Nhất quán quan điểm không tăng giờ làm thêm
Ngày 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), với đa số ý kiến cho rằng, việc giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên,… Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa trong dự thảo Bộ luật.
Giảm giờ làm là xu thế tiến bộ
Theo Tờ trình dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ lên 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm với lập luận do nhu cầu từ thực tiễn của doanh nghiệp và cũng là nguyện vọng của người lao động, nhất là nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực, như: da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện…
Trong khi đó, báo cáo thẩm tra dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Hơn nữa, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.
Trong phần thảo luận, tán thành với quan điểm của Cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội – chỉ rõ, công nhân lao động ở khối giày da, may mặc, lao động rất khổ, không còn thời gian chăm sóc gia đình, nếu tăng lên 400 giờ/năm sẽ càng khổ. Do đó, ông Phúc đề nghị nếu không giảm được giờ thì nên giữ nguyên như hiện hành.
Tán thành quan điểm trên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bổ sung, dù tăng thêm giờ lao động là nhu cầu của cả hai phía, tuy nhiên lợi cho giới chủ sử dụng lao động nhiều hơn so với người lao động. Hơn nữa, nếu tăng thêm giờ làm việc sẽ không tạo áp lực buộc doanh nghiệp đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm chi phí cho công tác quản lý.
Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội 13 vừa bàn về chiến lược phát triển, trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến giải pháp đột phá về đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động mà Bộ luật lại quy định theo hướng thâm dụng lao động thì đi ngược lại quan điểm phát triển.
Vẫn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu
Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết, về nguyên tắc, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.
Trong khi đó, quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội.
Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề Xã hội tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về tuổi nghỉ hưu:
Phương án 1 (phương án quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Phương án 2 (phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội tán thành phương án 1 với phân tích, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng. Tuy nhiên, phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhat-quan-quan-diem-khong-tang-gio-lam-them-125467.html