Nhật ký những cung đường nước Đức - Bài 4: Về miền cổ tích

Lahr ở vùng Rừng Đen là một thành phố nhỏ có từ thế kỷ 13, nay thuộc vùng Orternau, bang Baden - Wuerttemberg nằm phía tây nam nước Đức. Không phải là thành phố du lịch quá nổi tiếng, nhất là với du khách Việt, cái tên này khá xa lạ ngay cả với nhiều người Việt sống tại Đức.

Lahr ở vùng Rừng Đen

Nếu không có Lễ hội hoa cúc có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết tới thành phố nhỏ ở vùng Rừng Đen này. Từ Maikammer, chúng tôi bắt tàu đi Lahr và phải đổi tàu tới hai lần ở Landau và Offenburg. Tôi phấn chấn bước khỏi nhà ga. Khi ngồi trên tàu thì trời mưa tầm tã nhưng khi đến Lahr thì nơi này lại đón chúng tôi bằng những tia nắng tuyệt đẹp của mùa thu. Mặt đường vẫn còn loang loáng nước còn bầu trời thì lúc xanh lúc xám. Bến xe buýt khá lớn so với một nơi nhỏ như Lahr và có khá nhiều người da màu đứng ngồi tán chuyện.

Đây là lần đầu tiên trong suốt hành trình mùa thu nước Đức tôi thấy nhiều người da màu đến vậy. Có lẽ vùng này cũng có vài trại tị nạn.

Đứng chờ một lúc khá lâu ở trạm taxi tôi mới thấy có một chiếc trả khách tại ga. Tuy nhiên, bác tài nhất định không chịu chở vì tôi không gọi điện trước. Lúc ấy, tôi mới sực nhớ rằng có nhiều nơi ở Đức, nhất là tại những thành phố nhỏ, phải điện thoại đặt trước thì taxi mới tới. Thoạt nghe thì thấy "thua đứt" ở Việt Nam: một bước ra cửa vẫy taxi là có ngay, nhưng khi lên xe và được bác tài giải thích rằng đó là cách công ty họ quản lý tài xế và bảo đảm an ninh cho khách, thì lại thấy phục sự quy củ và ý thức kỷ luật của người Đức. Tài xế nào nhận khách không đặt trước, nếu bị công ty phát hiện thì họ sẽ bị phạt rất nặng.

Bác tài khá ngạc nhiên và tò mò khi thấy tôi nói từ Việt Nam tới để dự lễ hội hoa. “Internet mênh mông thế, có tìm cũng còn mệt, sao lại là Lahr? Sao lại là hoa cúc?”, bác tài hỏi.

Du khách đang chụp hình tại Lễ hội hoa cúc ở Lahr - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Du khách đang chụp hình tại Lễ hội hoa cúc ở Lahr - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Câu hỏi hay khiến tôi cũng tự hỏi mình như thế, nhưng tôi không lý giải được. Chỉ có thể nói là “duyên” khi trước chuyến đi những thông tin và hình ảnh của một thành phố nhỏ vùng Rừng Đen tình cờ lọt vào kết quả tìm kiếm và thu hút tôi ngay lập tức. Sức hút khó cưỡng của mùa thu, những ký ức đẹp đẽ về vùng Rừng Đen mà tôi từng tới cách đây mấy mươi năm khiến Lahr lọt vào danh sách những điểm đến của chuyến đi này. Không ai biết cái tên Rừng Đen có từ bao giờ.

Những di chỉ và hình vẽ trong các tư liệu cổ tìm được cho thấy vùng núi cao tầm trung phía tây nam nước Đức thuộc bang Baden - Wuerttemberg ngày nay có những rừng thông đầy bí ẩn từ thời La Mã cổ đại. Bóng tối luôn thường trực nơi đây do những tán cây đã chặn hết ánh sáng trong rừng, và có lẽ cái tên Rừng Đen xuất phát từ đó. Vùng rừng đầy bí ẩn này cũng xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích của Đức.

Nhưng khái niệm "Black Forest"không hề xa lạ với tôi và những ai là tín đồ của ẩm thực Âu châu: Black Forest ham (dăm bông), Black Forest Kirschtorte (bánh anh đào), Black Forest Kirsch (một loại Brandy). Ngoài ra, sản phẩm đặc sắc của vùng Rừng Đen phải kể tới là đồng hồ cuckoo, đã đi khắp thế giới từ thế kỷ 19 cùng với kiến trúc nhà ở của vùng Rừng Đen (Schwarzwaldhaus) với mái nhà dài gần sát xuống trệt. Kiểu nhà trang trại này rất phù hợp với địa hình sườn đồi dốc và vùng khí hậu có tuyết rơi nhiều, gió lớn. Nhiều ngôi nhà có tuổi đời 400 năm tới nay vẫn còn tốt như Hierahof ở gần Kappel.

Hoa cúc phủ kín những ngôi nhà cổ ở Lahr, vùng Rừng Đen - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Hoa cúc phủ kín những ngôi nhà cổ ở Lahr, vùng Rừng Đen - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Lahr ở vùng Rừng Đen là một thành phố nhỏ có từ thế kỷ 13, nay thuộc vùng Orternau, bang Baden - Wuerttemberg phía tây nam nước Đức. Không phải là thành phố du lịch quá nổi tiếng, nhất là với du khách Việt, cái tên này khá xa lạ ngay cả với nhiều người Việt sống tại Đức.

Diện tích khoảng 70km2 và dân số khoảng 49.000 người, Lahr lớn hơn tất cả những ngôi làng và thị trấn mà chúng tôi tới trên chuyến đi này. Những cư dân đầu tiên tại vùng này là công nhân xây dựng pháo đài tại Schuttertals vào năm 1218. Chỉ trong vòng hai thế hệ từ một ngôi làng nhỏ, Lahr đã nhanh chóng phát triển và chính thức được công nhận là thành phố vào năm 1278. Một phần của bức tường thành thời đó cùng Tháp canh vẫn còn tồn tại tới ngày nay và trở thành biểu tượng của Lahr.

Chúng tôi nghỉ lại một trong những khách sạn cổ ngay trung tâm thành phố để tiện tham gia mọi hoạt động của Lễ hội Hoa cúc kéo dài trong hai tuần. Du khách từ khắp nước Đức đổ về đây, người Pháp, người Thụy Sĩ, người Hà Lan, số ít du khách Nhật và chúng tôi là những du khách Việt duy nhất.

Lễ hội hoa cúc có từ 30 năm nay ở thành phố này - Ảnh: Tr.Thùy linh

Lễ hội hoa cúc có từ 30 năm nay ở thành phố này - Ảnh: Tr.Thùy linh

Hàng năm, cứ vào mùa thu, Lahr lại thay áo mới, cả thành phố biến thành một biển hoa cúc mênh mông nhiều màu sắc trải dài từ trung tâm tới ngoại vi thành phố. Lễ hội có từ hơn 30 năm nay, đã đưa Lahr từ một thị trấn nhỏ thành một thủ phủ hoa cúc.

Mỗi mùa lễ hội, cả thị trấn được trang hoàng bằng hơn 10.000 bụi hoa cúc tươi đủ loại rực rỡ sắc màu từ các nhà vườn trong vùng. Điểm đặc sắc là hầu hết các doanh nghiệp đều tự nguyện tham gia, từ chi phí tới việc thực hiện. Họ được chính quyền giao cho từng khu vực riêng trên đường phố để trang trí theo chủ đề mà họ chọn, nằm trong chủ đề chung của từng năm. Có rất nhiều sự kiện đi kèm như hòa nhạc, trò chơi dân gian, ẩm thực, hội chợ và lễ hội bia, lễ hội rượu vang cũng đồng thời diễn ra ở quảng trường chợ và khắp nơi trong trung tâm phố cổ của thành phố. Lễ hội hoa cúc tại Lahr luôn được khai mạc với nghi thức Thị trưởng thành phố trao vương miện cho "Nữ hoàng" - là cô gái xinh đẹp, xuất sắc nhất và có nhiều cống hiến cho thành phố.

Vào mùa thu, Lahr lại thay áo mới khi cả thành phố biến thành một biển hoa cúc mênh mông... - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Vào mùa thu, Lahr lại thay áo mới khi cả thành phố biến thành một biển hoa cúc mênh mông... - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Những ngày ở Lahr của tôi tràn đầy hương hoa cúc. Không chỉ được ngắm nhìn rất nhiều loại hoa cúc chưa từng thấy trong đời, mà tôi còn lạc lối trong những bức tường thành đầy hoa cúc, với đủ màu sắc sặc sỡ cùng những tháp hoa nhiều màu bên lối vào các cửa hàng, cửa hiệu; hay những trái tim bằng gỗ, những xe nhạc quay tay xưa lắc; những tấm gương khổng lồ nhân đôi những tháp hoa bên đài phun nước cổ...

Chúng tôi được uống bia hoa cúc, thưởng thức các loại rượu từ hoa cúc, ăn những món tuyệt hảo từ nấm và thịt với sốt hoa cúc…, không kể hết được khi dạo bước trong thiên đường hoa cúc ấy.

Lahr còn ghi dấu trong tôi bởi một buổi chiều ngồi đồng trong quán cà phê cổ nhất của thị trấn (thói quen khó bỏ của tôi trong mỗi chuyến đi). Suesses Loechle là một quán cà phê nhỏ có từ năm 1898 và truyền qua nhiều thế hệ, được trùng tu từ năm 1920 theo phong cách art deco và tới nay vẫn không hề thay đổi. Bên trong quán vẫn còn lò nướng bánh từ thế kỷ thứ 19.

Đây là quán cà phê duy nhất nằm trong danh sách bảo tồn của bang Baden - Wuerttemberg. Miếng bánh anh đào vùng Rừng Đen tan trên lưỡi, vị đắng của rượu quyện cùng vị thơm ngọt, chua chua của trái anh đào chín mềm, vị hăng ngái của hạnh nhân… trôi tới đâu biết tới đó. Những đêm lễ hội là những đêm không ngủ, tôi thích lang thang giữa biển hoa không một bóng người trên phố, ngắm ánh sáng chiếu lên những ngôi nhà cổ, tháp canh và di tích tường đá sừng sững phủ đầy hoa cúc. Để thấy mình trôi đi, tan vào bóng tối của vùng Rừng Đen cổ tích!

Monschau - Tiên nữ miền ngọc xanh

Sau bao nhiêu giờ trekking, cuối cùng tôi cũng đã gặp Monschau, "nàng tiên" của vùng rừng cực Tây nước Đức, thuộc bang Nordrhein - Westfalen. Nơi đây mang một vẻ đẹp từ thời Trung cổ, vẻ đẹp trầm buồn nhuốm màu mây gió, nhưng lại bị lão phù thủy thời gian quên lãng, nên nàng vẫn mơ màng. Vẫn yêu kiều như hoa như cỏ, vẫn vô tư như lá chín vàng. Và tiếng chuông nhà thờ ngân vang trên ngọn tháp cao xua đi màu xám của mây, xua cái lạnh xuống những gầm cầu, để tiên nữ say giấc nồng tinh khôi.

Monschau ở vùng rừng cực Tây nước Đức, thuộc bang Nordrhein - Westfalen

Monschau ở vùng rừng cực Tây nước Đức, thuộc bang Nordrhein - Westfalen

Tôi tới Monschau vào một ngày cuối thu. Trời xám, phố loáng, sông ào ạt và người lặng lẽ. Những ngôi nhà Fachwerk như đang thì thầm kể một câu chuyện gì đó. Nhà ở đây đa phần mái đá xám, tường trắng, với những thanh gỗ sẫm màu xiêu vẹo đã giữ cho những ngôi nhà hầu như không đổi thay sau hàng trăm năm và ngàn vạn biến cố. Những ô cửa gỗ kính đóng kín mà như không đóng bao giờ. Những ngôi nhà ấy ở vào thế kỷ 16 - 17 vừa là nhà ở, vừa là xưởng dệt, làm nên thứ vải bông lừng lẫy một thời của Monschau - thị trấn của những người dệt vải.

Ngồi trong hơi ấm của tiệm bánh và quán cà phê tuổi đời trăm năm, tôi để những suy nghĩ của mình lãng đãng bay theo sương khói cùng cái lạnh của mùa. Người dịu dần đi theo gió thu, theo hương bánh mì và khói cà phê. Những nỗi niềm cũng dần dịu đi và tan dần theo từng bước chân trên đá. Monschau là nơi từng được mệnh danh là “Hòn ngọc của Eifel” là một thị trấn nhỏ nằm sát biên giới Bỉ. Hơn 300 năm đã trôi qua, thị trấn hầu như không thay đổi gì nhiều, vẫn là những ngôi nhà Fachwerk nửa khung gỗ truyền thống, những con đường hẹp lát đá cuội dành cho xe ngựa. Ngày tôi đến, thị trấn vẫn như một nàng công chúa ngủ quên trong thung lũng bên sườn núi.

Nếu như Dörenbach với tôi là một nàng Lọ Lem váy hoa chân trần tung tăng trong những cánh rừng đầy hạt dẻ, thì nàng công chúa Monschau đích thực là một nàng tiên váy trắng ngủ quên trong rừng. Khu phố cổ nằm dọc theo dòng sông Rur nhỏ xíu như một con suối. Dòng sông ấy là mạch sống, giữ cho phố và nhà mãi mang hồn rừng Eifel và công chúa luôn được bình yên trong giấc ngủ đông. Hiếm nơi nào vừa có rừng, có núi, có sông suối và phố cổ ngàn năm êm đềm như nơi đây. Từ pháo đài trên đỉnh núi cao nhất, có thể thấy thị trấn uốn lượn vòng quanh theo sườn núi. Rừng thu lá vàng đan xen những mái nhà, những cây cầu gỗ, cầu sắt bắc ngang dòng sông nhánh suối, những lối mòn, đường đá… tạo nên một chốn thần tiên, một vẻ đẹp đến không thể diễn tả bằng từ ngữ.

Monschau, ngày tôi tới mang một vẻ mơ màng và quyến rũ kỳ lạ.

Sáng nay, mới gặp mùa thu như thu phải thế. Nhà gỗ trắng, nâu san sát bên sông giữa rừng thu đang trút lá. Thảm lá vàng, lá đỏ trải trên đường đón bước chân xa. 6 giờ sáng, tôi mặc áo ấm và đi ra lò bánh mì ở đầu làng. Mùi bánh mì thơm, mùi cà phê, mùi của sương, mây mù và gió thu... cuốn tôi đi.

Trời đầy mây và gió lạnh. Ngôi làng nhỏ như nàng công chúa vẫn say nồng trong giấc ngủ nơi rừng sâu. Hơn 300 nếp nhà khung gỗ nằm trong thung lũng bên dòng sông Rur, những con đường đá cuội nhỏ xíu, những ngõ nhỏ hun hút một người đi, kéo mắt nhìn về những cánh rừng đang vàng dần theo tiếng mùa gọi... tất cả làm nên vẻ đẹp của một câu chuyện cổ tích mùa đông.

Monschau ngày tôi tới mang một vẻ mơ màng và quyến rũ kỳ lạ - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Monschau ngày tôi tới mang một vẻ mơ màng và quyến rũ kỳ lạ - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Có lẽ vì thế mà tháng 10.2024 vừa qua, Monschau đã được chọn là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Đức và nơi này được dự đoán sẽ “bùng nổ” vào mùa du lịch năm 2025. Tôi không biết nên vui hay buồn khi nghe tin ấy. Có một điều gì đó lạ lắm ở nơi đây, đến độ, tôi đã nghĩ giống như định mệnh đã xui khiến tôi đến đây, mảnh đất cực Tây của nước Đức này, trong một mùa gió lạnh mà không phải ai cũng thích lặn lội trên đường.

Nhờ đó mà tôi cảm nhận được khí sắc của nơi này. Nồng nàn lắm, yêu kiều lắm và cũng trầm lắng lắm. Monschau hấp dẫn với tôi chính ở khí chất ấy. Và mong rằng, nơi đây, dù phát triển du lịch tới đâu, cũng đừng như Hallstatt của Áo hay Hội An của Việt Nam. Đơn giản chỉ vì hồn cốt của một nơi chốn còn hay mất cũng phần nào nhờ vào cái thần khí ấy. Người đông thì “khí” chẳng còn, tiếc lắm thay!

Bài, ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhat-ky-nhung-cung-duong-nuoc-duc-bai-4-ve-mien-co-tich-227274.html