Nhật ký cách ly Covid-19 tại 'resort quân nhân' của du học sinh Ý
Điều đặc biệt của 'resort quân nhân' là hệ thống Wi-Fi miễn phí và không mật khẩu. Đây là điều ngoài sức tưởng tượng khi tôi còn ở Italy.
Tại Italy, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được gọi tắt là “cúm Corona”. Tôi vẫn nghĩ đó chỉ là bệnh cúm thông thường cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát, thực phẩm thiết yếu bị mua hết tại các siêu thị, cửa hàng trống trơn.
Italy vỡ trận, thành phố tôi ở trở thành tâm dịch của toàn vùng Lombardia nói riêng và nước Italy nói chung. Số người nhiễm bệnh được chính quyền địa phương công bố lúc đó là 9.000 người, vượt qua cả nước Hàn Quốc. Ở lại không còn là suy nghĩ trong tôi lúc này, đầu tôi nóng dần và thoáng nghĩ đến việc đặt vé về nước.
Tôi đặt được vé máy bay trở về Việt Nam vào ngày 8/3. Chỉ có 8 tiếng cho việc gói gém đồ dùng và di chuyển 100 km từ nhà thuê đến sân bay Malpensa Milan. Tôi đeo 2 khẩu trang, để sẵn 2 lọ dung dịch rửa tay vào túi áo. Những thứ này giúp tôi tạm yên tâm xách vali lên đường.
Thời gian lúc này là những khoảng sợ hãi nối tiếp. Bước chân này an toàn không? Nhịp thở này an toàn không? Hàng loạt câu hỏi. Tôi đã nhớ nằm lòng các khuyến cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy. Tuy nhiên, mỗi bóng người lướt qua trên đường, mỗi phút hít thở bầu không khí này vẫn cứ cảm giác như việc phơi nhiễm virus đến rất gần. Đây thực sự là chuyến đi đến sân bay vất vả nhất mà tôi từng trải qua.
Tới sân bay vừa kịp lúc, tôi nhanh chóng ký gửi hành lý, check-in và trình hộ chiếu để xuất cảnh. Tôi đã từng tạm biệt Italy nhiều lần như thế, nhưng hôm nay nước Ý không bình yên. Sau này tôi mới biết Chính phủ Italy đã cân nhắc ban bố phong tỏa đất nước khi chuyến bay của tôi vừa cất cánh.
Hơn 6 tiếng trôi qua, máy bay đã tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tôi cần đợi thêm 20 tiếng transit tại Sân bay Quốc tế Dubai trước khi lên được chuyến bay sớm nhất về Việt Nam. Có những giấc ngủ chập chờn trong đêm Trung Đông như đã đưa tôi về đến Nội Bài.
Giờ thứ 36, tôi tỉnh giấc khi tiếp viên hàng không thông báo sắp hạ cánh xuống Hà Nội. Một cảnh tượng rất khác so với lần nhập cảnh trước. Hàng dài người đứng ở phía cửa ra để khai báo y tế. Tự nhận thức được mình đến từ tâm dịch và cần giúp hạn chế sự lây lan virus nên tôi đã chủ động viết vào tờ khai là đến từ Milan, Italy. Tôi và nhiều bạn du học sinh được dẫn vào phòng cách ly trong nhà ga. Vài tiếng sau, chúng tôi cùng bước lên một chiếc xe biển đỏ đã được sắp xếp trước, lặng lẽ đi đến Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh.
Xe buýt, hành lý to nhỏ, túi xách… nhanh chóng được phun khử trùng trước khi tôi được mời vào khai báo thông tin và khám triệu chứng liên quan đến Covid-19. Thật may là không ai trên xe có vấn đề về sức khỏe.
Chúng tôi được dẫn lên phòng nghỉ, chiến sĩ trong trang phục bảo hộ nhiệt tình mang vác hàng tá hành lý lên tới căn phòng ở tầng cao nhất. Thật không ngoa khi nói đây là penthouse (căn hộ áp mái) ở Trường Quân sự.
Bộ kit trong phòng nghỉ có bàn chải, kem đánh răng… thứ không được phục vụ tại nhiều khách sạn 5 sao trên thế giới. Xà phòng, dầu gội đầu, thậm chí cả xà phòng giặt, giấy vệ sinh có đầy đủ. Đây là lần đầu tiên tôi đi "nghỉ dưỡng" mà được phục vụ miễn phí nhiều như thế. Các anh cán bộ trêu: “Nhà nước tài trợ thì cứ dùng tẹt đi”.
Trời miền bắc se lạnh và thật tuyệt vời khi cuộn mình trong chăn ấm đệm êm. Tôi đã có một đêm ngon giấc sau 36 tiếng chập chờn, lo sợ. Bữa sáng được phục vụ từ 7h. Sau đó, nhân viên y tế tới tận giường đề thăm khám, đo nhiệt độ. Ở hành lang người túc trực đêm qua vẫn đang lau chùi sàn nhà và thu gom rác trong phòng.
Với kiến thức chuyên ngành quản trị du lịch, tôi khẳng định đó là những biểu hiện của sự tận tâm. Một khu nghỉ dưỡng chất lượng tốt từ cơ sở vật chất tới “dịch vụ khách hàng”.
Điều đặc biệt của “resort quân nhân” so với những khu nghỉ dưỡng 5 sao trên thế giới là hệ thống Wi-Fi cực mạnh, miễn phí và không mật khẩu. Đây là điều ngoài sức tưởng tượng khi tôi còn ở Italy và nghe nói về các khu cách ly tập trung Covid-19. Có Internet, tôi biết được tin tức hàng ngày, học bài online dễ dàng.
Tôi cũng đã vào Zalo để giao tiếp với người thân trong gia đình. Gọi cho bố, gọi cho mẹ gọi em gái nữa. Nơi cách ly không cho phép người nhà đến thăm nên chỉ có thể giao tiếp qua điện thoại cho tới khi đủ thời hạn.
Tụi từ nước ngoài về nước chúng tôi còn lập một nhóm Zalo để í ới nhau trong khu cách ly. Người đi ăn trước chụp ảnh chia sẻ cho nhóm, rồi mọi người xuýt xoa về các món ăn hôm nay. Cảm giác được ăn cơm Việt Nam mỗi ngày sau nhiều tháng món tây trời Âu thật mãn nguyện.
Mọi người cũng nhắn tin trên Zalo để tổng hợp những đồ cá nhân cần mua sắm. Thân nhân của người trong nhóm sẽ “xách tay” một thể và gửi cho chiến sĩ Trường Quân sự. Do nguyên tắc an toàn nên mọi đồ dùng được xịt khử trùng rồi giao lại cho người cách ly. Nhóm Zalo giúp mọi người dần quen biết, cùng động viên nhau quyết tâm chiến thắng dịch bệnh bằng việc sinh hoạt điều độ và rửa tay thường xuyên.
Bình minh thứ 15 sau khi về nước. Hôm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành thời hạn cách ly tập trung. Từ sớm, chiến sĩ trong Trường Quân sự đã sắp ghế, chuẩn bị cho buổi lễ chia tay đơn vị. Nhân viên vệ sinh tiếp tục khử khuẩn từng vị trí, đồ dùng. Những người như tôi thì đóng gói hành lý cá nhân và dọn dẹp lại phòng nghỉ. Không gấp gáp như ở Italy, mọi thứ diễn ra chậm rãi và thong thả.
51 công dân được trả lại giấy tờ và được về nhà hôm nay chủ yếu là người lao động và du học sinh tại nước ngoài. Nhân viên y tế công bố tên từng người và trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, không nhiễm Covid-19. Phát biểu chia tay, cán bộ y tế và lãnh đạo Trường Quân sự cám ơn sự cộng tác của đồng bào thực hiện cách ly.
Trong 2 tuần qua, hơn một chục người tại trường đã phục vụ gần 200 đồng bào nên không tránh khỏi sơ sót, mong mọi người thông cảm. Y, bác sĩ dặn dò từng người cách ly thêm 2 tuần tại gia đình theo khuyến cáo y tế, giữ an toàn cho cộng đồng.
Tôi và nhiều bạn ghi lại lưu bút trong cuốn sổ bìa đỏ trên bàn. Thư cám ơn dành cho cán bộ y tế và chiến sĩ được trao tận tay. Từ trên cao, những người còn hạn cách ly vỗ tay và chào tạm biệt chúng tôi. Sau những cái ôm ấm áp, xe quân sự sẽ đưa chúng tôi trở về. Mọi người tranh thủ chụp tấm ảnh chung kỷ niệm. Tất nhiên, ai nấy vẫn phải đeo khẩu trang và không phút nào tháo bỏ.
Giọng nói nghẹn ngào qua mấy lớp khẩu trang khiến tiếng ai cũng ồm ồm. Trên ngọn cây, tiếng chim vẫn ríu rít đón nắng sớm bình minh.