'Nhật ký thời chiến Việt Nam' - bộ sách gìn giữ tư liệu quý cho mai sau
Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ 'Mãi mãi tuổi 20' và Câu lạc bộ 'Trái tim người lính' vừa ra mắt bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam' của nhiều tác giả do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên.
Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, khổ 16x24cm.
Bạn đọc đã từng biết đến hai cuốn nhật ký với hàng triệu bản in đã được phát hành và được dịch ra nhiều thứ tiếng: “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng chỉ hai tác phẩm ấy thôi thì chưa đủ! Đây là lần đầu tiên, 30 tác phẩm-nhật ký của 30 tác giả được sưu tầm, tuyển chọn công phu để cùng đứng chung trong một bộ sách.
Ngoài hai cuốn nhật ký kể trên, trong bộ sách này, bạn đọc sẽ được tiếp cận với hàng chục cuốn nhật ký đầy hơi thở chiến trường khác. Nếu “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường đại diện cho thế hệ những chiến sĩ Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên thì “Trời xanh không biên giới” của Đặng Sỹ Ngọc là của lực lượng pháo cao xạ ở chiến trường Khu 4. Nếu “Bão lửa cầu vồng” của Nguyễn Văn Thân là của lực lượng pháo binh mặt đất thì “Nhật ký Hoàng Công Sơn” là đại diện cho những chiến sĩ đặc công; “Tây Tiến viễn chinh” của Trần Duy Chiến là đại diện cho thế hệ các chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80 của thế kỷ 20…
Đặc biệt, bộ sách còn tập hợp nhiều trang nhật ký của các phóng viên chiến trường, được viết trong nửa cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Từ “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong, hay “Vượt Trường Sơn” của Phạm Quang Nghị; đến “Những ngày trong vòng vây” của Trần Mai Hạnh; “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý; “Nhật ký Bê trọc” của Phạm Việt Long; “Nhật ký đi B” của Triệu Bôn… Từ các góc nhìn khác nhau, các tác giả đã cho thấy không khí nóng hổi của cuộc chiến cũng như tình yêu nghề, yêu đời đến cháy bỏng của những người cầm bút.
Dù những ghi chép của các tác giả khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hóa, thời gian… nhưng tựu trung các trang nhật ký trong bộ sách này đều giống nhau ở một điểm: Đó là những tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước. Những trang nhật ký chính là những lời tâm tình gan ruột của những người anh, người cha, người chồng, người vợ, người con, người thầy, người bạn… với những người thân yêu của mình trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận, hay khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh… Đó là những lời gan ruột khiến bạn đọc rưng rưng đồng cảm: “Nhật ký ơi! Đừng trách Thùy nghe, nếu như Thùy cứ ghi vào nhật ký những dòng tâm sự nặng trĩu đau buồn. Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn khắp chiến trường Nam Bắc. Thắng lợi đã đến gần chúng ta rồi… Nhưng trên mảnh đất Đức Phổ này vẫn còn nặng những đau thương, ngày từng ngày máu vẫn rơi, xương vẫn đổ…” (“Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, đoạn viết ngày 15-6-1968).
Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể, chi tiết đến từng ngày, từng tháng, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống-chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường miền Nam hay mường tượng phần nào sinh hoạt của những người dân Khu 4 - vùng tuyến lửa nói riêng và miền Bắc nói chung trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sẽ còn mãi những hình ảnh của một thời: Chiếc mũ rơm, căn hầm chữ A, hầm ếch, giao thông hào, hình ảnh chiếc đèn dầu hỏa “chui vào” ống tre, ống nứa, “chui vào” hộp gỗ thậm chí vào cả ống pháo sáng của Mỹ… bí mật rọi phần sáng còn lại trên trang sách em thơ, lên cối gạo mẹ giã để nuôi quân... Nhưng bao trùm và xuyên suốt vẫn là tấm lòng yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết của người lính đối với gia đình, Tổ quốc, vẫn là ước vọng hòa bình và đoàn tụ...
Được Hội đồng Quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20" giao trách nhiệm chính việc tổ chức sưu tầm và biên soạn bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự phải mất 16 năm (từ năm 2004 đến nay) mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Ông chia sẻ: “Công việc viết văn đã giúp tôi “ngộ” ra một điều: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn! Chính vì lẽ đó, bộ sách được xuất bản bằng kinh phí xã hội hóa, không nhằm mục đích kinh doanh, mà mong muốn lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Đánh giá về bộ sách, Trung tướng Tiến sĩ Khoa học quân sự, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4), Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” cho biết: “Đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" như một “tượng đài” di sản phi vật thể mà các anh hùng liệt sĩ, các cựu chiến binh… đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho đời sau".