Nhật ngừng cấp quyền làm visa đoàn của 8 công ty du lịch Việt: Liệu có sự hiểu nhầm?
Thời gian qua, Đại sứ quán (ĐSQ) Nhật Bản tại Việt Nam có thông báo hủy bỏ tư cách 7 công ty lữ hành Việt Nam và đình chỉ có thời hạn một công ty khỏi danh sách đại diện xin cấp visa đoàn. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt là mảng du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài).
Nhiều công ty du lịch bất ngờ với “lệnh cấm”
Theo tìm hiểu của PV, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Nhật Bản du lịch, ĐSQ Nhật Bản đã chỉ định khoảng 15 công ty ở Việt Nam có quyền đại diện xin cấp visa khách đoàn do công ty mình tổ chức. Theo đó, các đơn vị này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Nhật Bản; mà điều kiện quan trọng nhất là các công ty phải luôn đảm bảo khách du lịch phải tuân thủ hành trình du lịch và về cùng đoàn theo đúng thời gian khai báo xuất, nhập cảnh.
Trong cam kết giữa các công ty được ủy thác với ĐSQ Nhật Bản cũng quy định rõ số lượng khách bỏ trốn bao nhiêu thì bị đình chỉ, khách ở lại quá thời hạn visa cho phép hay hủy không thực hiện chương trình tour nữa cũng phải báo lại ngay với ĐSQ. Trong thời hạn 6 tháng, ĐSQ sẽ rà soát và công bố những công ty vi phạm.
Thời gian qua, những doanh nghiệp được công bố có tên trong danh sách bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa hầu hết đã vi phạm các cam kết đã ký với Nhật Bản. Trong đó, lỗi nghiêm trọng là sơ sót để khách trốn khỏi tour ở lại Nhật hoặc không khai báo kịp thời lượng khách trốn ở lại với ĐSQ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Du lịch Việt đã bị hủy tư cách từ ngày 1/11/2018. Còn từ ngày 1/7/2019, 6 công ty bị hủy bỏ tư cách xin visa đoàn bao gồm: Công ty CP Du lịch Quốc tế Golden Team Việt Nam; Công ty CP Lữ hành Nam Cường; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Gia; Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Cầu; Công ty CP Đầu tư Phát triển Du lịch Thắng Lợi; Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hà Nội; riêng Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (Vietravel Hanoi) bị đình chỉ tư cách đại diện xin visa đoàn trong 6 tháng.
Mong muốn được làm rõ sự việc
Được biết, trong thông báo, ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam đã không đưa ra cụ thể nguyên nhân mà chỉ ghi rằng các doanh nghiệp trên “đã có vi phạm nghiêm trọng quy ước cam kết với ĐSQ Nhật Bản”. Ngay sau đó, nhiều công ty du lịch đều tỏ ra bất ngờ trước quyết định đột ngột của ĐSQ Nhật và yêu cầu phía ĐSQ cung cấp bằng chứng và nguyên nhân rõ ràng. Hiện phía Tổng cục Du lịch cũng chưa nhận được thông tin cụ thể từ vụ việc, cũng đã có văn bản yêu cầu ĐSQ Nhật Bản phối hợp cùng cung cấp thông tin.
Giám đốc Công ty CP lữ hành Nam Cường cho biết, phía Nhật Bản thông báo dừng tư cách đơn vị ủy thác được chỉ định với lý do có 48 khách du lịch theo đoàn bỏ trốn trong thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2019. Nhưng khi phía công ty yêu cầu ĐSQ Nhật Bản cung cấp bằng chứng xác minh thì phía ĐSQ lại trả lời không cung cấp được.
Đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm hay văn bản thông báo chính thức việc dừng hợp tác. Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội - bà Lê Thị Nhạn cũng cho biết, chỉ nhận được thông báo vi phạm và hủy bỏ tư cách đại diện xin visa đoàn từ ĐSQ qua điện thoại nhưng không có văn bản thông báo vi phạm cụ thể. Hiện công ty này đang liên hệ phản hồi thông tin với phía ĐSQ Nhật để làm rõ.
Về phía Vietravel, doanh nghiệp này cho biết mặc dù công ty đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn khách tour trốn khỏi đoàn, trong 566 đoàn với gần 17.000 người Việt du lịch Nhật do công ty tổ chức năm 2018; riêng tại chi nhánh Hà Nội đã có 3 khách không trở về cùng đoàn và 2 khách về sau đoàn, chiếm tỷ lệ 0,03% số khách đến Nhật Bản trong năm.
Đại diện công ty cho hay đây là “nguyên nhân chính dẫn tới việc chi nhánh Vietravel ở Hà Nội bị tạm đình chỉ tư cách đại diện xin visa” và công ty đang làm việc với các bên để giải trình vụ việc này và yêu cầu phản hồi cụ thể hơn từ phía ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam để khắc phục những thiếu sót trong tương lai.
Theo các doanh nghiệp, trong quá trình tiếp thu hồ sơ, rà soát và nộp hộ khách hàng, các công ty du lịch chỉ có quyền hạn nhất định trong việc kiểm tra hồ sơ cũng như ý đồ của người nộp, nên rủi ro khách lợi dụng visa du lịch để trốn lại là khó tránh khỏi hoàn toàn. Trên thực tế vẫn có những du khách mua tour, thậm chí tour đắt tiền, chuẩn bị hồ sơ xin visa rất tinh vi với đầy đủ giấy tờ chứng minh việc làm, thu nhập, hoàn cảnh gia đình… nhưng cuối cùng vẫn cố tình sử dụng visa du lịch để trốn lại.