Nhật ký lữ hành Argentina – P.22: Hồ xanh trên núi
Vào ngày cuối cùng ở thủ phủ trekking của Argentina, chúng tôi đi trekking trong một khu bảo tồn tư nhân có tên Los Huemules Reserve, cách El Chalten khoảng 20km về phía bắc, giáp Công viên quốc gia Sông Băng.
Cách đây hơn 15 năm, một dự án nhằm bảo tồn thổ nhưỡng, môi trường và hệ sinh thái động thực vật trên diện tích 5.800ha đã được phê duyệt nơi đây. Một số đường xá và 90 nền đất đã được bán (11 nền đã được xây dựng với những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường) để có kinh phí cho dự án bảo tồn này. Trên phần diện tích lớn hơn rất nhiều, cảnh quan được giữ nguyên vẹn hoang sơ, để các loài thú bản địa như Hươu Andes (Huemuel), báo, cáo, chồn, chim gõ kiến Magellan, chim ưng… có thể tiếp tục sống và sinh sản.
Ngày nay, du khách tới đây sẽ được đón tiếp trong một nhà khách khá đơn sơ mộc mạc ở cửa rừng, được cung cấp đầy đủ thông tin về khu bảo tồn và có thể chọn vô số các tuyến trekking lên núi.
Chúng tôi chọn một cung đường 4 tiếng đi và về xuyên qua cánh rừng dẻ gai đang rực vàng. Hôm nay mới thấm cái đỏng đảnh của mùa, như Nàng Thu vốn dĩ phải thế. Mới sáng ra trời đã âm u, có lúc còn lất phất mưa. Lâu lâu mới thấy mặt trời ló rạng, dát vội những dải nắng óng vàng lên đỉnh núi có cái tên ngộ nghĩnh Cerro Electrico. Máy ảnh thì cứ lúc thì rút ra, lúc thì cho vào ba lô, phát mệt. Nhưng, những điều đó cũng không thể ngăn được sự hào hứng khi được đắm mình trong không gian vàng rực của rừng.
Không biết có phải do không khí, thổ nhưỡng hay do đặc thù của loài dẻ gai Nam Mỹ mà tôi thấy sắc vàng của những cánh rừng nơi đây thật lạ. Khác với màu vàng nhẹ ngọt ngào của lá thu ở Âu châu hay ở Nga, màu vàng của lá thu nơi đây rực rỡ và ấn tượng hơn rất nhiều. Thú vị nhất là thấy dấu ấn của thời gian để lại trên những cành lá của cùng một thân cây - không thiếu một sắc độ nào của màu vàng, cam, đỏ và cả nâu tím.
Đi hết cánh rừng, hết con đường trải sỏi lạo xạo dưới chân và qua một câu cầu nhỏ bắc qua sông Diablo, chúng tôi bắt đầu leo núi. Con đường ngày một thu hẹp với đá lô nhô. Dọc theo con đường ấy là những thân cây khô được xếp ngay ngắn tạo thành đường mòn. Sau những thân cây là trảng cỏ, cây bụi dày đặc nhiều lớp và rừng cây tiếp nối tới tận những dãy núi. “Đi đúng đường. Vào rừng thế nào, ra khỏi rừng thế ấy”. Đó là lời dặn dò của bạn dẫn đường. Khách ăn một trái táo, quăng luôn ruột bên đường. Bạn lẳng lặng nhặt lên, cho vào túi giấy mang về. “Bạn nghĩ đi, hàng ngàn du khách tới đây hàng năm, mỗi người chỉ đặt một bàn chân họ lên cỏ thôi, thì liệu sẽ còn gì để bảo tồn? Mỗi người chỉ quăng một hạt táo thôi, rừng cây sẽ mất sự nguyên sơ”. Câu nói ấy của bạn gợi lên bao suy nghĩ trong tôi. Lại nhớ tới những vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu sinh thái…ở quê nhà, nơi mà cỏ cây bị dẫm đạp không thương tiếc, nơi mà màu xanh đỏ giả tạo lấn át màu của hoang sơ. Tại sao họ làm được mà ta không làm được? Câu trả lời không quá khó, vậy mà hành động thì khó lắm thay.
Càng lên cao, tầm nhìn càng thoáng đãng và rộng mở hơn. Con sông dưới thung lũng đã biến thành một con rắn trắng ngoằn nghèo rồi mất hút trong khu rừng mênh mông vàng rực mà nhìn từ trên cao cũng chỉ như những bụi cây. Một dòng thác không quá lớn nhưng cao, nước ầm ầm đổ theo bờ đá đầy cây leo xuống khu rừng đang trút lá. Trên đỉnh ngọn thác này chính là Laguna Azul - Blue Lagoon - Hồ Xanh lam. Hồ không lớn lắm nhưng nằm giữa những sườn núi đầy rừng dẻ gai nên thật ấn tượng.
Ấn tượng vì màu xanh lam của mặt nước, dù bầu trời mùa thu không nắng và trời không xanh. Ấn tượng vì những hàng dẻ gai đã rụng hết lá, những thân cây trơ cành trắng muốt, vẫn nguyên dáng bay theo gió, soi bóng trên mặt nước xanh. Và ấn tượng, vì con đường đầy cỏ dại, những cushion-plants tròn trắng ngà, những bụi cây gai lá đỏ và hương paramela lan trong khí quyển, rung rinh theo những cánh hoa dại nhỏ xíu.
Con đường cứ thế mất hút trong thiên đường hoa cỏ, lúc lên lúc xuống. Đi thêm khoảng 500m, đã thấy Green Lagoon - Laguna Verde - Hồ xanh lục hiện ra dưới chân. Hồ này nhỏ hơn Blue Lagoon, nhưng cũng ấn tượng không kém, bởi màu xanh Ngọc lục bảo đặc biệt của nó. Hồ nằm lọt trong thung lũng, bao quanh bởi sườn bắc của dãy núi Fitz Roy. Màu xanh đặc biệt của hồ có được là nhờ các loại tảo, diệp lục, và những loại cỏ đầm lầy che phủ một phần mặt hồ. Cảm giác đứng trên đỉnh cao, được bao phủ bởi màu sắc của mùa thu, một bên là Hồ xanh lam, một bên là Hồ xanh lục, thật khó tả. Những muốn được tan ra như nước. Hóa xanh lục. Hóa xanh lam. Lăn tăn theo gió. Về cõi hư vô.
Con đường trekking còn ngoằn nghèo mãi, vòng qua những dãy núi, men theo những sườn đồi đầy gốc cây cổ thụ, quay trở lại sông Diablo từ một hướng khác. Một cây cầu treo trắng muốt đưa chúng tôi từ thiên đường lam, lục, vàng ấy trở về hạ giới. Ở chặng đường cuối, trời bắt đầu đổ mưa. Đành cất máy ảnh và tiếc nuối dùng điện thoại chụp những ngọn núi và cánh rừng vàng trong làn sương mịt mờ của buổi chiều mưa. Ngày cuối cùng của tôi tại thiên đường Patagonia cũng khép lại với những khuôn hình đẹp như tranh vẽ ấy.
Một chuyến đi với quá nhiều ấn tượng, nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc đang đi tới chặng cuối. Ngày mai chúng tôi sẽ bay tới thác Iguazu, một trong ba thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Sẽ là những điều tuyệt vời nào nữa chờ đón tôi trong những ngày cuối cùng ở Argentina?
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhat-ky-lu-hanh-argentina-p-22-ho-xanh-tren-nui-166949.html