'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh'

Ngày nay không ít bạn trẻ cho rằng ít nhất phải tốt nghiệp đại học thì con đường tương lai của mình mới sáng sủa. Xã hội vẫn còn trọng người có bằng cấp, con đường khoa cử để vào đời luôn là sự lựa chọn ưu tiên để tiến thân. Ai cũng hy vọng có một chỗ ngồi trong giảng đường đại học. Nguyện vọng ấy rất chính đáng không có gì phải chê trách cả. Tuy vậy, ước mơ phải hợp lý, đôi khi họ quên mà không xem năng lực của mình.

Chúng tôi từng có lần được bạn trẻ cho biết, xã hội hiện nay vẫn còn trọng người đỗ đạt. Quan niệm người thầy vẫn hơn người thợ nên ai cũng cố đạt được ước mơ của mình. Có bạn “Thi không ăn ớt thế mà cay” năm lần bảy lượt, vẫn chưa đạt được mục đích của mình.

Lên Sài Gòn chơi, tôi có đến một cơ sở sản xuất của người em bà con hoạt động khá mạnh. Nhiều công nhân ở đây từng tốt nghiệp đại học nhưng do không xin được việc làm nên chịu vào làm như vậy cũng đáng khen lắm. Tiền lương ở đây cũng khá, nhiều đãi ngộ nên đời sống ổn định. Dù gì cũng còn hơn nhiều anh em học hành xong thất nghiệp phải chạy Grab. Tuy vậy, đứa em tôi cho biết, những người có trình độ cao họ chỉ coi là chỗ tạm thời, bởi vì làm ở đây chỉ là làm thợ. Họ chỉ muốn “làm thầy” mặc dù thu nhập không bằng nhưng được tiếng “sang” hơn! Nghĩ cũng lạ, ý nghĩ thích làm thầy hơn làm thợ của dân mình đến bây giờ này vẫn chưa hết!

Các bậc phụ huynh cũng cần nên xem lại năng lực của con em mình. Nếu các em không đủ khả năng vào đại học thì nên tìm một con đường khác phù hợp để đi. Thực tế trong xã hội không ít người lao động có tay nghề cao vẫn thành công trong cuộc sống. Bởi vậy, ông bà ta thường bảo: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là thế.

Bể học là vô cùng bao la, không những học trong nhà trường mà chúng ta còn học thực tế ở trường đời. Tận dụng mọi nơi mọi lúc để học, sẽ thu được nhiều điều bổ ích áp dụng trong cuộc sống. Có không ít người đi lên và đã thành công trên đường đời bằng sở trường. Tuy làm những công việc lao động bình thường nhưng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Tôi đã gặp một chàng trai rất thành đạt dù em không có nhiều bằng cấp như bạn bè. Năm 2000, em thi rớt đại học. Bình tâm suy nghĩ, em thấy nhiều người dù tốt nghiệp đại học nhưng vẫn xin không được việc làm. Thế là em đi vào con đường chăn nuôi. Vừa làm vừa học thêm để tích lũy kinh nghiệm. Lúc đầu vốn liếng chỉ làm theo dạng cò con lấy công làm lời. Sau nhiều năm làm việc hiệu quả, có vốn tích lũy, giờ đây em là chủ trại chăn nuôi công nghiệp, nhìn cơ ngơi của em là niềm mơ ước của nhiều người.

Con đường khoa cử để tiến thân vẫn còn là lựa chọn hàng đầu để các bạn vào đời. Nhưng nếu thử sức không thành công, các bạn trẻ nên chọn con đường khác phù hợp với mình. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ luôn diễn ra trong xã hội. Nếu có một nghề nghiệp vững chắc, ổn định đời sống của gia đình tôi nghĩ đây cũng là điều đáng hãnh diện, không nên có mặc cảm làm thợ kém hơn làm thầy. Đây là lúc các bạn nhìn lại chính mình để tìm con đường thích hợp theo nhu cầu thực tế của xã hội.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/giao-duc/nhat-nghe-tinh-nhat-than-vinh-48839.html