Nhật - Mỹ cam kết hợp tác quốc phòng đối phó Trung Quốc
Giới lãnh đạo hai nước Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng mạnh mẽ về những hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và cam kết hợp tác chống lại những nỗ lực gây mất ổn định khu vực.
Các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản, Mỹ đã bắt đầu cuộc hội đàm trực tuyến vào hôm 7.1 nhằm mục đích tăng cường hơn nữa liên minh 2 nước trong việc đối phó với sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung sau cuộc họp đã nhấn mạnh mức độ cảnh báo sâu sắc hơn về Trung Quốc, với tình trạng căng thẳng gia tăng đối với Đài Loan, đặt vai trò an ninh của Nhật Bản lớn hơn trong khu vực.
Các bộ trưởng bày tỏ lo ngại rằng những nỗ lực của Trung Quốc "nhằm phá hoại trật tự dựa trên luật lệ" đã đưa ra "những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với khu vực và thế giới".
"Chúng tôi quyết tâm làm việc cùng nhau để ngăn chặn, và nếu cần thiết, ứng phó với các hoạt động gây mất ổn định trong khu vực”, tuyên bố chung nêu.
Các bộ trưởng của hai nước cũng bày tỏ "quan ngại về những điều nghiêm trọng đang diễn ra" về các vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương và Hồng Kông của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trước cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các đồng minh đã lên kế hoạch cho một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới để chống lại các mối đe dọa đang nổi lên, bao gồm cả vũ khí siêu thanh và các khả năng dựa trên không gian.
Ông Blinken cho biết liên minh Mỹ - Nhật "không chỉ phải cải thiện các công cụ đã có mà còn phải phát triển những công cụ mới" nhằm đối phó với các hành động "khiêu khích" của Bắc Kinh đối với Đài Loan và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các phóng viên: “Chúng tôi cần theo đuổi tất cả các biện pháp sẵn có, gồm cả sự hợp tác với Mỹ, để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi khẳng định Tokyo sẽ có kế hoạch sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia để tăng cường cơ bản khả năng quốc phòng - động thái được Washington ủng hộ.
Thủ tướng Fumio Kishida hồi tháng 10 đã hứa sẽ điều chỉnh lại chiến lược an ninh của Nhật Bản để cân nhắc "tất cả các lựa chọn, gồm cả sở hữu cái gọi là khả năng tấn công kẻ thù". Chính phủ của ông Kishida đã phê duyệt chi tiêu quốc phòng kỷ lục, với mức tăng hằng năm thứ 10 liên tiếp vào năm 2022.
Jeffrey Hornung, chuyên gia về chính sách an ninh Nhật Bản tại Rand Corporation - một tổ chức tư vấn do Mỹ hậu thuẫn, cho biết trong khi các lựa chọn sử dụng vũ lực của Nhật Bản trên thực tế rất hạn chế, tình huống khẩn cấp ở Đài Loan sẽ là một trong những kịch bản tiềm năng mà Nhật Bản có thể coi là "đe dọa tồn vong".
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Scott Morrison hôm 6.1 đã ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), tạo điều kiện cho quân đội hai nước hợp tác chặt chẽ trong các chiến dịch phòng thủ và nhằm tăng cường hợp tác an ninh trong bối cảnh ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) sẽ cho phép triển khai Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Úc nhanh hơn, đồng thời giảm bớt các hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa.
Những động thái trên từ Mỹ, Nhật và Úc được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan, cũng như các mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Triều Tiên khi nước này vừa tuyên bố phóng thành công tên lửa siêu thanh hôm 5.1.