Nhật ký một thời lửa đạn của cựu chiến binh Quảng Ngãi
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quang (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn giữ kĩ cuốn nhật ký cũ, sờn rách, ghi dấu một thời chiến tranh.
Những ngày tháng không thể quên
Trong khi đất nước đang hân hoan chào mừng tháng 4 lịch sử, ông Nguyễn Xuân Quang (77 tuổi, phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lại ngồi lật giở những trang nhật ký cũ, ôn lại những năm tháng hào hùng. Những dòng chữ ông bắt đầu viết từ năm 1966 đến 1975, ghi lại mốc thời gian, diễn biến, kết thúc trận đánh. Cho đến bây giờ, ông Quang vẫn nhớ mãi những ngày tháng 3/1975 lịch sử, hào hùng ấy.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quang gìn giữ cuốn nhật ký ghi dấu một thời chiến tranh
Lúc đó, tình hình chiến sự ở Quảng Ngãi bước vào giai đoạn quyết liệt, ông Quang được phân công giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 81 thuộc Trung đoàn 94. Trung đoàn 94 có 3 đơn vị là Tiểu đoàn 81, Tiểu đoàn 83 và Tiểu đoàn 48.
Ông Quang chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi là mở rộng vùng giải phóng về phía tây huyện Bình Sơn, Tiểu đoàn 81 nhanh chóng tổ chức hội ý chiến đấu vào ngày 15/3/1975 và âm thầm triển khai đội hình, sẵn sàng cho những trận đánh lớn”.
Chỉ hai ngày sau, đơn vị đã tham gia trận tấn công đồn Gò Sỏi (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn), tiêu diệt gọn 1 đại đội địa phương và 2 trung đội dân vệ của địch. Cùng lúc, phối hợp với Tiểu đoàn 48, phục kích thành công 1 tiểu đoàn Cộng hòa thuộc Trung đoàn 5 Sư đoàn 2 của địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, bắt sống nhiều quân địch.
Không dừng lại ở đó, từ ngày 19 - 20/3/1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục ngăn chặn lực lượng biệt động quân từ hướng Trà Bồng đổ xuống, diệt gọn 1 tiểu đoàn đối phương. Đến ngày 24/3/1975, đơn vị tiến hành đào hào và bố trí phục kích tại khu vực truông Ba Gò (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn), với mục tiêu khóa chặt tuyến rút lui của địch, không cho tháo chạy về Chu Lai.

Hiện ông Quang vẫn còn lưu giữ nhiều ảnh đen trắng từ thời kỳ kháng chiến 1975
Nhìn lại thời điểm ấy, ông Quang cho biết: “Chiến thắng tại Quảng Ngãi đã tạo bước ngoặt lớn, mở ra thế tiến công dồn dập trên toàn miền Trung. Sau đó, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... lần lượt được giải phóng. Địch bị chia cắt từng phần, hoang mang dao động, không còn khả năng chống trả. Những chuyển biến đó đã góp phần đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, dẫn tới đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước”.
Sau đại thắng oanh liệt, tháng 2/1976, ông Quang lại cùng Trung đoàn 94 hành quân lên Tây Nguyên, tham gia trận chiến trên chiến trường Campuchia kéo dài đến năm 1979.

Bức ảnh chụp ngày 25/3/1975, các chiến sĩ Tiểu đoàn 81 thu giữ nhiều vũ khí của địch
Nhật ký viết trong mưa bom bão đạn
Do phải liên tục tham gia các trận đánh ác liệt, ông Quang hầu như không có nhiều thời gian để ghi chép đầy đủ vào nhật ký. Những dòng chữ hiếm hoi còn lưu lại trong cuốn sổ tay của ông chủ yếu là con số, dữ kiện, những dấu tích lặng lẽ của chiến trường một thời.
Trong nhật ký ngày 24/3/1975, ông ghi lại chiến lợi phẩm của Tiểu đoàn 81: Tiêu diệt 500 lính địch, bắt sống 650 người, thu giữ gần 700 khẩu súng các loại cùng hàng chục khẩu pháo, phá hủy khoảng 300 xe quân sự cùng hàng trăm thiết bị thông tin.
Xen lẫn trong đó là những dòng thơ ông viết về nỗi nhớ quê, tình đồng chí,... Đáng nhớ nhất là bài thơ viết cho Hân - người đồng chí chiến đấu thân thiết đã hy sinh tại trận đánh Kim Sa (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh): “Đã trải qua ngậm đắng nuốt cay/ Vào sinh ra tử thật là gian nguy/ Thế rồi chẳng có chi là khổ/ Hai đứa mình cảnh ngộ tương tri/ Hôm nay đây biết nói những gì/ Nhìn vắng lạnh Hân đi nghìn dặm/ Hân đi tìm cờ thắm núi sông/ Hân làm nên những đóa hoa hồng/ Của chủ nghĩa anh hùng cách mạng...”.

Cuốn nhật ký sờn cũ và những dòng thơ viết vội về người đồng đội đã hy sinh
Cầm cuốn nhật ký cũ trên tay, ông Quang nâng niu như báu vật. Mỗi lần lật mở từng trang giấy, ông đều cẩn trọng, nhẹ nhàng như sợ làm nhòe đi vết mực cũ hay vô tình làm rách một phần ký ức. Ông chia sẻ: “Việc ghi nhật ký không chỉ đơn thuần là thói quen, mà là cách để lưu giữ lại ký ức một thời chiến đấu. Mỗi con số, mỗi dòng chữ trong đó là một phần ký ức của tôi về những năm tháng sống giữa chiến trường. Ở đó có tên những người đồng đội đã hy sinh, có những trận đánh mà tôi và anh em đã đi qua”.
Dù hơn 50 trôi qua, cuốn nhật ký của ông Quang giờ đây đã bạc màu, sờn rách. Thế nhưng, với ông, đây là thước phim sống động về lịch sử, được ghi lại bằng máu và nước mắt, đồng thời cũng là niềm tự hào của người lính Cụ Hồ.
Ngoài cuốn nhật ký, ông Quang cũng lưu giữ rất nhiều tấm ảnh đen trắng được chụp trong thời kỳ kháng chiến. Bên cạnh đó còn có một số hiện vật, ông đã trao tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.