Nhật ký của liệt sĩ - chứng nhân chiến trường khốc liệt

Trong những trang nhật ký thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, chứa chan tình yêu mãnh liệt, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết; lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Cách mạng, khát vọng về ngày mai hòa bình và ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân, cuộc đời mình cho Tổ quốc của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Giữa làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, những dòng chữ viết vội trên đường hành quân, dưới ngọn đèn dầu leo lét trong đêm của những người chiến sĩ, khắc họa nên một thời hoa lửa hiển hiện chân thực...

“Nó đã ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt”

Lần giở từng trang trong cuốn nhật ký với những hàng chữ có chỗ còn rõ nét, có chỗ đã nhòe mờ, “Hoa con!” - tiếng gọi con tha thiết của người ba lần đầu tiên sau gần 60 năm khiến bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1965), trú tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An òa khóc. Những giọt nước mắt nhớ thương cùng tủi hờn hòa vào niềm vui, bà Hoa như được đón ba trở về sau bao năm lưu lạc…

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số.

Năm 1966, khi bà Hoa vừa tròn 1 tuổi thì người ba - người lính Nguyễn Quang Số (sinh năm 1941, nhưng khi vào bộ đội, hồ sơ ghi năm 1944) hành quân vào chiến trường miền Nam. Suốt những năm tháng chiến đấu, ông chỉ gửi về vỏn vẹn 1 lá thư ghi vội ít dòng, thông báo đang trên đường hành quân qua Tây Nguyên rồi biệt tăm, biệt tích. Năm 1971, gia đình nhận được Giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Quang Số. Ông hy sinh ở Mặt trận phía Nam vào ngày 26/2/1969. Lá thư duy nhất ông gửi về gia đình cũng không còn. Ba ra đi khi bà Hoa còn quá nhỏ, bởi vậy, trong trí nhớ của bà, hình ảnh người ba hầu như chỉ là một khoảng trắng xóa. Những câu chuyện về ba bà chỉ được biết qua lời kể của mẹ và ông bà…

Vào một ngày cuối tháng 3/2024 vừa qua, bà Hoa bất ngờ nhận được cuốn nhật ký với trang bìa có ghi “Nhật ký chiến tranh, tập 1, Thanh Chương”. Phía dưới trang bìa cuốn nhật ký còn ghi “Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương”. Nguyễn Quang Đồng đúng tên chú ruột của bà Hoa, em trai của liệt sĩ Nguyễn Quang Số. Thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam đúng là tên làng, tên xã của bà Hoa khi xưa, nay đổi thành xóm Lam Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Dù nhật ký được viết trong hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn bủa vây, nhưng những nét chữ của liệt sĩ Nguyễn Quang Số luôn ngay ngắn, đẹp đẽ. Từ những trang nhật ký của ba, bà Hoa mới biết được ba mình đã từng sống, chiến đấu dũng cảm và hy sinh thế nào…

“Đọc đến đâu, tôi khóc đến đó. Ba nói với tôi về chiến tranh, về truyền thống gia đình, về lý tưởng và hạnh phúc của ông cùng những mong muốn, gửi gắm vào con gái. Vậy mà, phải mất 56 năm, tôi mới được đọc những câu chữ thấm đẫm yêu thương ấy. Từng trang nhật ký sưởi ấm trái tim, an ủi, vỗ về niềm thương, nỗi nhớ và cả sự tủi hờn thiếu vắng hơi ấm của ba suốt bao nhiêu năm qua của tôi…”, bà Hoa rưng rưng lau nước mắt đã nhòe cặp kính lão.

Nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ về quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh trao bản in cuốn Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Nguyễn Quang Số tới gia đình.

Nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ về quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh trao bản in cuốn Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Nguyễn Quang Số tới gia đình.

Trong cuốn nhật ký ở chiến trường, liệt sỹ Nguyễn Quang Số đã dành 4 trang giấy tâm sự với con gái về chiến tranh và những mong muốn gửi gắm cho con gái. Trích những dòng nhật ký người lính Nguyễn Quang Số viết cho con gái, đề ngày 19/9/1968: “Nếu như mai ngày thống nhất ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này - nó đã ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt - về cho con xem. Nếu như ba có hy sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong lúc chiến đấu với quân thù) thì Ban chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây, con sẽ hiểu biết phần nào về ba của con…”.

Giữa những trận đánh sinh tử, chứng kiến đồng đội liên tiếp ngã xuống, liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh và luôn xác định tâm thế về sự hy sinh một cách bình thản. “Mấy hôm nay anh nghĩ về em, càng nghĩ càng thương em tha thiết! Nếu như trong cuộc vật lộn với kẻ thù tàn ác, dã man mà anh có hy sinh thì đây là lời dặn dò trước lúc vĩnh biệt em. Có thương anh thì đừng giữ chữ thủy chung mà khổ. Em cứ mạnh dạn tìm một người để sớm tối đi về cùng em… Hãy kể về đời anh cho con nghe, giáo dục con thay anh…”, trích những dòng nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho vợ mình.

Bà Hoa bật khóc khi đọc được những dòng nhật ký của ba mình - liệt sĩ Nguyễn Quang Số sau 56 năm lưu lạc.

Bà Hoa bật khóc khi đọc được những dòng nhật ký của ba mình - liệt sĩ Nguyễn Quang Số sau 56 năm lưu lạc.

Không chỉ viết về nỗi nhớ cồn cào, da diết dành cho cha mẹ, cho vợ và con gái thân yêu, trong các trang nhật ký được viết trong khoảng thời gian từ ngày 30/12/1967 đến ngày 7/10/1968, liệt sĩ Nguyễn Quang Số còn dành phần lớn để viết về những trận đánh mà ông và đơn vị tham gia, về lý tưởng cách mạng. Ông cũng dành nhiều trang giấy để ghi chép những lời căn dặn và hình ảnh Bác Hồ, các bài thơ Cách mạng của các tác giả Tố Hữu, Giang Nam.

Đặc biệt, liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã dành những tình cảm yêu quý, trân trọng khi viết về thủ trưởng, về những đồng đội cùng chiến hào với mình. Trong trang nhật ký đêm 22/8/1968 ở núi rừng Tây Ninh, người lính ấy đã viết: “Chưa bao giờ anh em hành quân lại mang nặng như lần này… Thương anh em quá! Thương yêu đồng đội không chỉ nói bằng mồm hay chỉ ghi vào nhật ký được, mà phải thể hiện trên công tác phục vụ của mình. Thế thì từ nay lấy tinh thần của một chiến sĩ hậu cần, lấy tư cách của một đảng viên Cộng sản toàn tâm, toàn ý phục vụ anh em…”.

Theo ông Lê Tiến Dũng (sinh năm 1973), Nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ về quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh, cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Quang Số được ông tiếp nhận từ Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và trao lại cho gia đình. Bản ảnh cuốn nhật ký được lưu tại trường Đại học kỹ thuật Texas (Mỹ). Căn cứ vào các thông tin dữ liệu thu thập được, có thể xác định, liệt sĩ Nguyễn Quang Số thuộc quân số đơn vị D3 B16 Đoàn 129 (tức Tiểu đoàn 3 Phòng đặc công Miền). Ông chiến đấu và hy sinh vào ngày 26/2/1969, khi cùng lực lượng quân giải phóng tiến đánh căn cứ Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ ở Đồng Dù (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).

Việc nhận được cuốn nhật ký của ba như niềm an ủi lớn lao, như người ba năm nào đã trở về bên bà Hoa sau gần 60 năm… Việc tìm được kỷ vật cuốn nhật ký cũng thắp lên hy vọng đối với gia đình bà Hoa sớm tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Quang Số để đưa về an táng tại quê nhà…

Lý tưởng thanh xuân và khát vọng hòa bình

Trong những ngày hành quân, tham gia chiến đấu, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, tội ác của kẻ thù và khí chất anh hùng của lớp lớp thanh niên nơi chiến trận, những ước mơ cháy bỏng của tuổi thanh xuân cùng nỗi nhớ nhà, quê hương, bè bạn da diết... được liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn (sinh năm 1950), trú tại xóm Hoa Đông, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ghi lại trong 48 trang nhật ký của mình. Nhật ký này hiện đang được lưu giữ tại trường Đại học kỹ thuật Texas (Mỹ). Như một cơ duyên, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tìm kiếm, kết nối và trao lại cho gia đình thông qua Nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ về quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn.

Liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 chị em. Tháng 4/1968, kẻ địch điên cuồng chống phá, 18 tuổi, anh tạm gác lại bao hoài bão của tuổi trẻ, xung phong lên đường nhập ngũ, cầm súng ra chiến trường chống Mỹ khi đang học dở lớp 9 (bậc trung học phổ thông hệ 2 năm). Những ngày đầu nhập ngũ được người lính trẻ ghi chép lại, đề ngày 12/4/1968: “Bài lượng giác còn chưa xong… buồn ngủ quá, ta vừa thiu thiu ngủ. Có lẽ khoảng 12h đêm… Cánh cửa kẹt một tiếng… cầm tờ giấy lệnh điều nghĩa vụ quân sự với chữ ký Nguyễn Công Chân, trong người có một cảm giác dễ thường từ trước đến nay chưa bao giờ có. Một đêm, một đêm nhớ mãi…”.

Anh ghi lại cảm xúc trên đường hành quân “ngày lại qua ngày, càng đi đường càng dài mãi. Vực thẳm, sông sâu, đoàn quân vượt qua bao nhiêu rừng, bao nhiêu suối. Qua đất Nghệ An, cảnh làng xóm vắng dần, vắng dần và mất hẳn. Ta đi trong rừng sâu, đi mãi. Đã đến lúc khao khát phóng tầm mắt ra xa, nhìn bầu trời trong đẹp… Những khu rừng tĩnh mịch làm sao... Đường mới mở, tiếng bom thỉnh thoảng lại nổ từng tràng dài xé tan màn đêm...”. Những trận đánh, những lần đối mặt với sinh tử khi quả đạn pháo rơi cách 50cm, lần bị thương hay cái chết dữ dội xảy ra với đồng đội... tất cả đều được anh ghi vào nhật ký, như minh chứng rõ ràng nhất của sự khốc liệt và những hiểm nguy trong chiến tranh mà mỗi người lính phải đối mặt và vượt qua.

Ông Lê Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo huyện Yên Thành trao bản in cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn tới gia đình.

Ông Lê Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo huyện Yên Thành trao bản in cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn tới gia đình.

Khó khăn, gian khổ là vậy, song người lính trẻ vẫn luôn tự hào, kiêu hãnh của thế hệ thanh niên được đứng trong hàng ngũ đoàn quân ra trận: “Một trung đội một xe. Ngồi chật quá, mưa rét quá nhưng ta vẫn cảm thấy ấm lòng khi xe qua bệnh viện, qua làng xóm và cả đoàn quân cùng hát… Nhân dân ra xem, ta hát càng to. Chắc họ thích lắm khi thấy đoàn xe chở đoàn lính miền Bắc vào Nam. Tuổi thanh niên thấy cảnh này ai mà không thèm muốn…”.

Trong những ngày chiến đấu khốc liệt, ước mơ và khát khao về ngày hòa bình càng trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết, được anh trải lòng trong cuốn nhật ký. Đó là lần đơn vị đóng quân ở nơi cảnh sắc thiên nhiên “không thể chê được”, anh ước ao có thể dừng lại ở đây để chơi trăng nhưng rồi lại dặn lòng “hãy để đến ngày hòa bình” và đã thốt lên “ta muốn sống tự do, hòa bình, hạnh phúc bên cha mẹ già, chị và em của ta…” trong một trang viết khác.

Trong khốc liệt chiến tranh ấy, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha vẫn luôn thường trực: “Nhớ mãi ngày hôm nay, khu rừng Quảng Trị, nhớ nhà da diết… ở quê hương mẹ kính yêu đang làm gì nhỉ? Đang làm cỏ ngoài vườn hay đi cấy về? Người cha kính mến hiền từ đã đi làm đồng về chưa. Hay đang nằm nghỉ ở nhà ngoài? Còn em ta có lẽ đang nấu cơm, cơm đang sôi…”. Đó cũng là trang nhật ký cuối cùng, không ghi ngày tháng của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn. Ngày 16/8/1970, người lính trẻ đã anh dũng ngã xuống, nằm lại chiến trường khi vừa tròn 20 tuổi trong một trận đánh hết sức ác liệt tại Khe Sanh (Quảng Trị) mang theo nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ cha và ước mong về ngày hòa bình…

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, dù chỉ là bản in song những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số, liệt sĩ Nguyễn Trọng Ấn là di vật vô giá mang lại sự an ủi, động viên cho gia đình, người thân. Những trang nhật ký là cầu nối tinh thần, giúp xoa dịu nỗi đau mất mát và gìn giữ ký ức về người con, người anh, người cha đã khuất… của thân nhân các liệt sĩ. Đặc biệt, những trang nhật ký còn là chứng nhân của một thời kỳ chiến tranh khốc liệt, như ngọn lửa truyền cảm hứng, nhắc nhở thế hệ mai sau luôn biết trân trọng giá trị của hòa bình và không quên những đau thương, mất mát, sự hy sinh cao đẹp của những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã ngã xuống cho đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay…

Phương Nam

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nhat-ky-cua-liet-si-chung-nhan-chien-truong-khoc-liet-i738542/