Nhật ký hành trình hậu Covid-19: Đi tìm tour mới - Đa Mi, Hàm Thuận Bắc
Xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, nơi có hai hồ thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi, hai thác là 9 tầng và Sương Mù là lựa chọn ưu tiên để tìm các tour mới hậu Covid-19.
Hậu Covid 19, để giành lợi thế cạnh tranh, nhiều công ty không chỉ giảm giá thành mà còn tìm các tour mới.
Xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, nơi có hai hồ thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi, hai thác 9 tầng và Sương Mù là lựa chọn ưu tiên. Năm 2006, công ty đã khảo sát và làm tour mới, tổ chức được vài chuyến thì ngưng vì quá khó.
Kế hoạch trở lại dự kiến từ tháng 3 nhưng đến ngày 7/5 mới tổ chức được.
Đoàn có 6 người gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Khởi hành từ Sài Gòn lúc 3h30 để xuất phát tại Phan Thiết lúc 8h. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cử thêm 3 nhân viên phòng Quản lý du lịch. Anh Ngô Minh Chính, giám đốc sở xin lỗi vì không thể đi cùng đoàn và dặn “Nhớ ghé chùa trên núi. Chùa mới, tuyệt vời lắm”.
Đoàn theo quốc lộ 28, ghé Ủy ban huyện Hàm Thuận Bắc, đón thêm hai cán bộ phòng Tài nguyên môi trường và phòng Kế hoạch, rẽ quốc lộ 55 thẳng hướng Đa Mi. Đường tốt, độ cao lên dần, quanh co uốn lượn giữa rừng. Mùa khô, rừng xám xịt nhưng gần tới Đa Mi là đổi màu, xanh bạt ngàn. Tôi háo hức vì trở lại chốn xưa với chuyến khảo sát đầy ấn tượng.
Chuyến đi năm xưa
Tháng 4/2006. Đoàn khảo sát gồm 24 thành viên, có các nhà báo và một số khách lẻ, mang theo cả lều trại và tự túc khoản ăn uống. Khởi hành từ Sài Gòn theo lên Bảo Lộc, nghỉ đêm dã ngoại ở công viên đá Ngọc Châu, nay là Khu du lịch sinh thái bảo tàng Đá Ngọc Châu.
Đây là bảo tàng đá đầu tiên ở Việt Nam với hơn 5.000 mẫu vật cực kỳ da dạng. Có phiến đá cổ giống hình Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809 – 1865). Có phiến tựa hình nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995). Bảo tàng có nhiều tượng gỗ quí. Độc đáo nhất là hai tượng Phật Thích Ca và Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, tạc bằng cây dâu tằm đại thụ, trên ngàn năm tuổi…
Chiều ngày thứ hai, đoàn rẽ quốc lộ 55, ngang qua hồ Hàm Thuận rồi dựng trại, làm nhà vệ sinh và phòng thay đồ dã chiến ở bãi đáp trực thăng cạnh hồ Đa Mi. Bãi đất trống, lát đá dăm, rộng chừng 1.500m2, cao hơn mặt nước hồ 20m, cách hồ chừng 300m.
Hồ đẹp sững sỡ, như bức tranh thủy mặc, trinh nguyên, rộng 625 ha, nhỏ hơn nhiều so với hồ Hàm Thuận 2.520 ha, cách đó mấy cây số. Hồ Hàm Thuận mực nước lên xuống, có nhiều đảo. Mùa mưa, nước rút cả chục mét hơn, nhìn rõ những đường viền đất chạy quanh bờ và các đảo như kẻ chỉ trang trí trong xây dựng.
Hồ Đa Mi nước ổn định, chỉ có vài đảo, bao quanh là chập chùng núi. Diện tích hồ và bên kia bờ là huyện Tánh Linh, bên này bờ là huyện Hàm Thuận Bắc.
Hồ lặng như gương, nước xanh ngắt soi bóng mây trời và bảng lảng sương chiều hoặc sáng sớm. Cứ ngỡ như các hồ ở châu Âu. Tắm hồ, trời chiều se lạnh, nhưng nước ấm. Nhiều khách phấn khích vì lần đầu được tắm hồ đã như vậy. Đường xuống hồ đi qua cụm rừng nhỏ, rợp bóng mát, mắc võng nghỉ trưa thì phê luôn cả buổi. Đoàn không dựng lều ở đây mà chọn bãi đất trống trên cao để dựng trại nhằm tránh muỗi.
Đến thủy điện nhưng không có điện. Sau bữa ăn chiều dã ngoại, bốn bề tối đen như mực. Lửa bùng lên. Bất ngờ, Hoài Nhưỡng - bí thư xã đoàn Đa Mi - cùng nhóm bạn vượt hơn 20km đường đèo vào thăm. “Lần đầu tiên có đoàn thành phố ở lại đêm. Hay tin bọn mình rủ nhau đến giao lưu”. Lời ca, tiếng hát vang theo tiếng đàn guitar bập bùng ánh lửa, làm ấm lòng cả khách lẫn chủ.
Trời chưa sáng, tiếng chim rừng líu lo đã gọi mọi người thức giấc. Một nhóm đi tắm hồ buổi sáng, thư giãn, tăng đề kháng cho hành trình xuyên rừng. Nhóm khác chạy bộ, khởi động đôi chân. Cực nhất là nhóm hậu cần, vừa lo ăn sáng cho đoàn, vừa chuẩn bị cơm nắm ăn trưa. “Hành lý phải thật gọn nhẹ!” – thông báo ngắn gọn. Ai cũng háo hức pha chút hồi cho mục tiêu - khám phá thác Sương Mù, địa danh lạ hoắc, mới nghe lần đầu.
Đoàn hạ trại, thu dọn chiến trường, lên xe đến điểm tập kết đi thác, cách hồ Đa Mi 20 km, tại ngã ba thôn Đa Tro. Chặng 1 là phải vượt 7 km bằng xe ôm địa hình. Xe ôm đúng nghĩa. Đố ai ngồi sau mà không ôm. Đường rất hẹp, nhiều đoạn chỉ vừa lọt bánh xe. Ngồi khép chân càng sát càng tốt, nếu không muốn va vào đá hoặc gốc cây hai bên đường. Nhắm mắt hay mở mắt đều khiếp.
Có đoạn lên dốc, không ôm là té ngửa. Có đoạn xuống dốc, không ôm là lộn nhào lên đầu tài xế. Phải nói là hãi. Hồi đó chưa có nón bảo hiểm. Mùa mưa bánh xe quấn xích mới chạy được. Nghe đồn mấy bác tài hay chở phụ nữ, sau lưng có hẳn hai cục chai. Phải nói tài xế xe ôm đi thác Sương Mù là siêu nhân, cứ như làm xiếc. Ngồi xe ôm thì sợ, mà đi thì không kịp giờ và không nổi.
Chặng 2 là hành quân bộ khoảng 5,7 km. Có thêm Ánh, người địa phương dẫn đường. Ánh vốn là thợ rừng, chuyên săn trầm và bẫy thú, giải nghệ lấy vợ và làm vườn vài năm nay. Mọi người kiểm tra lại hành trang gồm cơm nắm, nước suối, buộc chặt dây giày. Mấy hướng dẫn mang theo rựa để phát quang và hơn 100m dây thừng để xuống thác.
Đường đi không quá vất vả, thi thoảng vài đoạn có lối mòn nhỏ, lên xuống dưới tán rừng hoặc ven suối. Mấy bạn nữ mê nhất là những thân gỗ mục mọc rất nhiều loại nấm đẹp. Thứ này mang về nhà, vừa làm kỷ niệm chuyến đi, vừa trang trí thì nhất. Đi qua mấy con suối nhỏ, ai cũng tranh thủ dừng chân rửa mặt, nước mát lạnh. Mùa mưa không dám qua mấy con suối này vì sợ lũ rừng về, chạy không kịp.
Dừng ăn trưa ở trảng thác lớn, ai cũng đẫm mồ hôi, cứ như vừa dầm mưa. Chân bắt đầu căng cơ. Vài người bị gai cào trầy xước, chảy máu. Leo núi, đi chậm mà đói nhanh. Cơm vắt với muối đậu phộng kèm trứng chiên với dưa leo mà ngon cực. Ăn xong, buồn ngủ vì “Căng da bụng chùng da mắt”, “Chưa ăn thì mỏi đằng sau. Ăn rồi thì đau đằng trước”. Ai cũng thèm ngả lưng xuống mấy tảng đá. Lên đường! nghỉ càng lâu càng ngại đi.
Đường ngày càng khó vì dốc. Đã nghe thác rì rào quyến rũ nhưng vực sâu hàng trăm mét, dốc đứng. Hơn 100m dây thừng chuyên dụng được buộc vào các gốc cây, lần lượt dìu từng người bò lết nhưng chỉ xuống được lưng chừng thác. Đành ôm gốc cây ngắm thác từ xa, bất lực nhìn sơn nữ tuyệt trần đang khỏa thân quyến rũ. Thác hẹp, cao hơn 110m như con rồng bạc phóng xuống từ trời. Vào mùa mưa, hơi nước tung bụi mù, trắng xóa như sương mù, mưa bay, mây giăng và tên thác được gọi như vậy.
Trong khi cả đoàn lui quân theo đường cũ thì nhóm đặc biệt do anh Hoàng Quang Vinh vốn là người qui hoạch thủy điện vùng, thông thạo địa hình đầu têu gồm những người khỏe và máu nhất, không chịu ngắm thác từ xa, tìm đường khác xuống bằng được. Nhóm xin phép về sau và đi đường mới, ngắn nhưng khó hơn. Cuối cùng, trời không phụ lòng người, chẳng bỏ công; nhóm cũng bò xuống tận chân thác.
Bao cực nhọc hiểm nguy được tưởng thưởng xứng đáng. Những du khách đầu tiên của Sài Gòn đã đời tận mắt chiêm ngắm toàn cảnh thác, cao vút, ngạo nghễ và kiêu sa như hoa hậu giữa rừng già. Đoàn ra đến quốc lộ lúc 16h, nghỉ ngơi và đợi. Trời mưa nhẹ. Mọi người có phần lo lắng nhưng không nói ra. Mãi 17h45, nhóm cuối cùng hội quân, ai cũng phờ phạc, lấm lem bùn đất. Uống vội ly nước mía pha gừng, cả đoàn lên xe thẳng hướng Vườn Đá resort, nghỉ đêm, relax và phục hồi sức khỏe trước khi về Sài Gòn.