NHẬT KÝ PHÓNG VIÊN: Đêm không ngủ dưới chân núi Tạc
Một ngày trước lễ tang của 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi tìm công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích, chúng tôi từ trụ sở Báo Người Lao Động tại TP HCM bay thẳng ra Thừa Thiên - Huế khi ở tỉnh này nước đang dâng tứ bề.
Trước giờ tang lễ hôm 18-10, tin dữ ập đến: Núi Tạc (tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở, vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ của (Quân khu 4) đồn trú tại đây. Nhóm phóng viên chia làm hai, một nhóm ở lại Huế, nhóm khác tức tốc vào hiện trường.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, con đường độc đạo vào Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, bị sạt lở, chia cắt. Hàng trăm phương tiện của lực lượng cứu hộ phải dừng lại. Sáng hôm ấy, lũ ống đã cuốn phăng cả đoạn đường xuống vực. Phía trên đầu, những khối đất đá chực chờ ập xuống, ở dưới chân nước chảy xiết như muốn xô người. Không thể chờ đợi, tôi bỏ tạm xe máy bên bìa rừng, lội bộ cùng các chiến sĩ. Cách hiện trường 5 km xuất hiện 3 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Khi tình hình ổn hơn, các phóng viên nắm tay dắt nhau lội giữa dòng suối, bám chặt thân cây. Càng đi càng thấm thía khó khăn. Bùn sâu đến gần thắt lưng, nước xô từ trên mặt đường xuống dốc sâu. Có đoạn đá đâm vào lòng bàn chân nhưng không ai dám rút lên vì dễ trượt ngã. Đến nơi, người nào cũng bám đầy bùn và lạnh cóng. Sương cứ bay là đà, mưa mỗi lúc một to.
Bên trong doanh trại, hàng chục xe múc đào bới liên tục. Chốc chốc lại nghe tiếng động lớn, thi thể của 14 chiến sĩ lần lượt được tìm thấy. Không ít lần ông Lê Đình Huấn (bố chiến sĩ Lê Tuấn Anh; ngụ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) hôn lên chiếc áo lính con trai tặng cách đây 6 tháng. Ông cầu một phép mầu sẽ mang con trở về.
Màn đêm buông xuống, ít nhất 2 đợt núi tiếp tục bị sạt lở nhưng các chiến sĩ vẫn khẩn trương bằng mọi cách để tìm kiếm tất cả đồng đội. Trong căn nhà của ông Hồ Văn Trú (48 tuổi, dân tộc Vân Kiều), các phóng viên liên tục chuyển hình ảnh, thông tin công tác cứu nạn về các tòa soạn trên cả nước. Một đồng nghiệp gần như cả ngày dầm mưa, chưa một hạt cơm lót bụng, gửi tin tức xong lăn ra ngủ ngon lành.
Đêm nay, chúng tôi sẽ ngủ ở đây vì lối ra đã bị nước lũ chia cắt. Nhưng khi vừa ngả lưng để tạm gác công việc ngày đầu tiên thì nghe tiếng nổ vang trời cho thấy dấu hiệu sạt lở tiếp tục diễn ra. Ông Trú và bà con xung quanh giục nhau tháo chạy về nơi an toàn. Các phóng viên lại di dời lần 2.
Dưới chân núi Tạc trong đêm mưa, giữa những đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi của gia đình các cán bộ chiến sĩ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình đồng chí, đồng đội và cả nghĩa tình đùm bọc của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Sáng 19-10, đường độc đạo đã thông tuyến cũng là lúc thi thể cuối cùng được tìm thấy. Chúng tôi theo sau 22 chiếc xe cứu thương đưa các chiến sĩ vượt qua hàng chục điểm sạt lở để trở về TP Đông Hà.
Ở nơi ấy, nước lũ đã dần rút, những người thân đang ngóng chờ các anh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dem-khong-ngu-duoi-chan-nui-tac-20201019225050407.htm