc động này (tiêu đề do tòa soạn đặt):

3 tháng: Những ngày “khói lửa”

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm ấy, cách đây đã gần 3 tháng, ngày mà tôi bất ngờ nhận được lệnh triệu tập vào lực lượng tuyến đầu chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày đi, danh sách các thành viên trong đoàn là những gì chúng tôi có. Lúc ấy, không ai biết địa điểm công tác cũng như ngày trở về là khi nào. Thực ra, thời điểm đó, tôi có chút lo lắng nhưng rồi lại lạc quan nghĩ, chắc có thể đây chỉ là chuyến “du lịch nghỉ dưỡng ngắn hạn” vì khi đó tình hình dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa căng thẳng nhiều. Phần khác, tôi lại thấy rất vui và tự hào vì được lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện tin tưởng giao phó vị trí trưởng đoàn công tác…

Nhưng khi đặt chân đến Bệnh viện Dã chiến số 3, tôi mới cảm thấy áp lực bắt đầu trĩu nặng trên đôi vai mình.

Những dòng nhật kí của bác sỹ ghi lại thời điểm căng thẳng của dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những dòng nhật kí của bác sỹ ghi lại thời điểm căng thẳng của dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Dã chiến số 3 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập vào ngày 7/7/2021 thì ngay hôm sau, 45 thành viên đoàn công tác chúng tôi đã có mặt tại đây và bắt tay vào công việc. Sau khi dọn dẹp phòng ốc và nghỉ ngơi, chuyến công tác của chúng tôi mới thực sự bắt đầu…

Do Bệnh viện Dã chiến số 3 thành lập và đưa vào hoạt động quá gấp rút nên không thể tránh khỏi sự thiếu sót về khâu tổ chức cũng như nhân lực, vật lực. Sau khi họp bàn 2 bên, chúng tôi quyết định chia 60 nhân viên y tế làm 4 ca 5 kíp (Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện 4 kíp và Bệnh viện Lê Văn Thịnh 1 kíp), cách chia này nghe có vẻ lạ vì trước đây chúng tôi chỉ quen với cách chia 3 ca 4 kíp và nó gần như đã trở thành khuôn mẫu tại các bệnh viện. Cách chia mới này do anh Lê Văn Hùng - Điều dưỡng trưởng của đơn vị đề xuất vừa hợp tình lại có lý, đảm bảo sức khỏe cho anh chị em khi làm việc.

Do nhân lực khiêm tốn nên ngoài giờ trực các bác sỹ phải kiêm nhiệm thêm các bệnh phòng và làm hồ sơ sổ sách cùng với sự giúp đỡ của các bạn điều dưỡng. 6 ngày đầu là những ngày thực sự “khói lửa,” lúc ấy chưa có đơn vị hậu cần nên khối lượng công việc rất lớn lại không thể san sẻ cho ai.

Khi F0 tăng đột biến

Tôi còn nhớ lúc ấy số bệnh nhân F0 chúng tôi nhận vào tăng đột biến theo ngày, nên việc dự trù thiếu suất ăn là việc khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các y bác sỹ, điều dưỡng ai cũng đồng lòng nhường lại suất ăn của mình cho các bệnh nhân. Khi đó, tôi đã rất phiền não vì sợ rằng việc quá tải sẽ bào mòn sức khỏe và ý chí của các anh chị em. Nhưng đáp lại sự lo lắng thái quá của tôi, mọi người đã thể hiện một tinh thần vô cùng kiên cường và nhiệt quyết, một tinh thần rất Việt Nam…

Sau thời gian đó, khi có các anh em dân quân hỗ trợ thì mọi việc trở nên tươi sáng hơn, nhân viên y tế chúng tôi có thời gian tập trung sâu vào chuyên môn, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, guồng quay công việc cũng dần trở về quỹ đạo.

Các y bác sỹ tại Bệnh viện dã chiến số 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các y bác sỹ tại Bệnh viện dã chiến số 3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 1 tuần hoạt động, số giường bệnh đã gần chạm đến ngưỡng gần quá tải, rất may lúc ấy có đoàn của các đồng nghiệp từ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương đến hỗ trợ kịp thời. Vậy là 100 nhân viên y tế chia nhau chăm sóc sức khỏe cho 3.000 bệnh nhân, vấn đề nhân sự phần nào được giải quyết.

Giai đoạn này, bệnh bắt đầu có những diễn biến phức tạp hơn, số ca nặng tăng đều theo ngày, vấn đề khó khăn mới lại phát sinh. Lúc ban đầu, Bệnh viện Dã chiến số 3 được thành lập với mục đích thu dung những bệnh nhẹ và không triệu chứng nhưng khi đi vào hoạt động lại xuất hiện rất nhiều trường hợp ở mức độ trung bình, nặng và có nhiều bệnh nền kèm theo. Cùng với sự leo thang của dịch bệnh nên vấn đề chuyển viện là vô cùng khó khăn.

Chính vì vậy, Phòng Cấp cứu cũng sớm được hình thành trong thời gian này và cứ thế “phình to” theo thời gian, áp lực lên lực lượng chuyên môn cũng cứ thế tăng dần.

Với sự hỗ trợ chuyên môn của bác sỹ Lý Quốc Công - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự quyết tâm và tinh thần học hỏi không ngừng của đội ngũ y bác sĩ bắt đầu phát triển theo một hướng rất khác.

Lực lượng chuyên môn với phần đông là các bác sỹ chuyên khoa lẻ nay đã phần nào tự tin hơn với kiến thức bệnh truyền nhiễm cũng như nội khoa hay hồi sức cấp cứu. Cũng không biết có phải vì các anh chị em đã làm việc quá tích cực hay không mà chưa đầy một tháng sau khi Bệnh viện Dã chiến số 3 đi vào hoạt động, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ấp ủ quyết định cho thành lập thêm đơn vị Hồi sức-Cấp cứu tại đây. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà có lẽ tôi sẽ chia sẻ sau…

Câu chuyện về oxy cung cấp cho người bệnh

Khi vấn đề nhân sự đã được giải quyết một phần, kiến thức chuyên môn được củng cố thì vấn đề vật lực lại bắt đầu “nhức nhối” khi số bệnh nhân cấp cứu tăng dần. Trong đó vấn đề quyết định sống còn nhất chính là oxy cung cấp cho người bệnh.

Giai đoạn ấy ngoài việc phải vận chuyển oxy bình đến giường từng bệnh nhân, tua trực còn phải phân loại bình oxy theo mức độ nhiều đến ít để đảm bảo nguồn oxy được sử dụng hiệu quả một cách tối đa. Bình đầy thì dùng cho các bệnh nhân thở oxy dòng cao, bình còn khoảng 70% thì dùng cho các bệnh nhân sử dụng oxy mask, còn thấp hơn nữa thì dùng cho bệnh nhân thở qua cannula. Mọi người tuy vất vả nhưng cũng hay đùa với nhau rằng “có oxy để đẩy là mừng rồi…”

Bệnh nhân ở nhiều các độ tuổi nên bệnh nền kèm theo cũng rất đa dạng (tăng huyết áp, đái tháo đường, hen, gout…). Do đó bên cạnh việc dự trù thuốc điều trị bệnh chính thì thuốc điều trị các bệnh lý nền cũng rất quan trọng vì bệnh lý nền nếu không kiểm soát tốt sẽ làm tiên lượng các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 xấu hơn…

Vượt qua rất nhiều thách thức, tập thể nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 3 rất phấn khởi vì đã cho xuất viện gần 10.000 người bệnh và Bệnh viện thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là động lực lớn nhất đối với y bác sĩ chúng tôi và hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân COVID-19 hơn nữa được điều trị khỏi, trở về với gia đình, cuộc sống lại bình thường như xưa”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhat-ky-bac-sy-nhung-ngay-khoi-lua-tu-tam-dich-covid19/742396.vnp