Nhật ký … Covid-19
Từ ngày 10/3/2020, rất nhiều người coi cơ quan là nhà.Khái niệm 'giờ hành chính' không còn nữa. Những bữa ăn vội vàng, những giấc ngủ lệch giờ trở thành thông lệ.
Nhật ký … Covid-19
Chiều muộn 14/3, nhóm những người trực xét nghiệm và kiêm luôn bốc vác liên tục vận chuyển cồn do một công ty tặng vào kho. Không ai phân công, không ai chỉ đạo. Bữa cơm chiều là những ổ bánh mì chả bày ra trong những bị nylon. Anh trưởng khoa gọi với khi thấy chàng bác sĩ trẻ đi qua: “Ăn gì chưa con, vô làm đỡ ổ bánh mì!”. Bánh mì lạnh ngắt mà chàng bác sĩ nhai ngấu nghiến. 19 giờ 20 phút, một tiệm bánh trên đường Lê Hồng Phong (Phan Thiết) gửi tặng 20 cái bánh bông lan. Ơi ới gọi nhau chia mỗi người một ít cho đở đói.
Đầu giờ chiều 18/3, một chàng cử nhân xét nghiệm về nơi tập trung của đội khử khuẩn. “Có võng nào trống không mấy anh, cho em ngủ tí”. Chàng trai trẻ gầy nhom đi lấy mẫu xét nghiệm từ 7 giờ sáng đến 14 giờ chiều. “Ăn gì chưa em, còn cơm nè. Có cá chiên ngon lắm”. “Em uống hộp sữa rồi, giờ muốn ngủ chút thôi”.
13 giờ 30 ngày 20/3, một nhóm điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm về “doanh trại”. Những khuôn mặt mệt mỏi, xuyên đêm không ngủ. Họ đã lên đường lúc 23 giờ đêm 19/3 và kết thúc công việc lúc 13 giờ ngày 20/3. “Tranh thủ ăn cái gì rồi ngủ đi em. Tối còn đi nữa”, một anh trong đội khử khuẩn động viên. Chàng cử nhân xét nghiệm này đã 10 ngày nay chưa được về nhà, một phần nhà xa, sợ chạy không kịp khi có điều động; một phần tự cách ly để tránh lây cho gia đình.
Một nữ thạc sĩ xét nghiệm cũng lâu rồi chưa về nhà. 22 giờ 20 phút ngày 22/3, cô đứng ngoài hành lang tầng 2 khoa xét nghiệm nhìn xa xăm, mới vừa xong nhiệm vụ. Chắc cô nhớ con lắm. Đêm nay, cô lại ngủ trên bàn. Cô ở lại để thực hiện nhiệm vụ báo cáo hàng ngày sau khi hoàn tất các bước xét nghiệm. Khi cao điểm của nhiệm vụ, cô ấy phát hiện mình sốt 38 độ C, hoang mang mà không dám khóc, chỉ nhẹ nhàng nói nhỏ với đồng nghiệp: “Chị ơi, em sốt nhưng không biết có trùng hợp với bệnh cảm thông thường không nữa”. Không hoang mang sao được khi mà bao nhiêu là việc chưa làm xong, rất nhiều đồng nghiệp tiếp xúc gần sẽ ra sao, nếu… Xin ý kiến lãnh đạo, mẫu được lấy gởi đi xác định và vỡ òa cảm xúc khi được xác nhận âm tính với Covid-19.
Những người trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm thật sự nguy hiểm vì tiếp xúc với những người nghi nhiễm Covid-19. Họ không biết ai đã dương tính, ai không. Muốn lấy được mẫu cho kết quả đúng, phải tạo cho bệnh nhân phản xạ nhảy mũi và ói, khạc.
Người được lấy mẫu phải há miệng ra (tất nhiên, nếu không thì sao mà đưa que vào được). Đã có trường hợp bệnh nhân (sau này mới biết dương tính) ho thẳng vào một kỹ thuật viên khi lấy mẫu. Hôm đó, anh này mặc đồ chống dịch màu trắng, nên an toàn.
Trước khi đi lấy mẫu, họ chuẩn bị sẵn 1 túi đồ 9 món trang thiết bị, dụng cụ; kiểm tra kỹ và luôn có sẵn nhiều túi dự phòng. Khi thao tác, họ phải đảm bảo không thiếu dụng cụ và bỏ ngay các dụng cụ đã thực hiện theo thứ tự. Lấy mẫu về, họ phải tách mẫu, kiểm tra số liệu, tuyệt đối không để xảy ra sai sót nào dù rất nhỏ, rồi mới “đóng gói”. Tất cả phải hoàn thành trước sáng sớm để chuyển đi Viện Pasteur Nha Trang. Những đêm không ngủ là chuyện đã quen rồi.
Những người lấy mẫu và tách mẫu cứ đứng liên tục cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành. Trung bình đứng 5 -7 phút cho 1 mẫu. Họ đã làm gần 600 mẫu như thế.
Một gia đình lớn của những người cùng chung nhiệm vụ, không phân biệt lãnh đạo khoa hay nhân viên, không so đo thạc sĩ hay cử nhân. Họ chỉ có một chức danh: Xét nghiệm! Họ không than vãn, không muốn nêu tên, thầm lặng hy sinh, cần mẫn cống hiến, tận tụy và trách nhiệm với công việc được giao. Xin mượn ca từ của một hành khúc hào hùng để cảm ơn họ: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình!”.
Nguyễn Hồng Thạnh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/nhat-ky-%E2%80%A6-covid-19-125951.html