Nhật ký thời chiến Việt Nam - nguồn sử liệu quý để đưa vào giảng dạy
Bộ sách này là nguồn sử liệu quý cho những giáo viên dạy sử để bổ sung những kiến thức đang còn thiếu mà trong giáo trình hiện nay không có.
Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, ngày 6/6 trên trang book365.vn, đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng đã có buổi giao lưu cùng độc giả để chia sẻ về "Hành trình 16 năm bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam".
Tại buổi tọa đàm, ngoài việc được trò chuyện trực tiếp với nhà văn Đặng Vương Hưng, độc giả còn được giao lưu với các khách mời: PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng; cựu chiến binh Trương Công Đạo; Đại tá, cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học; Thạc sĩ Sử học, nhà giáo Trần Trung Hiếu...
Với 31 tác phẩm của 31 nhân vật trong bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam là hành trình dài 16 năm ấp ủ và xử lý tư liệu của nhà văn Đặng Vương Hưng và cộng sự, trong đó, 2/3 nhân vật trong cuốn sách đã qua đời.
Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ, công việc viết văn đã giúp ông “ngộ” ra rằng đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu quý báu.
"Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật!
Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy… Chính vì lẽ đó, bộ sách được xuất bản bằng kinh phí xã hội hóa, không nhằm mục đích kinh doanh, mà mong muốn lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ hôm nay và mai sau”, nhà văn Đặng Vương Hưng nói.
Để biên tập ra bộ 4 cuốn sách như vậy, chủ biên Đặng Vương Hương và cả ekip đã trên tinh thần trung thành tuyệt đối với bản gốc.
"Chỉ với 4 tập đầu tiên mà bộ sách đã có dung lượng hơn 4.000 trang khổ lớn. Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất là những di vật thiêng liêng của gia đình... Tôi có duyên với những công việc như thế này, chắc tôi xuất thân từ người lính rồi mới viết báo, làm văn", nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.
PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng nói: “Bộ sách là di sản văn hóa mang dấu ấn của cuộc chiến tranh. Nhìn vào những trang nhật ký này, chúng ta thấy được cuộc chiến tranh của dân tộc ta – một dân tộc trận mạc, một dân tộc dù nhưng chúng ta vẫn phải gồng mình lên để chống chiến tranh với một tinh thần yêu nước”.
Đồng quan điểm, cựu chiến binh Trương Công Đạo cho rằng, bộ sách như là một phần, một văn bia của di sản, nó như phần đặc biệt trong hồ sơ văn hóa của cả dân tộc. Có giá trị giáo dục cho cả một thế hệ.
Thạc sĩ Sử học, nhà giáo Trần Trung Hiếu cho rằng đây là bộ sách đặc biệt và sẽ là nguồn sử liệu cho nhiều thế hệ. “Nhiều năm qua, vấn đề học sử, thi sử thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bộ sách này là nguồn sử liệu quý cho những giáo viên dạy sử để bổ sung những kiến thức đang còn thiếu mà trong giáo trình hiện nay không có. Thứ nữa, nó là sự đổi mới về vấn đề dạy lịch sử”.